27/05/2013 05:15 GMT+7

Xoay xở mưu sinh

HỒ VĂN - TẤN ĐỨC
HỒ VĂN - TẤN ĐỨC

TT - Xóm Mương Bảy nằm cô độc ven cánh rừng phòng hộ thuộc ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Giữa trưa oi bức, biển mặn thiêu nám da người, vậy mà ai nấy mình trần đội nắng tất bật chuẩn bị ngư cụ, không ai cho phép mình hụt con nước chiều nay vì nó mang theo cá, tôm, ốc giúp họ sống qua ngày. “Cả xóm này là vậy, nắng cũng như mưa đều phải ra biển, vào rừng kiếm cái ăn từng bữa, nghỉ là đói” - ông Tô Văn Chiến (sinh năm 1951) miệng nói tay vẫn thoăn thoắt vá lại đụp lưới.

Được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, nhưng đồng bằng sông Cửu Long lại nằm trong nhóm những khu vực có số hộ nghèo cao nhất nước. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và có cách nào để giúp người nghèo vươn lên?

6MvepYTX.jpgPhóng to
Xóm nghèo Mương Bảy, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu)- Ảnh: Tấn Đức

Không lối ra

Cách đây 24 năm, ông Chiến cùng với người em trai Tô Văn Hiệp đã đưa gia đình tới đây dựng lều ở tạm trên đất lâm phần (đất do kiểm lâm quản lý). Mương Bảy giờ đã có trên 20 nóc nhà, hầu hết là con cháu của hai anh em ông Chiến. “Tính sơ sơ tôi có tám đứa, chú Hiệp có bảy đứa con đều ra riêng và cất nhà dọc theo con kênh này, chỉ có vài hộ là hàng xóm. Chúng nó cũng như chúng tôi, đầu tắt mặt tối với ngày hai buổi ra biển, vào rừng mò cua, bắt cá” - ông Chiến kể.

Cả xóm có ngôi nhà của ông Huỳnh Thanh Sơn được coi là đẹp nhất nhưng cũng chỉ mái tôn và vách lá dừa. “Ngôi nhà cũ bằng bạt cao su và lá dừa bị sập nên vợ chồng tui vay 5 triệu đồng cất lại. Cất xong thì cũng bị rút sổ hộ nghèo luôn. Xã nói tui có tiền cất nhà, có mấy người trong tuổi lao động, thu nhập cộng lại trên ngưỡng nghèo nên họ rút sổ. Thật tình làm nhà mới còn nợ tiền, mấy đứa con làm ăn thu nhập thế nào thì chúng cũng ra riêng rồi. Hai vợ chồng tôi làm nghề chính là bắt ốc, mò cua trong rừng, ngoài biển, ăn còn chưa đủ no, sao lại cho rằng chúng tôi thoát nghèo. Ra khỏi diện hộ nghèo, chúng tôi không còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chẳng may có bệnh thì coi như chịu chết, không còn được vay vốn ưu đãi để làm ăn, con cái đi học không được miễn giảm học phí..., tức cơ hội đổi đời của chúng tôi coi như chấm hết”- ông Sơn than thở.

Những ngôi nhà lá rách bươm chằng chịt bằng đủ thứ lá, mảnh bao, bạt cao su... là tình cảnh chung của xóm Mương Bảy. Cả xóm khoảng 50 nhân khẩu sử dụng chung sáu cây nước khoan, điện thì câu nhờ của một công ty đóng gần xóm, vừa thiếu vừa không an toàn. Cả xóm hầu hết đều mù chữ, chỉ có con trai út của ông Chiến biết đọc, biết viết nhờ đã học “tới lớp 3 mới nghỉ”. Thế hệ thứ ba của cả xóm với vài chục đứa trẻ, nhưng đường đến trường của các em thật mong manh. Số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường cứ rơi rụng dần, phần do cha mẹ các em không có tiền đóng học phí cho con, phần các em phải dành thời gian đi rừng, đi biển phụ cha mẹ lo cái ăn. Hiện tại trong số mấy chục trẻ em của xóm, chỉ còn ba em theo học tiểu học!

HRSTNyYE.jpgPhóng to
Ước mơ thoát nghèo dường như quá xa với anh Nguyễn Văn Chung ở ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau)- Ảnh: Tấn Đức

Nỗi buồn U Minh

Rời Bạc Liêu chúng tôi tìm về những xóm nghèo quanh rừng U Minh Hạ thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Đây là xã mới tách ra khỏi xã nghèo Khánh Hòa từ năm 2007 với 15 ấp. Theo bí thư xã Võ Văn Nàng, khi tách xã thì phần lớn hộ nghèo đều về xã mới nhưng lại chưa được công nhận là xã nghèo, ngược lại xã cũ Khánh Hòa hộ nghèo ít hơn lại giữ được là xã nghèo. Theo hướng dẫn của ông Nàng, chúng tìm đến một số hộ “nghèo điển hình” của ấp 11 (ấp nghèo nhất của xã Khánh Thuận), do cuộc sống của người dân lệ thuộc vào rừng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Chung (1975) và chị Trần Thị Hoài (1976) thuộc ấp nghèo 11. Cưới vợ ra riêng bảy năm nay nhưng bố mẹ anh Chung cũng là hộ nghèo, đông con nên không có đất cho hai vợ chồng canh tác. Không đất cắm dùi, hai vợ chồng đành thuê lại hơn 2 công đất của một công ty gần nhà với giá 1,2 triệu đồng/năm để làm rẫy. Quần quật quanh năm với đủ thứ cây trồng dưa leo, hành, cải..., hai vợ chồng cũng không nuôi nổi đứa con gái duy nhất học lớp 4. Ngôi nhà đang sống cũng là đất mướn của một cán bộ trong ấp thương tình cho ở nhờ. Anh Trần Văn Sang, bí thư ấp 11, cho hay trong ấp có khoảng 40 hộ nghèo cùng hoàn cảnh như vợ chồng anh Chung. “Thực tế quỹ đất trong xã cấp cho người nghèo đã hết, mấy năm qua địa phương cũng đau đầu vì không tìm được lối thoát nào giúp các hộ này thoát nghèo”- ông Võ Văn Nàng giãi bày.

Người không đất đã vậy, nhưng người có đất cũng lao đao khi mâu thuẫn giữa sản xuất và bảo vệ rừng cứ giằng dai từ nhiều năm qua mà vẫn chưa được giải quyết. “Đất trồng lúa hầu hết nằm sát rừng phòng hộ, gieo sạ vào mùa mưa, nhưng khi ngập úng muốn thoát nước cứu lúa lại vướng quy định giữ nước bảo vệ rừng của kiểm lâm. Năm nào cũng vậy, cứ tới tháng 10 khi lúa làm đòng, nông dân lại khóc ròng nhìn mảnh ruộng của mình bị chìm trong nước. Các cấp, các ngành đã nhiều lần xuống xem xét, ghi nhận tình hình rồi, nhưng nông dân vẫn cứ chịu thiệt” - ông Nàng cho biết.

Bạc Liêu: 900 hộ sống bằng nghề săn bắt, hái lượm

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 2.149.110 hộ nghèo, 1.469.727 hộ cận nghèo. Khu vực ĐBSCL có tổng số hộ nghèo đứng thứ hai với 403.462 hộ (chỉ đứng sau khu vực miền núi Đông Bắc với 429.579 hộ nghèo). Các khu vực còn lại đều có tổng số hộ nghèo thấp hơn. Riêng tại tỉnh Bạc Liêu tính đến cuối năm 2012 có 23.816 hộ nghèo và 14.165 hộ cận nghèo. Trong số này có khoảng 900 hộ sinh sống dưới tán rừng phòng hộ ven biển, phần lớn không tư liệu sản xuất, sinh sống chủ yếu bằng nghề săn bắt, hái lượm. Trước thực trạng này, UBND tỉnh vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 272 tỉ đồng để đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư phục vụ di dân kết hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn nhằm đảm bảo cuộc sống, với thời gian thực hiện từ nay đến năm 2016.

Ông Huỳnh Văn Khá, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Các chương trình hỗ trợ người nghèo của Chính phủ cũng như địa phương đều được triển khai đầy đủ, nhưng cũng có những tồn tại, hạn chế trong công tác xóa đói giảm nghèo thuộc giới hạn của địa phương. Vì vậy có những ấp như Vĩnh Tiến cũng phải cam chịu vì nhiều vướng mắc. Trong đó khó khăn nhất là quỹ đất cấp cho hộ nghèo tái định cư, sản xuất đã không còn”. Cũng theo ông Khá, ngoài yếu tố khách quan, bất khả kháng, rơi vào cảnh nghèo có phần do người dân cam chịu, không có ý chí vươn lên, hoặc ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Với những trường hợp này, có hỗ trợ cách nào cũng khó giúp họ thoát nghèo.

Kỳ tới: Người nghèo “khát” đất

HỒ VĂN - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp