05/12/2012 04:30 GMT+7

"Xoay" với hoạt hình 3D

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Chiếc cầu xoay là tên một clip phim hoạt hình 3D ngắn (bảy phút rưỡi) được tải lên YouTube từ tháng 10-2011 nhưng đã tăng lượt xem liên tục trong thời gian gần đây.

Từ con số hơn 4 triệu lượt xem, niềm vui và nỗi buồn cho hoạt hình Việt lại được khơi dậy...

f5HMB23i.jpgPhóng to

Cảnh trong phim Chiếc cầu xoay (chụp từ YouTube http://www.youtube.com/watch?v=3gumR_7hRVQ)

Hình ảnh 3D đẹp, tạo hình nhân vật dễ thương, câu chuyện ngắn gọn mà thú vị có lẽ chính là sức hút để clip này được hơn 4 triệu lượt người xem qua, dù không phải ai cũng thích (1.208 lượt thích, 375 lượt không thích). Lời khen thường tập trung vào sự bất ngờ, tự hào vì hoạt hình 3D Việt hóa ra rất phát triển.

Như Quốc Thắng viết: “Mình hi vọng các bạn cho xuất xưởng thêm những bộ phim hoạt hình hay và đẹp như thế, rất thú vị và mang đầy tính nhân văn, giáo dục! Cũng mong các bạn đưa lịch sử Ðại Việt ta vào hoạt hình như truyện tranh Thần đồng đất Việt vậy!”. Hay Mạnh Hoàng Ngô đã nêu ra những điểm “khá tuyệt vời” của bộ phim: “Biểu cảm trên gương mặt nhân vật khá thành công, nếu đem ra so sánh với các phim 2D, 3D nổi tiếng khác thì không hề thua kém chút nào. Tương tác vật lý khá là hợp lý. Ðộng tác nhân vật cũng rất tốt, mềm mại và hợp lý...”.

Những ý kiến ngược lại chủ yếu cho rằng nội dung chưa mới, cốt truyện chưa sâu, cũng có nhiều ý so sánh với chất lượng 3D nước ngoài và cho rằng dù đẹp thì Chiếc cầu xoay vẫn còn thua kém xa...

Nhưng từ 207 lời nhận xét về clip này trên YouTube mới biết Bamboo Animation - đơn vị thực hiện bộ phim này - đã giải thể từ lâu... Vậy là Chiếc cầu xoay đã không có số phận may mắn như Dưới bóng cây (giải nhất YxineFF 2011) hay Cô bé bán diêm (chiếu trên VTV3 và VTV4). Nhưng các phim này dù được khán giả và dân trong nghề đánh giá cao thì vị trí hoạt hình 3D trong thị trường phim ảnh VN vẫn khá mờ nhạt, nếu so sánh với việc năm nào chúng ta cũng có trên dưới 10 phim hoạt hình được nhập về chiếu rạp.

Chiếc cầu xoay là câu chuyện giản dị về sự vị tha của những cư dân dễ thương tại một khu rừng. Ở đó, chú thỏ tinh quái luôn có những trò nghịch ác, nghịch dại. Thỏ ra sức phá bác rùa xanh khi bác rùa cặm cụi mang khúc gỗ đến dòng suối để làm chiếc cầu nối hai bờ. Gậy ông đập lưng ông, thỏ bị rơi xuống nước và suýt chết đuối nếu không được bác rùa vớt lên, được những chú chim đem vỏ cây đến che thân cho khỏi lạnh. Những nạn nhân của thỏ không ai bỏ rơi thỏ, vì thế thỏ đã tỉnh ngộ...

Từ thực tế đáng buồn trên, PV Tuổi Trẻ đã liên hệ với người đứng đầu nhóm làm diễn xuất hoạt hình của Chiếc cầu xoay - Nguyễn Tấn Hùng (sinh năm 1976, cử nhân kinh tế, học về 3D năm 2000 tại Công ty Sparx, hiện đang phụ trách nhóm diễn xuất của Virtuos-Sparx và tham gia sản xuất phim cho Disney, Dreamwork, EA Game và nhiều hãng khác trên thế giới).<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

* Chiếc cầu xoay được Bamboo Animation làm với mục đích gì? Để thử nghiệm năng lực sáng tạo, để giới thiệu công ty hay vì đam mê?

- Giữa năm 2010, Bamboo thành lập từ những người cũ của Sparx Vietnam (Sparx Vietnam đóng cửa đầu năm 2010 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu). Chúng tôi muốn gây dựng lại ngành hoạt hình 3D VN và sản xuất những phim 3D cổ tích cũng như lịch sử VN. Chiếc cầu xoay được làm bởi chín người trong sáu tháng bằng đam mê và cũng có mục đích giới thiệu Bamboo.

* Tại sao Bamboo Animation lại giải thể? Có phải vì làm hoạt hình ở VN chưa đủ sức nuôi sống công ty?

- Bamboo không thể tồn tại bởi thị trường hoạt hình VN còn non trẻ so với khu vực và thế giới. Hơn nữa kênh truyền hình cũng như các hãng phim chưa dám mạo hiểm vì kinh phí cho phim hoạt hình 3D quá lớn, nên doanh thu không khả quan.

* Anh nhìn nhận ra sao về năng lực của các chuyên gia Việt trong lĩnh vực hoạt hình 3D ở VN hiện tại? Cách nào để phim hoạt hình 3D Việt có cơ hội ở VN?

- Các chuyên gia hoạt hình 3D được đào tạo rất tốt bởi các chuyên gia từ Mỹ cũng như châu Âu nhưng họ vẫn đang là thiểu số. Muốn hoạt hình 3D ở VN có tương lai thì phải có trường đào tạo chuyên nghiệp (hiện nay rất khan hiếm nguồn nhân lực có tay nghề), phải được Chính phủ quan tâm và phải được hỗ trợ hơn nữa của truyền thông, của các kênh truyền hình...

* Theo anh, lý do gì mà các chuyên gia Việt về hoạt hình 3D vẫn chỉ đang làm gia công, làm thuê cho các hãng nước ngoài mà chúng ta chưa thể hình thành một nền công nghiệp phim hoạt hình tương tự?

- Công ty nước ngoài trả lương trung bình 15 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, theo tôi biết, nhiều nước trên thế giới phim hoạt hình được chính phủ hỗ trợ nhiều về thuế cũng như các ưu đãi khác (Pháp và Malaysia...). VN thì chưa được vậy.

* Một số ý kiến trên mạng chờ đợi những người làm hoạt hình 3D hãy nghĩ đến những câu chuyện cổ tích VN để kể cho khán giả nhỏ tuổi bằng chất liệu 3D... Bạn nghĩ sao về ý kiến này?

- Đó là một ý kiến hay mà những người làm ngành này cũng như tôi đang ấp ủ. Vì hiện nay thiếu nhi VN đang xem hoạt hình nước ngoài, và các em chỉ hiểu về văn hóa nước ngoài qua các phim đó... Tôi mong và đang dự định thời gian tới sẽ tham gia sản xuất những bộ phim mang văn hóa và lịch sử của VN, như Dế mèn phiêu lưu ký của bác Tô Hoài chẳng hạn.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp