Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chụp ảnh “wefie” cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump khi hai người đi đánh golf tại CLB đồng quê Mobara ở thành phố Mobara, tỉnh Chiba ngày 26-5 - Ảnh: Reuters
Đến Nhật cho chuyến thăm cấp nhà nước bốn ngày, Tổng thống Trump viết trên Twitter trưa 26-5, sau một buổi sáng chơi golf với Thủ tướng Nhật Abe: "Những cuộc gặp thật thú vị và tuyệt vời với Thủ tướng Abe. Nhiều quan chức Nhật nói với tôi rằng những người Dân chủ Mỹ thà thấy một nước Mỹ thất bại hơn là thấy tôi hay Đảng Cộng hòa của tôi thành công.
Đã có nhiều tiến bộ đạt được trong đàm phán thương mại với Nhật. Nông nghiệp và thịt bò được bàn tới rất nhiều. Sẽ còn nhiều thứ khác nữa, nhưng phải đợi đến sau cuộc bầu cử tháng 7 ở Nhật đã".
Như vậy, vẫn là một phong cách ấy, ông Trump nói thẳng mình sang Nhật không phải để "tránh nóng" ở quê nhà, mà đi làm ăn, dù chương trình khá nhẹ nhàng. Cũng phải thấy là ông không hề úp mở kiểu văn phong chính trị chính thống lâu nay: tôi gặp gỡ, bàn bạc với ông Abe nhưng cũng chờ xem sắp tới họ bầu bán ra sao!
Không cần rào trước đón sau. Đúng kiểu lợi ích của Mỹ là trên hết. Đúng kiểu đàm phán chủ động nắm đằng chuôi.
Hẳn vì thế mà không ít lần các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật và Liên minh châu Âu (EU) đã đi từ bất ngờ đến sốc và tức giận khi bị chĩa mũi nhọn thuế quan dưới thời ông Trump.
Đúng một tuần trước chuyến công du, ông Trump hạ lệnh không tăng thuế nhập khẩu lên ôtô Nhật và EU thêm 180 ngày, với lý do các cuộc đàm phán đang được tiến hành.
Hành động như xoa dịu của ông Trump còn nhằm tìm lại sự ủng hộ đã bị sứt mẻ từ các đồng minh, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã bước qua giai đoạn mới và ngày càng nảy lửa.
Ông Trump vẫn giữ thế thượng phong dù đang trong vai người đi thương thuyết. Các lợi ích đan xen giữa Mỹ và Nhật Bản tại khu vực, từ vấn đề thương mại đến Triều Tiên khiến hai bên đều cần đến nhau, dù thực tế Tokyo luôn nằm kèo dưới.
Tổng thống Mỹ không ngại nói thẳng Nhật đã được hưởng nhiều lợi ích trong nhiều năm và kêu gọi một thỏa thuận "công bằng hơn" ngay trên đất Nhật, trước các doanh nghiệp hàng đầu của nước này.
Nhiều báo đài mô tả chuyến thăm lần này của ông Trump như "cưỡi ngựa xem hoa", thậm chí kể ra chi tiết sự tiếp đón trọng thị của Nhật để chứng minh "thói bợ đỡ của ông Abe" (nguyên văn lời của báo New York Times).
Việc mời ông Trump trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên diện kiến tân Nhật hoàng Naruhito là một lời nhắc khéo đến Mỹ, nhấn mạnh Tokyo vẫn xem Washington là đồng minh quan trọng bậc nhất của mình.
Các quan chức Mỹ cũng khẳng định đừng trông chờ vào bất kỳ thỏa thuận thương mại lớn nào đạt được trong chuyến thăm lần này. Điều đó có thể đúng, bởi bản chất của chuyến thăm này mang tính biểu tượng và truyền tải nhiều thông điệp ngầm hơn các hợp đồng thực chất.
Nhìn lại thời gian qua, những đòn ép của ông Trump đối với Nhật Bản đã cho thấy sự hiệu quả. Tokyo đồng ý chi nhiều tiền hơn để giữ chân lính Mỹ, tàu chiến của Nhật liên tục xuất hiện trên Biển Đông, nơi có các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc mà Mỹ luôn muốn thách thức.
Sự quyết liệt của Nhật trên biển không thể tách khỏi bối cảnh nước này đang trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, mà bất kỳ sự đổ vỡ nào có thể khiến ngành công nghiệp ôtô Nhật trả giá.
Các chính trị gia chuyên nghiệp từng cảnh báo những đòn ép như thuế quan có thể làm tổn thương các đồng minh Mỹ, thực tế đang cho thấy một điều ngược lại khi quan hệ giữa Mỹ với các nước này lại đang thắt chặt hơn.
Trước mắt là thế, vì ai cũng "sợ" tính khí khó đoán của ông Trump và sức mạnh kinh tế lẫn công nghệ Mỹ. Điều đó vô hình trung lại có lợi khi ông Trump muốn tập hợp lực lượng để thúc đẩy một mục tiêu gì đó trong chính sách đối ngoại, chẳng hạn kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc.
Dường như xoay trục kiểu Trump được thúc đẩy dựa trên nỗi sợ của các đồng minh, không phải bằng các cam kết hay sự thuyết phục, năn nỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận