20/01/2021 09:09 GMT+7

Xoay sở với bài toán việc làm - Kỳ 1: Ăn tết bằng trợ cấp thất nghiệp

VŨ THỦY - CÔNG NHẬT
VŨ THỦY - CÔNG NHẬT

TTO - Tết đã cận kề. Thay vì lãnh lương tháng 13 rồi chuẩn bị nhận tiền thưởng tết, thì năm nay nhiều người phải ăn tết bằng tiền trợ cấp thất nghiệp. Dư âm dịch bệnh vẫn còn dai dẳng.

Xoay sở với bài toán việc làm - Kỳ 1: Ăn tết bằng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp những ngày cận kề tết - Ảnh: VŨ THỦY

Ngày thứ năm trong tuần. Điểm giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp tại quận Bình Thạnh vẫn rất đông người.

Đến giám đốc cũng không có việc...

Ngồi ở một hàng ghế điền thông tin vào hai trang A4 của tờ đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Như Mai (29 tuổi, nhân viên một công ty luật tại TP.HCM) không khỏi chán nản: "Tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ việc ở công ty.

Nhưng cả 8-9 tháng trời công ty không có khách hàng, đến giám đốc cũng không có việc làm nên quyết định nghỉ thôi". Đây là nơi chị đã gắn bó 7 năm, chuyên tư vấn luật cho các công ty quốc tế và công ty trong nước.

"Công ty quốc tế là hầu như không có rồi đó. Còn các khách hàng trong nước hầu hết cũng làm ăn khó khăn và cắt giảm nhiều chi phí. Trong những khoản đầu tiên mà họ cắt giảm là các gói tư vấn luật. Chỉ những công ty nào dính kiện cáo thì họ mới tìm đến mình thôi", chị kể.

Chị và hầu hết nhân viên tự nguyện xin nghỉ. "Mà khó khăn lại khó khăn cả đôi. Chồng tôi làm ở khách sạn 5 sao, lương đã giảm 50% cả năm qua. Mà cũng còn may vì là 5 sao, là khách sạn đầu ngành nên mới còn việc làm. C

hồng tôi năm nay cũng không trông mong gì thưởng tết. Mọi năm giờ này là lên lịch cả gia đình đi du lịch trước tết. Năm nay chỉ lãnh 3-4 triệu tiền thất nghiệp thì xác định không ăn tết gì nữa rồi", giọng chị có chút nghẹn.

"Mọi năm mong công ty cho về tết sớm 1-2 ngày còn khó. Năm nay thì không cần ai cho nghỉ" - Giang (32 tuổi, quê Bình Định, cựu công nhân một công ty sợi may mặc) nửa đùa nửa thật. Câu chuyện về tết sớm của chị cũng chẳng có không khí gì của tết vì chị đã nghỉ việc cách đây 3 tháng. Bữa nay chị chở theo cô con gái nhỏ 3 tuổi từ Thủ Đức lên quận Bình Thạnh làm thủ tục chuyển địa điểm lãnh trợ cấp thất nghiệp.

"Lãnh trợ cấp thất nghiệp thì lãnh tháng nào phải lên khai báo tình trạng việc làm tháng đó nên tôi phải chuyển về quê. Mai là tôi về Bình Định rồi. Ở đây ăn uống đắt đỏ nên về sớm. Tôi với con về trước, khoảng tuần nữa chồng về sau", chị kể. Năm nay là một năm chẳng thể nào nói hết nỗi khó khăn với chị.

Công ty chị xuất hàng qua Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan nên ảnh hưởng nặng. Từ giữa năm hầu hết công nhân đã chuyển qua làm thời vụ, "không ràng buộc, không đóng bảo hiểm, thu nhập giảm một nửa" tới tận bây giờ.

Chị thì không lường trước được dịch bệnh kéo dài và đã có bầu tháng thứ 8. "Giờ còn lãnh hai tháng thất nghiệp, đủ mua vé xe về quê. Tết với bố mẹ ở quê có gì ăn nấy chứ ai cũng biết năm nay khó khăn", chị bảo.

Xoay sở với bài toán việc làm - Kỳ 1: Ăn tết bằng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 2.

Có những ngày "thức dậy chẳng biết làm gì"

Từng là một chuyên viên tổ chức sự kiện có thu nhập cao vì ngoại hình xinh xắn, chăm chỉ và "lận lưng" vốn ngoại ngữ xuất sắc, Thanh Trúc (26 tuổi) gần nửa năm qua sống dè sẻn hẳn.

"Tôi và bạn trai quyết định mua nhà chung cư để sang năm kết hôn - điều đáng lẽ chúng tôi đã làm trong năm nay nhưng do vướng COVID-19 nên chưa làm được.

Từ lúc đại dịch xảy ra, công việc của cả hai đều bị ảnh hưởng đáng kể nên việc trả góp tiền nhà hệt như cơn ác mộng. Có những ngày thức dậy nhưng chẳng biết làm gì", Thanh Trúc ngán ngẩm.

Còn với anh Trịnh Hoàng Hạnh Nguyên (35 tuổi), tour quốc tế cuối cùng anh dẫn là vào tháng 2-2020. "Tôi thấy buồn và sau đó là mất định hướng.

Tình yêu với nghề hướng dẫn viên du lịch trong tôi là rất lớn dù nó vẫn còn một số bất cập như tính thời vụ, không ổn định, tuổi nghề ngắn… nhưng bù lại nó cho tôi nhiều trải nghiệm mà khó ngành nghề nào khác có được", anh Nguyên nói về cái nghề đã gắn bó được 8 năm.

Anh Q.Trung (32 tuổi, chuyên viên một ngân hàng lớn ở quận 3) thì lại rơi vào cảnh vay mượn đầu này đắp đầu nọ do mới tậu xe hơi đắt tiền và hùn tiền vào một vài dự án làm ăn của người thân cách đây không lâu.

Trong khi tiền trả góp xe hơi đến kỳ vẫn phải đóng mà các khoản tiền lãi từ những dự án làm ăn liên tục "âm". "Cầm cự" được khoảng 9 tháng thì số tiền anh dự trữ bao năm nay dần bốc hơi.

Nhưng anh cho biết bản thân khá may mắn khi một vài người bạn "mách nước" cho anh mua cổ phiếu một số công ty và đều sinh lãi. "Không có khoản tiền từ việc chơi cổ phiếu, chắc năm nay nhìn lại tôi chỉ toàn là nước mắt", anh Trung cười như mếu khi nhớ lại.

Tỉ lệ thất nghiệp đô thị cao nhất trong 10 năm qua

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%.

Trong đó tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 3,88% (tăng 0,77% so với năm 2019), cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt TP.HCM có tỉ lệ thất nghiệp đô thị lên tới 4,01%, cao hơn hẳn so với con số chung của cả nước.

Theo thông tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, số người nhận trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 là 185.000 người, tăng gần 20% so với năm 2019.

Trong năm 2020, TP.HCM đã có khoảng 29.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tại cơ quan thuế và khoảng 5.200 doanh nghiệp có lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Đồng thời số lao động được cấp phép đi làm việc tại nước ngoài ở TP.HCM cũng giảm mạnh so với năm 2019 với khoảng 8.200 người (khoảng 60% kế hoạch năm).

Tăng đột biến hơn 100.000 công nhân không về quê ăn Tết do dịch COVID-19 Tăng đột biến hơn 100.000 công nhân không về quê ăn Tết do dịch COVID-19

TTO - Dự kiến sẽ có khoảng 250.000 người lao động, trong tổng số 1,2 triệu lao động nhập cư đang làm việc tại tỉnh Bình Dương, sẽ không về quê dịp tết này.

VŨ THỦY - CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp