
BS Nguyễn Phi Phong, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, trao đổi với trẻ và người nhà về việc cởi mở trong giáo dục giới tính - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Nhiều trẻ bị xoắn tinh hoàn, gặp cơn đau mơ hồ, e ngại không nói. Phụ huynh cần cảnh giác sau 6 giờ, nguy cơ hoại tử tăng cao, sau 24 giờ gần như không thể cứu.
Mất tinh hoàn vĩnh viễn
Trong hơn 3 tháng đầu năm 2025, khoa ngoại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã tiếp nhận 5 trường hợp trẻ bị xoắn tinh hoàn, trong đó đa số phải cắt bỏ tinh hoàn vì nhập viện quá muộn.
Một bé trai ở TP Đà Nẵng nhập viện trong tình trạng bìu sưng to, đau dữ dội. Trước đó hai ngày, em đã có triệu chứng đau âm ỉ nhưng do ngại nói với cha mẹ, em chỉ âm thầm chịu đựng. Đến khi cơn đau quá mức, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thì đã quá muộn để bảo tồn tinh hoàn.
Những bệnh nhi khác cũng có dấu hiệu đau bìu, đau bụng từ một đến hai ngày trước nhưng do chủ quan, gia đình nghĩ rằng tình trạng này không nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Khi mức độ sưng đau ngày càng tăng, trẻ mới được đưa đến bệnh viện.
ThS.BS CKII Nguyễn Phi Phong, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, tinh hoàn bị xoắn sẽ hoại tử và phải cắt bỏ. Đáng lo ngại là rất nhiều trường hợp trẻ đến bệnh viện khi đã vượt qua "thời gian vàng" để cứu tinh hoàn.
Theo bác sĩ Phong, khi tinh hoàn bị xoắn, mạch máu nuôi dưỡng bị tắc nghẽn khiến tinh hoàn thiếu máu, nhanh chóng bị hoại tử. Thời gian quyết định sự sống còn của tinh hoàn rất ngắn. "Phẫu thuật trước 6 giờ đầu có thể cứu tinh hoàn đến 100%, từ 6 - 12 giờ tỉ lệ này giảm còn 70%, từ 12 - 24 giờ chỉ còn 20%. Sau 24 giờ, khả năng bảo tồn tinh hoàn gần như bằng 0", bác sĩ Phong nhấn mạnh.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi dậy thì. Trẻ bị xoắn tinh hoàn thường có các triệu chứng như đau dữ dội vùng bìu xuất hiện đột ngột, có thể kèm theo đau bụng hoặc đau vùng bẹn cùng bên. Bìu sưng tấy, đỏ, chạm vào tinh hoàn khiến trẻ đau nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều trường hợp đau khởi phát vào ban đêm hoặc sáng sớm, đây là dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán sớm.
"Không phải mọi trường hợp đau bìu đều là xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên nếu trẻ có dấu hiệu đau đột ngột, sưng bìu không thuyên giảm, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện có chuyên khoa ngoại nhi để thăm khám. Đừng chần chừ ngày hay đêm, vì chỉ cần chậm trễ vài giờ có thể khiến trẻ mất đi một bên tinh hoàn vĩnh viễn" - bác sĩ Phong nói.
Khi trẻ được đưa đến bệnh viện với nghi ngờ xoắn tinh hoàn, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, có thể chỉ định siêu âm Doppler để đánh giá tình trạng tưới máu. Nếu xác định xoắn tinh hoàn, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất.
Nếu tinh hoàn chưa hoại tử, bác sĩ sẽ tiến hành tháo xoắn, cố định để ngăn ngừa tái phát. Nếu tinh hoàn đã hoại tử, không còn khả năng phục hồi, bắt buộc phải cắt bỏ để tránh hoại tử lan rộng. Với những bệnh nhi phải cắt một bên tinh hoàn, bác sĩ cũng sẽ tiến hành cố định tinh hoàn còn lại để ngăn nguy cơ xoắn trong tương lai.
Cần giáo dục giới tính
ThS.BS Nguyễn Đạt Huy, khoa ngoại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết nhiều trẻ nam, đặc biệt ở độ tuổi dậy thì, khi gặp tình trạng đau vùng dưới thường e ngại, không dám nói với phụ huynh. Điều này khiến các dấu hiệu ban đầu của xoắn tinh hoàn dễ bị bỏ qua.
Trong nhiều trường hợp, xoắn tinh hoàn có thể biểu hiện không điển hình, chẳng hạn như đau bụng kèm theo nôn mửa. Khi thấy trẻ quặn đau ở vùng bụng dưới, người nhà có thể nhầm lẫn với các vấn đề về tiêu hóa, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
"Ở giai đoạn sơ sinh, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ngay từ trong bào thai, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn. Một số trẻ bị sưng bìu do chấn thương, nhưng người nhà lại chủ quan cho rằng đó chỉ là tác động bên ngoài và không đưa trẻ đi kiểm tra. Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu, chấn thương có thể là yếu tố khởi phát, làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn. Chính suy nghĩ chủ quan này có thể khiến trẻ bỏ lỡ thời điểm can thiệp sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo tồn tinh hoàn", bác sĩ Huy nói.
Hãy dạy trẻ các vấn đề sức khỏe liên quan đến bộ phận sinh dục
Một thực tế đáng lo ngại là nhiều trẻ trai trong độ tuổi dậy thì bị đau vùng bìu nhưng không dám nói với cha mẹ do e ngại.
Bác sĩ Phong khuyến cáo phụ huynh cần cởi mở hơn trong việc giáo dục giới tính cho con, nhất là về sức khỏe sinh sản. Hãy dạy trẻ rằng không có gì đáng xấu hổ khi nói về các vấn đề sức khỏe liên quan đến bộ phận sinh dục. Khi cảm thấy đau hoặc sưng vùng bìu, trẻ cần báo ngay cho người lớn để được đưa đi khám kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận