Một thanh niên đang vẽ bậy tại nhà chờ trạm xe buýt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: HOÀNG LỘC
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, nạn viết, vẽ tùy tiện và bừa bãi là chuyện "biết rồi khổ lắm", cho đến khi 2 toa tàu của tuyến metro số 1 ở TP.HCM nằm trong depot cũng bị bôi bẩn thì thật là quá đáng!
"Đúng là cực kỳ bức xúc trong dư luận. Cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trách nhiệm xử lý triệt để. Không thể để xảy ra tình trạng tùy tiện vẽ hươu vẽ vượn... quảng cáo bẩn tràn lan diễn ra thời gian dài tại nhiều địa phương, địa bàn khác nhau..." - bạn đọc Dao Anh Tuan viết.
"Hy vọng sau loạt bài này sẽ không thấy nét vẽ nào nữa xuất hiện. Tôi có thêm gợi ý xử lý: các cơ quan chức năng mật phục ra quân bắt được quả tang. Bất kể có phải là tác giả hay không, cũng phải xóa đi những hình ảnh đó, coi như là hình phạt lao động công ích"
Trích ý kiến bạn đọc Bình Nguyễn
Cùng suy nghĩ đã đến lúc không thể xem hành vi vẽ bậy là trò tiêu khiển của những người thích thể hiện, bạn đọc Đinh Nghĩa PN bổ sung: "Đây là nhóm người góp phần làm mất vẻ đẹp vốn có của thành phố mà bao nhiêu công sức của biết bao người bỏ ra mới có được. Phải trừng trị nghiêm khắc để họ không thể lộng hành. Mong sao lãnh đạo thành phố quan tâm và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp cứng rắn cho người dân nhờ".
Xung quanh câu chuyện viết bậy, vẽ bậy có một điều mà dư luận không thể không đặt vấn đề: Để hoàn thành bức vẽ khá to kia, hẳn phải mất nhiều giờ liền. Thêm vào đó, người vẽ thường thực hiện viết vẽ ban đêm, song đa số nằm tại những nơi có người đi qua. Thế thì, những "bóng ma" vẽ bậy này là ai mà dám thách thức như vậy?
Trong đêm cuối tháng 8, phóng viên Tuổi Trẻ đã lẳng lặng lần theo những "bóng ma" và không khó để phát họa chân dung những người làm vấy bẩn thành phố.
Đó là những người có tuổi đời còn rất trẻ, khi "hành nghề" thường ăn mặc như những nghệ sĩ "hip hop". Họ thoắt ẩn thoắt hiện trên các tuyến đường, trong ngõ hẻm lúc rạng sáng như những... "bóng ma".
"Cảm ơn các phóng viên báo Tuổi Trẻ đã khắc họa được những bóng ma mà ở Sài Gòn hàng chục năm tôi cũng chưa được thấy. Qua đây thành phố cần có chế tài thật nặng, ví dụ như phạt tù có giam giữ với những thành phần phá hoại xã hội như thế này" - bạn đọc Hải Vũ viết.
Góp ý với những người này, bạn đọc Hoàng Đức Long viết: "Nếu thích thể hiện tài năng hội họa, thì nên tìm những khu vực cho phép, có chủ đề rõ ràng như cổ động sống xanh, sạch, đẹp...".
Một mặt khuyên những bạn trẻ nên vẽ đúng nơi đúng chỗ vừa tôn vinh được nghệ thuật, vừa không làm xấu vẻ mỹ quan của thành phố, một số bạn đọc còn đề nghị pháp luật nên nặng tay với những hành vi cố tình vẽ bậy.
Về hình thức xử lý, nhiều bạn đọc đã đề xuất rất cụ thể.
Bạn đọc Phạm Tân viết: "Bắt được cho bọn nó đi chùi rửa, phạt lao động công ích. Còn không cho đi lau chùi đường phố bằng tay. Nghệ thuật nhưng không đúng chỗ thì thành rác".
Nhằm ngăn ngừa để những người khác lấy đó làm gương, bạn đọc Nguyen Hoang đề xuất: "Công an nên vào cuộc, truy bắt hết đám này về tội hủy hoại tài sản. Khi xét xử thì đăng hết họ tên và khuôn mặt lên cho dân chúng biết, phạt thật nặng và bắt khắc phục hậu quả, lau chùi đưa về hiện trạng ban đầu".
Cùng suy nghĩ phải phạt thật nặng cho sợ, bạn đọc Trần Tùng Anh viết: "Theo tôi, cần có hình ảnh quả tang như thế này của các cơ quan chức năng và có những phiên tòa xử công cộng, công bố rộng rãi cho người dân biết thủ phạm là ai. Cộng đồng cùng nâng cao ý thức giữ gìn thành phố xanh sạch, là nghĩa vụ của công dân".
Cho rằng, để đến nỗi này, một phần là do các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình, bạn đọc Triển Chiêu góp ý: "Quan trọng là cơ quan chức năng có quyết tâm làm hay không thôi. Mật phục bắt tại trận, yêu cầu tẩy sơn và phục hồi nguyên trạng. Cho lao động công ích 1 tuần là sợ ngay".
Trong khi đó, ở góc độ người dân, bạn đọc Trần Văn Hét viết: "Việc phát hiện rất dễ như nhóm phóng viên báo Tuổi Trẻ đã làm. Tôi thắc mắc: sao dân phòng, cảnh sát khu vực không làm được?".
Để trị tận gốc những hành vi viết bậy, vẽ bậy nơi đường phố, theo bạn cần có những chế tài, biện pháp nào?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận