Du khách đi tour tại Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: T.T.D.
Đi du lịch nội địa, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ bị hét giá, chặt chém. Lần đi Đà Lạt gần đây, tôi đã tự chạy xe máy lên một ngọn đồi để ngắm hoa đào nở. Buổi sáng, tôi ăn điểm tâm với một bát phở đầy ắp thịt bò với giá tiền cực kỳ rẻ chỉ 30.000 đồng, chị chủ quán rất dễ thương. Đến tối, ăn nơi khác, hóa đơn chỉ một bát cơm với ít thịt kho, thêm bát canh từ nước luộc bắp cải nhưng có giá đến tận 150.000 đồng.
Lúc quay trở về chỗ nghỉ, tôi được báo giá thuê xe máy 500.000 đồng/ngày với xăng tự đổ, trong khi giá thuê một chiếc xe máy ở đây chỉ khoảng 200.000 đồng. Vậy là chuyến đi mất phần vui vẻ và thoải mái.
Nhiều người bạn nước ngoài của tôi, khi được hỏi về cảm xúc khi đến nước ta, đều trả lời rằng rất thích Việt Nam tuy nhiên sẽ không dự định quay trở lại. Vì sao? Vì họ không thích bị chèo kéo, tính giá cao bất thường.
Đi qua nhiều quốc gia, tôi nhận thấy vấn nạn này không phải là chỉ có riêng tại Việt Nam. Có nơi ở Ấn Độ, Campuchia... vẫn thấy có tình trạng này. Trong khi tại hầu hết các nước phát triển, du khách hẳn đều ấn tượng với cách họ xây dựng thương hiệu du lịch của mình từ những điều nhỏ nhất như cách trả tiền lẻ và tiền thừa cho khách, quá trình bao gói hàng hóa tỉ mỉ, những lời cảm ơn chân thành khi khách đến và khi đi...
Trong những lúc cao điểm vì đông khách ghé thăm, hiện tượng tăng giá vô lý đều được kiểm soát một cách chặt chẽ. Cơ quan quản lý du lịch ở các nước này luôn cố gắng tạo ra sự bình ổn, ít có những đột biến để du khách khỏi phải âu lo, phân vân và có những ấn tượng không tốt trong suốt thời gian lưu trú, mua sắm cũng như hưởng thụ dịch vụ ở một địa phương nào đó.
Tôi nghĩ muốn phát triển ngành dịch vụ du lịch một cách bền vững và hiệu quả thì chúng ta nên áp dụng các giải pháp chia sẻ hợp tác giữa các ngành có liên quan đến việc đón tiếp, phục vụ mua sắm, thụ hưởng dịch vụ của du khách. Sự kết nối đó cũng góp phần xóa bỏ nạn "chặt chém" du khách còn tồn tại thường xuyên trong du lịch Việt Nam.
Thay vì thỏa hiệp với nạn "chặt chém", các cá nhân tổ chức doanh nghiệp kinh doanh thương mại du lịch nên nỗ lực xây dựng thương hiệu dịch vụ bình ổn giá cho riêng mình để dần xóa đi nỗi lo của du khách.
NGUYỄN HƯƠNG GIANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận