04/02/2015 07:58 GMT+7

​Xóa nạn “chặt chém”

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Chủ quán ăn tại Vũng Tàu “chặt chém” du khách người Nhật đã phải nhận hình phạt nghiêm khắc.

Quán ăn Hào Long Sơn tại Vũng Tàu
Quán ăn Hào Long Sơn tại Vũng Tàu

Dù chính quyền thành phố đã xử lý nhanh, mạnh tay với người vi phạm nhưng vụ “chặt chém” này ít nhiều cũng làm tổn thương những nỗ lực của Vũng Tàu trong xây dựng môi trường du lịch thân thiện.

Chặt chém từ lâu đã là vấn nạn của ngành du lịch, trong đó có Vũng Tàu. Nhưng sau bao lần ra quân, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng “cứa cổ” khách du lịch vẫn xảy ra khi có dịp. 

Có thể đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nỗi rầu này quá lớn, gây khó chịu không chỉ cho du khách và tất cả người chưa từng đi du lịch đến nơi này bởi tiếng dữ luôn lan xa.

Câu chuyện “chặt chém” vẫn còn đó và sẽ thêm nóng khi cả nước sắp bước vào mùa tết, lễ hội. Những khu du lịch, lễ hội có tiếng như Nha Trang, Hạ Long, Đồ Sơn... ứng phó ra sao với nạn “chặt chém”? Có lẽ cách xử lý của TP Vũng Tàu đáng để các địa phương tham khảo.

Nhưng dù cách làm của Vũng Tàu có được mang ra áp dụng triệt để thì đó cũng là phần ngọn, chuyện xấu đã xảy ra, phạt chỉ là giải quyết hậu quả.

Thực tế đã chứng minh các biện pháp xử phạt hành chính hay hình sự cũng chỉ mang tính răn đe ngắn hạn, do vậy cần giải pháp căn cơ hơn chính là dựa vào người dân, trên cơ sở ý thức của người làm dịch vụ du lịch.

Một khi người dân chưa ý thức đầy đủ về vai trò, hình ảnh của mình trong mắt du khách không chỉ là cá nhân với cá nhân mà còn đại diện cho một quốc gia, nạn “chặt chém” còn tái diễn dài dài.

Cũng cần nhắc lại bài học Singapore lấy lại niềm tin của du khách sau vụ du khách VN bị chèn ép khi mua điện thoại.

Những chỉ trích, kêu gọi tẩy chay từ người dân Singapore buộc cửa hàng phải đóng cửa, người nhà chủ tiệm không chịu được sức ép dư luận buộc phải công khai xin lỗi và cầu xin tha thứ.

Lãnh đạo nước này lập tức đề xuất nghiên cứu thay đổi luật để đối phó với tình trạng “chặt chém”, lừa đảo du khách.

Không để nạn “chặt chém” có đất sống, bên cạnh các biện pháp chế tài, việc tuyên truyền để người dân, người làm du lịch hiểu được những lợi ích cộng đồng mà bản thân hưởng được từ hoạt động du lịch lành mạnh là rất cần thiết.

Nhà quản lý cần có những buổi nói chuyện, tiếp xúc gần gũi với người làm dịch vụ du lịch. Qua những cuộc gặp như thế, chính người làm quản lý sẽ đề cao sự đóng góp của người dân với ngành du lịch cũng như nâng cao ý thức cho họ, giúp họ hiểu hơn vai trò đại sứ của mình.

Và quan trọng hơn, để mỗi người làm dịch vụ du lịch hiểu rằng những hành vi chèo kéo, dụ dỗ, “chặt chém” đang làm xấu đi môi trường du lịch và cũng là triệt tiêu “nồi cơm” của cả cộng đồng địa phương. Không dừng lại đó, cũng cần sự chủ động nhập cuộc của hiệp hội, ngành nghề.

Mọi người kinh doanh - thông qua hiệp hội ngành nghề - phải nhắc nhở nhau cách kiếm tiền lương thiện, có tự trọng, lên án để dập tắt từ trứng nước mọi suy nghĩ kiếm tiền kiểu “bốc, hốt”.

Một khi nạn “chặt chém” bị lên án, tẩy chay với sự liên kết, đồng lòng từ chính quyền đến mỗi người dân thì những kẻ “đao phủ” kia mới hết đất sống.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp