27/08/2015 11:57 GMT+7

Xóa mù chữ ở Sài Gòn - Gia Định

QUỐC VIỆT
 (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
QUỐC VIỆT
 ([email protected])

TT - “I, tờ có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà. Ô thời đội mũ, ơ là thêm râu”, lời ê a đánh vần vang lên giữa Sài Gòn năm 1945.

Ông Võ Anh Tuấn (thứ ba từ phải sang) và bạn bè ở rừng U MinhẢnh tư liệu
Ông Võ Anh Tuấn (thứ ba từ phải sang) và bạn bè ở rừng U Minh - Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

>> Kỳ 4: 

Ban đêm người ta đi dạy, đi học, ngày họ xuống đường kháng chiến, hát rền bài ca Tiếng gọi thanh niên: “Này anh em ơi! Tiến lên dưới cờ giải phóng. Đồng lòng cùng đi đi đi sá gì thân sống! Nhìn non sông nát tan, thù nung tâm chí cao...”.

Ngày đầu xóa mù chữ ở Sài Gòn

Cựu đại sứ Võ Anh Tuấn, 88 tuổi, chứng nhân của giai đoạn lịch sử này, kể từ hồi còn đi học Trường Pétrus Ký trước năm 1945 ông đã chứng kiến nhiều nỗ lực giúp dân nghèo miền Nam khỏi thất học.

“Khởi đầu là nhiệt huyết của học sinh, sinh viên tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ, rồi sau đó là nỗ lực của chương trình bình dân học vụ.

Thanh niên tiền phong và những người yêu nước có học đều ý thức giúp đồng bào khỏi dốt nát tăm tối cũng là cách quan trọng để cứu quốc” - ông Võ Anh Tuấn nhớ lại.

Vì sự siết chặt của chính quyền Pháp ở Sài Gòn nên Hội Truyền bá quốc ngữ miền Nam ra đời chậm hơn miền Bắc và miền Trung.

Mãi đến ngày 18-8-1944, ông Nguyễn Văn Vỹ mới nhận được giấy phép hoạt động hội do thống đốc Nam kỳ Ernest Hoeffel ký. Ông Vỹ, tức Michel Văn Vỹ, nhà tư sản làm ngân hàng, kết giao bạn bè với nhóm các ông Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Tấn Phát...

Ngày 29-9-1944, nhân sĩ, trí thức Sài Gòn xôn xao với buổi lễ tổ chức tại Cercle Indochinois (Câu lạc bộ Đông Dương). Hội Truyền bá quốc ngữ Nam bộ ra mắt với ban trị sự đầu tiên là ông Nguyễn Văn Vỹ làm chánh hội trưởng; nhà báo Lý Vĩnh Khuôn, tức Khuông Việt, làm tổng thư ký...

Tuy nói không làm chính trị nhưng ông Vỹ đã kêu gọi thống thiết: “Toàn thể quốc dân trong xứ phải cùng nhau chung lưng đấu cật lại, lập nên đạo binh chống giặc mù chữ, và mỗi một người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ trên mặt trận này”.

Trụ sở Hội Truyền bá quốc ngữ Nam bộ đặt tại 194 đường Chasseloup Laubat, nay là Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhiều lớp học i tờ được mở ra. Lưu Hữu Phước đã sáng tác nhiều bài để khích lệ tinh thần dạy và học như Gieo ánh sáng: “Lòng vui sướng anh em ơi, tim thấm nhuần tình đồng bào, trai đời mới sao cho nên chí trai. Cùng đi gieo khắp nơi vào hồn người đọa đày, cùng đi gieo khắp nơi chữ ta...”.

Sau bước ngoặt lịch sử năm 1945, Pháp và đồng minh tái chiếm Sài Gòn. Cuộc kháng chiến vệ quốc lan rộng. Trước quốc vận dầu sôi lửa bỏng đó, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ tạm chùng xuống để tập trung kháng chiến nhưng sau đó đã nhanh chóng phát triển trở lại.

Một bài thơ cổ động người cao tuổi đi họcẢnh: Quốc Việt
Một bài thơ cổ động người cao tuổi đi học - Ảnh: Quốc Việt

Vừa kháng chiến, vừa dạy học

Ông Võ Anh Tuấn vẫn nhớ mãi sau khi lấy bằng thành chung Trường Pétrus Ký, ông tham gia Thanh niên tiền phong lúc vừa 18 tuổi. Ngoài góp phần vào công cuộc kháng chiến, ngay từ đầu tháng 8-1945 ông còn dạy bình dân học vụ tại làng mình ở Tân Tạo, cửa ngõ Sài Gòn.

“Sau ngày giành chính quyền, tôi được phân công hai nhiệm vụ ở làng mình. Việc thứ nhất là làm du kích, đêm đêm tập trung tại một ngôi đình ở chợ Bà Hom để sẵn sàng chiến đấu.

Hai là xóa mù chữ cho bà con, việc này cũng phù hợp với tôi. Bởi cả Tân Tạo hồi đó chỉ có mình tôi học được Pétrus Ký dù các anh tôi phải nghỉ học, còn cha mẹ thì nợ nần suốt nhiều năm” - ông Tuấn kể thời điểm lịch sử này cả người dạy và người học đều coi học quốc ngữ là yêu nước.

Không thực hiện tốt việc đó, không chỉ thiệt thòi cho mình mà người ta còn thấy có lỗi với Tổ quốc.

Tiếp nối Hội Truyền bá quốc ngữ, các lớp bình dân học vụ được tổ chức khắp Sài Gòn - Gia Định và nhiều địa phương khác.

Dạy và học khắp nơi, từ trường lớp, công sở, nhà riêng, chùa chiền, đình miếu, góc chợ, trên tàu ghe đến dưới gốc cây đa. Riêng ông Tuấn dạy ngay tại cái võ (miếu) ở làng mình. Ban đầu ai đi học thì đi, ai không đi thì thôi, nhưng về sau hầu như người mù chữ nào cũng tìm cách để được học.

Họ không đến được ban ngày vì phải làm lụng kiếm sống hay tham gia kháng chiến thì tranh thủ học đêm. Họ không ở gần nhà thầy này thì cũng ráng gặp thầy khác để học.

Biết bao biến động khốc liệt đã trôi theo dòng lịch sử 70 năm, nhưng ông Tuấn vẫn nhớ làng Tân Tạo của mình thuộc tổng Long Hưng Thượng, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn. Tuy cách trung tâm Sài Gòn chỉ khoảng 10km nhưng vùng này hồi đó là làng quê rất nghèo.

Nhìn đâu cũng thấy chòi lá vách đất xiêu vẹo trên cánh đồng sình lầy, um tùm lau sậy, năn lác mọc dại trên đất phèn lợ. Mỗi năm chỉ có một vụ lúa nước. Người dân không đủ sống, phải lên bến Bình Đông xin làm bốc vác hay ngồi vá bao rách...

Khi có các lớp bình dân học vụ, họ mới có cơ hội thật sự để thoát nạn mù chữ. Nhiều người đến lớp vẫn còn dính đầy cám gạo vác thuê trên người hay lấm lem bùn đất cày mướn.

Lớp học tại miếu, ông Tuấn tận dụng cánh cửa gỗ làm bảng. Học viên không đủ bàn ghế để ngồi, đành xếp bằng dưới đất. Nhưng có cái tiện là họ lấy luôn nền đất làm bảng học và bẻ cành tre thay phấn. Bên trên thầy dạy chữ gì, họ lấy que tre hí hoáy viết lại như thế ngay trên mặt đất.

Bà Nguyễn Thị Chắc, 87 tuổi, một người dân sống lâu năm ở Phú Lâm, kể: “Chẳng phải miệt bưng biền xa xôi mà ngay ở quê tui sát Sài Gòn hồi năm 1945, người ta cũng thiếu quần áo, giấy bút để đi học”.

Bà Chắc ứa nước mắt nhớ hồi đó mình vẫn còn thiếu bút vở, nhưng thương cha mẹ khổ quá nên không dám nói. Đến lớp học của thầy Sáu Kỉnh ở Phú Lâm, bà bẻ cây vẽ xuống nền đất.

Về nhà, cha mẹ hỏi không thấy mang giấy bút về, bà phải nói dối là thầy giữ lại lớp để kiểm tra. Học suốt cả tháng dưới đất như vậy, bà mới xin được việc vá bao gạo rách ở bến Bình Đông để có tiền mua đồ dùng học tập.

Còn ông Tuấn vẫn tiếp tục giúp người dân khỏi thất học. Nhưng về sau ông không trực tiếp dạy nhiều nữa mà làm phó giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ, đào tạo nguồn giáo viên cho bình dân học vụ và cấp trung học kháng chiến.

Lớp giáo sinh bình dân học vụ đầu tiên được mở tại Rạch Rít (tỉnh Chợ Lớn cũ), chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 10km. 54 giáo sinh nguồn của miền Đông Nam bộ đã trải qua lớp này.

“Vừa kháng chiến, vừa dạy học, vừa học hành, vậy mà đến cuối năm 1952 phong trào bình dân học vụ Nam bộ đã xóa mù chữ cho được hơn 3 triệu đồng bào. Ngay sát Sài Gòn, xã Quới Xuân ở Gò Vấp là xã đầu tiên xóa thành công nạn thất học.

Tôi còn nhớ ngày 21-6-1948, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen: Tôi có lời khen đồng bào xã Quới Xuân đã thanh toán nạn mù chữ và mong các xã khác sẽ bắt chước xã Quới Xuân” - ông Tuấn vẫn nhớ một thời Nam bộ cố gắng vượt qua đêm tối...

________________

Mùa xuân năm 1949, tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ Nguyễn Công Mỹ đi hỗ trợ các lớp học ở nông thôn thì bị Pháp bắn chết ngay tại bến đò Yên Lệnh...

Kỳ tới: Cái chết của tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ

QUỐC VIỆT
 ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp