04/01/2014 09:56 GMT+7

Xóa độc quyền doanh nghiệp để phát triển

 VÕ VĂN THÀNH thực hiện
 VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TTO - Từ góc độ một chuyên gia, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ với Tuổi Trẻ những suy nghĩ của mình về thông điệp 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

tk4gMC2v.jpgPhóng to
Muốn phát triển nhanh hơn, cần xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp nhà nước, minh bạch tài chính và đầu tư lớn cho nông nghiệp - Ảnh: T.Thành - N.Khánh - H.T.V.

* Bài viết của Thủ tướng nhấn mạnh đầu tiên đến vấn đề đổi mới thể chế và mở rộng dân chủ. Theo ông, đổi mới thể chế cụ thể là đổi mới những vấn đề gì, lĩnh vực gì?

- Nói thể chế thì rất rộng lớn. Cụ thể ở đây là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong nhiều năm chúng ta đã có bước tiến dài, đặc biệt là khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chúng ta đã xây dựng khoảng 25 đạo luật góp phần làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với sân chơi kinh tế thị trường và tương thích với thế giới.

Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có hai điểm rất quan trọng là giá thị trường và cạnh tranh bình đẳng. Chúng ta thống nhất đi theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận giá thị trường. Đương nhiên không thể một lúc từ các mức giá bao cấp điều chỉnh ngay theo kiểu gây sốc mà phải có lộ trình.

cyktkSRo.jpgPhóng to Ảnh: Nguyễn Khánh

“Giới trẻ là một trong những điểm nhấn của thông điệp. Từng con người cụ thể thì có thể có ông già sắc sảo hơn người trẻ, nhưng cả thế hệ dứt khoát thế hệ sau bao giờ cũng hơn thế hệ trước. Nếu thế hệ sau không phát huy được thì do chính chúng ta hôm nay chưa tạo điều kiện, tạo cơ hội cho thế hệ sau thể hiện”.

Ông Trương Đình Tuyển

Đầu tiên là phải tính đúng tính đủ chi phí, không bù lỗ. Ví dụ giá điện. Nếu tôi là người chịu trách nhiệm về điện thì tôi sẽ nói chúng ta có hai lựa chọn, một là không tăng giá điện để thiếu điện cả trong sản xuất kinh doanh và sử dụng của dân cư.

Hai là chấp nhận giá thị trường để có đủ điện. Tất nhiên khi tăng giá sẽ có ý kiến khác nhau. Cho nên cùng với việc điều chỉnh giá, không bù lỗ nữa thì phải công khai, minh bạch đi đôi với hỗ trợ cho các đối tượng như Thủ tướng đã nêu. Điều người dân bức xúc không chỉ là chuyện giá cả tăng mà ở chỗ không bảo đảm sự minh bạch về cách tính giá và các chi phí hình thành giá. Giá xăng dầu cũng vậy. Có hay không việc dùng tiền đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp rồi tính vào giá điện, xăng dầu?

Cho nên giá thị trường nhưng phải công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá để người dân biết và giám sát. Trong dân sẽ có những chuyên gia kiểm tra được mức độ chính xác, mức độ hợp lý của giá thành nếu các số liệu được công khai, minh bạch đầy đủ.

Một mình giá thị trường không đủ mà phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng. Độc quyền doanh nghiệp sẽ dẫn đến lạm quyền và kém hiệu quả. Hai vấn đề giá thị trường và sự cạnh tranh được giải quyết tốt thì mới có thể nói về cơ bản giá thị trường hình thành. Hiện chúng ta vẫn còn doanh nghiệp độc quyền hoặc có vị trí thống lĩnh thị trường, đây đều là các doanh nghiệp nhà nước.

Tất nhiên có những lĩnh vực độc quyền tự nhiên, ví dụ như đường sắt, truyền tải điện... Vấn đề cốt lõi là Nhà nước phải kiểm soát chặt độc quyền tự nhiên này, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào thị trường một cách bình đẳng để xóa bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước.

* Theo ông, trong điều kiện kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, làm sao để tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, đặc biệt là làm sao doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được các nguồn lực quốc gia như doanh nghiệp nhà nước?

- Thật ra trên văn bản chúng ta không có quy định nào phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có phân biệt, phải xóa bỏ điều này để đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực phân phối, khi chúng ta cho nước ngoài vào đồng nghĩa các doanh nghiệp nội địa phải tự nâng mình lên. Có thể nhà phân phối trong nước tiềm lực chưa bằng nước ngoài nhưng chúng ta đã có những bước tiến lớn, hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nội địa phát triển khang trang hơn, chiếm lĩnh thị phần trên nhiều địa bàn...

* Nhưng trong thực tế sự ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước đã trở thành quán tính không dễ thay đổi, thưa ông?

- Để thực hiện được thông điệp của Thủ tướng thì trước hết phải rà soát lại, đánh giá xem trong thực tế còn yếu tố nào cản trở việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, đưa ra lộ trình khắc phục với những biện pháp cụ thể. Hiện nay có một áp lực, theo đánh giá của tôi đây là áp lực tích cực, đó là việc chúng ta đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong hiệp định này có chương về doanh nghiệp nhà nước với một trong các yêu cầu là minh bạch hóa, người ta có thể chỉ ra được văn bản không quy định nhưng thực tế có chuyện này, chuyện kia.

Cho nên như tôi đã nói là phải rà soát lại, từ đó xây dựng lộ trình xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những ưu ái đối với doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại trong thực tế, dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Ví dụ như câu chuyện tiếp cận đất đai, hay là việc có hay không chỉ đạo tổ chức tín dụng nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia vay vốn... Không thể yêu cầu loại bỏ ngay một lúc, nhưng phải có lộ trình rõ ràng để tiến đến loại bỏ hoàn toàn.

Đổi mới liên tục chứ không phải lần một hay lần hai

* Làm thế nào để thực hiện được việc đổi mới thể chế như ông nói? Ai thực hiện và thực hiện trong bao lâu?

- Tôi nghĩ rằng đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Sau khi thông điệp của Thủ tướng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi theo dõi thì thấy dư luận đánh giá rất cao, nhưng vấn đề là đưa các tư tưởng trong thông điệp vào cuộc sống. Tất nhiên một mình Thủ tướng không thể làm được tất cả, cần có sự vào cuộc của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội. Nhưng trước hết vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của Chính phủ thì phải làm quyết liệt

Cụ thể như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, lâu nay cổ phần hóa đang chững lại. Nhiều ý kiến cho rằng vì thị trường tài sản sụt giảm, nếu cứ cố bán thì không bảo toàn được vốn nhà nước. Nhưng bây giờ đã có nhận thức mới, đó là bán theo giá thị trường, thị trường như thế nào thì bán theo giá đó, còn hơn cứ để sẽ lỗ thêm. Khi bán ra rồi thì nhà đầu tư sẽ đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả và suy cho cùng doanh nghiệp cũng nằm trên đất Việt Nam mà lại đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước, không mất đi đâu cả.

Ngay cả với những doanh nghiệp có lãi, lâu nay quan niệm giữ lại nhưng trong bài viết, Thủ tướng đã xác định đẩy mạnh cổ phần hóa và bán phần vốn nhà nước trong những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, kể cả các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có hiệu quả.

Ta học Singapore xây dựng mô hình Tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhưng Singapore khác ta ở chỗ họ có ít doanh nghiệp và là những doanh nghiệp “ra tấm ra món”, còn ở ta hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau nên SCIC không thể quản lý tốt được.

Tôi từng làm doanh nghiệp, rồi làm bộ trưởng nhưng cũng không thể sâu sát được được hết các doanh nghiệp thuộc bộ vì bộ trưởng làm chính sách là chủ yếu chứ không phải đi “ôm” mấy doanh nghiệp này. Cho nên phải cổ phần hóa nhanh hơn nữa, đến khi nào còn lại ít doanh nghiệp nhưng là những doanh nghiệp thật sự mạnh, lúc đó việc hình thành tổ chức (có thể là ủy ban hoặc bộ) thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ thuận lợi hơn.

Quyết tâm đã được thể hiện rất rõ trong thông điệp, việc tiếp theo là lộ trình 1 năm tới làm gì, 2 năm tới làm gì... Vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đề án tái cơ cấu cụ thể của từng tập đoàn, tổng công ty cũng cơ bản phê duyệt xong. Thủ tướng đưa ra thông điệp rõ ràng nếu doanh nghiệp nhà nước không nghiêm túc thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt sẽ bị xử lý nghiêm. Tôi rất chia sẻ với quan điểm của một chuyên gia là nếu danh sách cổ phần hóa, thoái vốn được công bố ngay trong quý 1-2014 này và nguyên tắc là theo giá thị trường thì hoạt động cổ phần hóa sẽ trở nên sôi động, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới...

* Liệu việc đổi mới thể chế có thể xem như đổi mới lần 2?

- Tôi nghĩ rằng quá trình đổi mới của chúng ta là liên tục, không phải trước đây làm đổi mới lần 1, nay làm đổi mới lần 2. Theo tôi, vừa qua quá trình đổi mới có phần chậm lại, không đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới, do đó bây giờ phải đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn theo nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta.

Mở rộng dân chủ trực tiếp

* Để kích thích sáng tạo, phát huy sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, nói như Thủ tướng, cần mở rộng dân chủ? Theo ông, điều đó sẽ được thực hiện như thế nào?

- Trước hết là mở rộng dân chủ trực tiếp. Sớm thực hiện thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã theo nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Trước đây nhiều người ngần ngại chuyện dân bầu trực tiếp trưởng thôn, nhưng khi bầu trực tiếp trưởng thôn thì tình hình là tốt.

Thứ hai là người dân có quyền tham gia quá trình xây dựng chính sách. Lâu nay có những chính sách từ trên trời chứ không phải từ cuộc sống. Tôi còn nhớ câu chuyện cấm pháo của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc bấy giờ ông không áp đặt chính sách mà nghiên cứu rất kỹ lưỡng, xuống bàn với dân, làm được không, khó cái gì? Đặc biệt ông rất quan tâm đến đối tượng chở pháo đi phân phối từ cơ sở sản xuất đến đại lý, chủ yếu là thương binh. Ông gặp các thương binh, đặt vấn đề với họ về tác hại của đốt pháo, nghe ý kiến của họ và có chính sách để hỗ trợ các thương binh này chuyển sang công việc khác. Như vậy là chính sách đi từ cuộc sống, đi từ người dân.

Thứ ba là hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội. Một trong những thành quả của đổi mới chính là mở rộng quyền dân chủ của người dân trong làm kinh tế, trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng quyền dân chủ về chính trị. Đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta làm điều đó. Vì sao? Vì Hiến pháp 2013 đã có những điểm tiến bộ hơn so với Hiến pháp 1992, nhất là chương về quyền con người, quyền công dân. Như vậy là chúng ta có không gian hiến định mới để phát huy dân chủ. Tất nhiên, dân chủ phải đi đôi với nhà nước pháp quyền, đây là “cặp song sinh” như thông điệp của Thủ tướng đã nêu rõ. Nếu dân chủ mà không gắn với thượng tôn pháp luật thì không thể có dân chủ thực chất, xã hội sẽ loạn.

Nói đi đôi với làm thì dân sẽ tin

* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhiều năm qua, nông nghiệp được coi là điểm sáng và là giá đỡ của nền kinh tế, ông có cho rằng nên đầu tư xứng đáng cho nông nghiệp để có thể hiện đại hóa nông nghiệp?

- Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đề ra ba trọng tâm của tái cơ cấu, một là tái cơ cấu đầu tư công, hai là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ba là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đó là ba nội dung đúng nhưng theo tôi chưa đủ. Có một nội dung rất cấp bách nữa là nông nghiệp. Nông nghiệp nước ta đã đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên trong những năm gần đây tăng trưởng nông nghiệp giảm dần từ 4-5% xuống 3%, rồi dưới 3%...

Thu nhập thực tế của một bộ phận nông dân giảm, chênh lệch thu nhập thực tế giữa cư dân nông thôn và cư dân đô thị ngày càng doãng ra, xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng. Trong khi đó năng lượng được giải phóng từ khoán hộ đã vơi cạn, nông nghiệp vấp phải lực cản là kinh tế hộ manh mún nhỏ lẻ.

Hướng đi lớn nhất cho nông nghiệp là áp dụng khoa học công nghệ. Nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý nông nghiệp. Tôi đã đến thăm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ví dụ mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt, chip điện tử được dùng để đo chất đất, độ ẩm của đất, từ đó điều tiết lượng phân bón, mức tưới sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Nhưng nếu vẫn làm kinh tế hộ phân tán, manh mún thì rất khó đưa khoa học công nghệ vào. Cho nên hướng đi lớn thứ hai là tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn. Có thể kinh tế hộ vẫn là chủ thể nhưng phải tạo được sự liên kết giữa người sản xuất với nhau và với người chế biến, người phân phối, từ đó chia sẻ lợi ích hài hòa trong chuỗi giá trị.

Đầu tư cũng rất quan trọng, không chỉ là đầu tư tiền bạc của Nhà nước mà bằng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đưa công nghiệp tác động vào nông nghiệp, đưa doanh nghiệp về nông thôn.

Nhiều chuyên gia dự báo nếu ta ký TPP, FTA với EU thì ngành dệt may sẽ tăng xuất khẩu, số lao động làm dệt và may có thể tăng lên khoảng 2 triệu người (chưa kể trong ngành dày dép xuất khẩu). Đây là số lao động không cần quá nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo.

Nếu đưa các doanh nghiệp này về nông thôn, có thể lương 3 triệu ở thành phố thì người lao động sống nhếch nhác, nhưng nếu được ăn cơm nhà đi làm nhà máy thì lương 3 triệu cũng tạm ổn.

Tương tự như vậy với các nhà máy khác, quan trọng là giúp đỡ bà con ly nông nhưng không ly hương. Đất nông nghiệp được dồn cho những người làm nông nghiệp giỏi thuê lại, tạo điều kiện cho tập trung ruộng đất. Muốn làm được như vậy thì Nhà nước phải có chính sách lôi kéo doanh nghiệp về nông thôn.

* Theo ông, làm thế nào để thực hiện được nhanh những gì Thủ tướng đã nói trong Thông điệp đầu năm 2014? Ai sẽ thực hiện và theo dõi kết quả thực hiện những gì Thủ tướng đã tuyên bố?

- Như tôi đã nói cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với Chính phủ thì Thủ tướng phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành. Ví dụ trong họp Chính phủ mới đây Thủ tướng gợi ý để thu hút doanh nghiệp về nông thôn thì miễn thuế, cấp đất miễn phí có được không? Như vậy gần như là mở hết cỡ rồi. Từ gợi ý đó thì các bộ ngành có liên quan cụ thể hóa bằng chính sách, bằng quy định trên văn bản, điều gì thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết, thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đưa ra Chính phủ, phải xin ý kiến Quốc hội thì trình ra Quốc hội. Điều quan trọng là nói đi đôi với làm và làm quyết liệt, nhân dân sẽ tin tưởng.

* Thủ tướng từng đề cập sự cần thiết xây dựng Luật biểu tình, mới đây là Luật tiếp cận thông tin. Nhưng dường như việc thể chế hóa các quyền cơ bản của người dân bằng các đạo luật về quyền lập hội, quyền biểu tình... vẫn bị chậm trễ. Theo ông thì do đâu?

- Về Luật biểu tình thì Thủ tướng đã nêu rõ trên diễn đàn Quốc hội, trong họp Chính phủ mới đây Thủ tướng cũng đề cập việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Nguyên nhân chậm thì tôi cũng không được biết vì sao. Theo tôi hiểu những đạo luật này phải trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Như tôi đã nói là chúng ta đã có Hiến pháp 2013, các cơ quan chức năng có trách nhiệm xây dựng các luật mới và sửa đổi, điều chỉnh những luật cũ để thực hiện đúng Hiến pháp. Nói nhà nước pháp quyền trước hết là phải thượng tôn pháp luật. Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của mỗi quốc gia, phải có luật để triển khai các chế định đã được ghi trong Hiến pháp. Nếu các cấp có trách nhiệm có tinh thần thượng tôn pháp luật thì chúng ta sẽ làm được.

 VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp