Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn để chuẩn bị cho phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm
Đáng chú ý, báo cáo nêu việc xử lý tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Theo đó, đây là thực trạng xảy ra ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đẩy việc; hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.
Cũng theo báo cáo, tình trạng này xảy ra trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân…
Điều này dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
5 nhóm giải pháp
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Trà chỉ rõ 5 nhóm giải pháp. Trong đó, đầu tiên là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Như xóa bỏ nhận thức trong một số cán bộ, công chức "không làm thì không sai", "đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" đang xuất hiện và là một loại "tự diễn biến" cản trở nghiêm trọng sự phát triển.
Khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.
Tiếp đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng.
Cụ thể, các bộ, ngành đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn; trong đó, chú trọng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực.
Triển khai nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đồng thời nghiên cứu để thể chế hóa chủ trương này vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Thực hiện chính sách tiền lương mới theo nghị quyết 27 của Trung ương...
Cũng theo bà Trà, cần đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới công vụ, công chức. Như tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức.
Sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị bảo đảm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; phân công cụ thể, rành mạch trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; trách nhiệm người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết kịp thời thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thúc đẩy chính phủ số, chính quyền số.
Quy định cụ thể về đạo đức công vụ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ.
Kịp thời biểu dương cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm cán bộ, công chức không làm tròn chức trách, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.
Kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ hạn chế năng lực lãnh đạo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Nghiên cứu công tác tuyển dụng, quản lý, nhất là đánh giá cán bộ, công chức theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể.
Kịp thời miễn nhiệm, từ chức đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu trong cơ quan, đơn vị, địa phương còn xảy ra tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm.
Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực thi công vụ.
Ngoài ra, đề nghị huy động cả hệ thống chính trị đồng bộ thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận