07/07/2020 21:04 GMT+7

Xin việc suýt rớt vì thiếu… đăng ký tạm trú

MỘC LAM
MỘC LAM

TTO - 'Cách đây 4 tháng, tôi xin việc tại một công ty trên đường Bùi Thị Xuân (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Công ty yêu cầu bổ sung hồ sơ. Phòng nhân sự hướng dẫn, tôi tá hỏa khi phát hiện gần 4 năm trọ ở TP.HCM chưa một lần đăng ký tạm trú".

Xin việc suýt rớt vì thiếu… đăng ký tạm trú - Ảnh 1.

Sinh viên khi thuê trọ cần đăng ký tạm trú để đảm bảo quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân - Ảnh minh họa: M.L

Nhiều trường hợp người trẻ, phần lớn là sinh viên, rơi vào tình cảnh "khóc dở, mếu dở" chỉ vì sơ suất không đăng ký tạm trú khi đang trọ học, làm việc ở TP.HCM.

Xin việc suýt rớt vì… thiếu tạm trú

Đỗ Đức Mạnh, cựu sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, kể cách đây 4 tháng, anh xin việc tại một công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Sau thời gian thử việc, công ty yêu cầu Mạnh bổ sung hồ sơ. Được phòng nhân sự hướng dẫn, Mạnh tá hỏa khi phát hiện ra suốt gần 4 năm trọ ở TP.HCM, anh chưa một lần đăng ký tạm trú.

"Mình cứ nghĩ rằng việc đăng ký tạm trú không quá quan trọng nên lơ là, ghi đại một địa chỉ. Đến khi mình thú thật là không có tạm trú ở TP.HCM thì bị công ty khiển trách, yêu cầu phải có đủ thông tin chính xác trên sơ yếu lý lịch mới trở thành nhân viên chính thức. Vì thiếu tạm trú mà suýt không được ký hợp đồng. Sau lần đó, mình vội đi đăng ký tạm trú ngay", Mạnh nhớ lại.

Chàng trai này chỉ là một trong số nhiều người trẻ đã từng rơi vào tình cảnh éo le chỉ vì quên… đăng ký tạm trú.

Phan Thùy Ngân (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) cho biết ở TP.HCM 3 năm nhưng "quên" đăng ký tạm trú với công an phường, địa phương mà Ngân thuê trọ.

Ngân "nhớ" ra khi cách đây vài tháng, em trai Ngân đang là học sinh lớp 12 định xét tuyển vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM. Với đặc thù trường công an nhân dân, yêu cầu hồ sơ có thông tin các thành viên trong gia đình phải đầy đủ.

"Đến khi nghe gia đình gọi vào để điền thông tin chính xác địa chỉ tạm trú, mình mới vỡ lẽ, mới thấy tầm quan trọng của việc đăng ký tạm trú là thế nào. Vì có những việc cần thiết, nếu thiếu giấy đăng ký tạm trú là không được", Ngân nói. Sau đó, nữ sinh này tức tốc hối bạn bè cùng phòng liên hệ cảnh sát khu vực.

Hoàng Văn Quý, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đang trọ ở đường Cách Mạng Tháng 8 (P.15, Q.10, TP.HCM) cho biết cũng vì "quên" đăng ký tạm trú nên từng đứng như trời trồng khi bị cảnh sát khu vực kiểm tra hành chính vào cuối tháng 6.

"Cảm giác ú ớ khi bị hỏi giấy tờ tùy thân, rồi vào giờ khuya mà bị công an xét hỏi có đăng ký tạm trú hay không, tại sao không đăng ký, rồi chủ nhà trọ bị phạt hành chính… làm mình "tởn tới già". Sau đêm hôm đó, chủ nhà trọ yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân để đi đăng ký trên Công an phường", Quý cho biết.

Quý kết luận: "Đăng ký tạm trú có lợi cho bản thân. Mình nghĩ sinh viên ở ngoại trú thì khi thuê nhà cần phải đăng ký tạm trú".

Xin việc suýt rớt vì thiếu… đăng ký tạm trú - Ảnh 2.

Việc đăng ký tạm trú rất cần thiết khi bổ sung giấy tờ vào hồ sơ xin việc - Ảnh: M.L

Vừa tuân thủ luật, vừa đảm bảo quyền lợi

Nhiều người trẻ, nhất là sinh viên, "quên" đăng ký tạm trú khi trọ học ở TP.HCM. Rất nhiều lý do được đưa ra, như không để ý đến việc đăng ký, thường xuyên chuyển chỗ ở nên "quên", chủ trọ không yêu cầu, cứ ngỡ "không quan trọng"…

Tuy nhiên, theo LS Nguyễn Trung Tín (Văn phòng luật sư Hoa Sen, TP.HCM), khi thuê trọ, cả người thuê và người cho thuê nhà trọ đều phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú.

"Việc không đăng ký tạm trú tại địa phương mà người đó đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập trong vòng 30 ngày (dựa trên hợp đồng thuê/thỏa thuận thuê nhà trọ) kể từ ngày chuyển đến địa phương đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, kể cả cá nhân, hộ gia đình và chủ nhà trọ theo khoản 2 điều 30 Luật cư trú năm 2006; sửa đổi, bổ sung năm 2013", luật sư Tín nói.

Cũng theo luật sư Tín, trên thực tế có nhiều người thuê trọ như sinh viên, công nhân không có đủ kiến thức cũng như thời gian để thực hiện thủ tục khai báo tạm trú. Do đó, việc đăng ký tạm trú thường do chủ nhà thực hiện. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chủ nhà cho thuê phớt lờ việc đăng ký tạm trú vì ngại thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian.

"Để tránh bị xử phạt, người thuê nhà nên thỏa thuận rõ với chủ nhà về trách nhiệm đăng ký tạm trú. Ví dụ, trong hợp đồng thuê/thỏa thuận thuê nên có điều khoản quy định rõ người cho thuê là bên chịu trách nhiệm việc đăng ký tạm trú, nếu chủ nhà không đăng ký hoặc đăng ký trễ hạn thì họ phải chịu trách nhiệm nộp phạt, người thuê được miễn trừ trách nhiệm này", LS Tín khuyên.

Theo một cán bộ công an phường ở Q.1 (TP.HCM), mọi công dân cần tuân thủ quy định của Luật cư trú. Theo đó, khi đến thuê nhà trọ thì hoặc đến trực tiếp công an phường, cảnh sát khu vực đăng ký tạm trú, hoặc nhờ chủ nhà trọ đăng ký tạm trú giúp.

"Sau khi đăng ký, công an phường sẽ căn cứ mục đích đăng ký tạm trú để cấp sổ, có giá trị tối đa 2 năm, sau thời gian đó sẽ gia hạn", vị này nói, đồng thời khuyên: "Những người trẻ, sinh viên, công nhân... khi thuê nhà trọ để đi học, sinh sống làm việc... thì buộc phải đăng ký tạm trú. Việc làm này vừa thực hiện nghĩa vụ công dân, tuân thủ theo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi cá nhân, được hưởng các quyền và nghĩa vụ tương đối giống công dân có hộ khẩu thường trú, nhất là khi cần có những giấy tờ xác nhận của địa phương như trường hợp đi xin việc làm, mở cơ sở kinh doanh".

Xin việc suýt rớt vì thiếu… đăng ký tạm trú - Ảnh 3.

Việc đăng ký tạm trú rất cần thiết khi bổ sung giấy tờ vào hồ sơ xin việc - Ảnh: M.L

Chuyển nơi tạm trú, đăng ký lại thế nào? Chuyển nơi tạm trú, đăng ký lại thế nào?

TTO - Bà Nguyễn Thương đã được cấp sổ tạm trú tại TP. Hà Nội. Bà Thương hỏi, nếu bà muốn chuyển đến phường, hay quận khác thì thủ tục đăng ký tạm trú gồm những gì?

MỘC LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp