Nhịp dầm số 3 cầu Ghềnh được cẩu lên sau cú va chạm với sà lan - Ảnh: Đức Trong |
Về công tác trục vớt cầu Ghềnh sau sự cố hôm 20-3, đại diện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) cho biết đã cắt xong hai nhịp cầu 2, 3. Theo CIENCO 1, do các nhịp 1, 4 còn lại bị biến dạng nên dự kiến phải cắt nhỏ để đưa lên sà lan.
Các chuyên gia của Bộ GTVT cho rằng dù vướng trụ điện ở hai đầu cầu nhưng với trọng lượng của 2 nhịp còn lại khoảng 200 tấn, có thể dùng cẩu 500 tấn để nhấc hai nhịp trên vào đầu cầu.
Trước ý kiến này, ông Võ Văn Chánh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói: “Chúng tôi mong muốn Bộ GTVT tính toán để giữ lại nguyên trạng nhịp 1, 4 đưa vào bảo tàng bởi hình ảnh cầu Ghềnh đã trở thành dấu ấn với người dân Biên Hòa”.
Đưa tàu bị “nhốt” ở TP.HCM về Biên Hòa bằng đường bộ
Giải pháp này nhằm tăng khả năng chuyên chở, phục vụ hành khách sau sự cố sập cầu Ghềnh được ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đề xuất với Bộ GTVT trong cuộc họp ngày 29-3.
Cụ thể, ông Thành kiến nghị sẽ chuyển 50 toa khách, 100 toa hàng từ ga Sài Gòn (TP.HCM), ga Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) ra các ga Biên Hòa, Trảng Bom, Hố Nai (Đồng Nai) nhằm lập thêm các đôi tàu phục vụ hành khách đi lại cũng như chuyên chở hàng hóa trong dịp lễ 30-4, dịp hè vì dự báo số lượng hành khách đi lại dịp này rất lớn.
Do việc chuyển toa tàu khách và toa tàu hàng bằng đường bộ vượt giới hạn cho phép nên phải có giấy phép quá tải.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với Cục Quản lý đường bộ 4 và các tỉnh liên quan xin giấy phép sao cho nhanh nhất để phục vụ hành khách.
Ông Đông cũng yêu cầu ngành đường sắt khẩn trương nâng cấp đường ra vào ga Hố Nai, Trảng Bom để vận chuyển hàng hóa.
Về việc còn 52 tàu lớn, trong đó có nhiều tàu trọng tải trên 300 tấn, mắc kẹt trên sông Đồng Nai do công tác trục vớt cầu Ghềnh trong những ngày qua, ông Đông yêu cầu Cục Đường thủy nội địa phải tổ chức phân luồng, hoặc yêu cầu tàu bốc dỡ hàng hóa để tàu có thể di chuyển qua lại cầu Ghềnh.
Ông Đông cũng đề nghị việc trục vớt cầu Ghềnh phải hoàn thành trước ngày 2-4 để công tác thi công cầu được triển khai sớm.
Cắt thành những mảnh nhỏ để trục vớt
Tại cuộc họp, các đơn vị trục vớt cho hay trụ cầu bị gãy đã nằm sâu dưới lòng sông nên phải phá dỡ.
Ông Đông đề nghị trước khi phá dỡ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cần đưa ra những yêu cầu để thợ lặn ghi lại hình ảnh trụ cầu bị sà lan tông sập nhằm phục vụ công tác điều tra.
Trong khi đó, theo ghi nhận tại hiện trường chiều 29-3, đơn vị trục vớt cầu Ghềnh đã cẩu một nhịp dầm bị chìm dưới sông và lai dắt vào gần bờ để cơ quan điều tra tiếp cận.
Đây là nhịp dầm số 3 của cầu Ghềnh bị chìm hẳn dưới sông sau tai nạn. Đơn vị trục vớt đã cho người nhái lặn, cắt thành hai phần rồi dùng cần cẩu 500 tấn lần lượt cẩu lên trên hai sà lan. Hiện vẫn còn một nhịp dầm đang được thợ lặn tiếp tục cắt ra để đưa vào bờ.
Theo đơn vị trục vớt, hôm nay (30-3) trục vớt nửa nhịp dầm còn lại cũng như tàu kéo sà lan bị chìm trước đó. Riêng hai nhịp dầm cầu Ghềnh không bị sập sau cú va chạm đang được đơn vị trục vớt khoan, cắt thành nhiều phần nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận