13/11/2015 07:51 GMT+7

Xin phép bị đòi 5.000USD, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu báo cáo

D.NGỌC HÀ - G.MINH (duongngocha@tuoitre.com.vn)
D.NGỌC HÀ - G.MINH ([email protected])

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 12-11 đăng bài “Xin phép xây dựng, bị đòi 5.000 USD”, sáng cùng ngày Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã có cuộc họp với UBND Q.Bình Tân và các đơn vị liên quan, yêu cầu báo cáo những nội dung về vụ việc trên.

Bà Phạm Ngọc Yến trước công trình với nhiều hạng mục xây dựng dở dang, vật tư gỉ sét, hư hỏng... Ảnh: Tự Trung
Bà Phạm Ngọc Yến trước công trình với nhiều hạng mục xây dựng dở dang, vật tư gỉ sét, hư hỏng... Ảnh: Tự Trung

Cùng ngày, bà Phạm Ngọc Yến (người bị cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân đòi tiền) cũng cho biết Thanh tra Q.Bình Tân mời bà đến làm việc vào hôm nay (13-11).

Liên quan tới nội dung Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân sử dụng hai văn bản để xin ý kiến Sở GTVT TP các nội dung liên quan tới việc xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) của bà Yến mà bài báo trên đã phản ánh, ông Ngô Hải Đường, trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP, cho biết: “Các nội dung hỏi trong những văn bản này là không cần thiết, vì đã có trong các văn bản pháp luật và văn bản chỉ đạo của UBND TP”.

Theo ông Đường: “Trong văn bản thứ nhất, Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân hỏi việc cấp GPXD cho bà Yến “có ảnh hưởng đến hành lang an toàn của đường cao tốc hay không?”, Sở GTVT TP chỉ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật sẵn có, trích dẫn điều, khoản cụ thể để họ tự tra cứu lại những điều khoản đó mà xử lý. Dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật sẵn có, chúng tôi đã trả lời việc cấp phép xây dựng cho bà Yến theo hồ sơ kèm theo là phù hợp quy định pháp luật”.

Văn bản lần thứ hai của Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân hỏi “Có được cấp GPXD cho công trình kết nối trực tiếp ra đường cao tốc hay không?”, ông Đường cho biết nội dung này đã được UBND TP hướng dẫn trong công văn 1594 ngày 13-2-2015. Công văn này cũng có gửi cho UBND Q.Bình Tân nên UBND quận áp dụng cấp GPXD trong trường hợp này và không cần phải hỏi ý kiến của sở.

Trả lời câu hỏi vì sao quy định rõ ràng nhưng thời gian Sở GTVT TP trả lời công văn đầu tiên kéo dài đến hai tháng, ông Đường nói: “Một phần do công văn đến trễ so với ngày ký phát hành, một phần có thể do anh em còn phải đi thực tế nên chậm trả lời. Còn cụ thể vì sao thì chúng tôi phải kiểm tra lại!”.

Nhức nhối nạn vòi vĩnh

Nhiều bạn đọc đã thốt lên như vậy sau khi đọc bài “Xin phép xây dựng, bị đòi 5.000 USD” (Tuổi Trẻ ngày 12-11). Trong số gần 100 ý kiến phản hồi về bài báo này, nhiều ý kiến cho rằng nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân đi xin giấy phép xây dựng còn xảy ra ở nhiều địa phương khác và bài báo trên của Tuổi Trẻ đã phản ánh một sự thật rất nhức nhối.

“Một giấy phép xây dựng phải chi 5.000 USD và 50 triệu đồng. Khủng khiếp quá! Theo lời ông Quốc là ông phải chung chi cho người khác, vậy ông chi cho ai? Mong cơ quan chức năng vào cuộc tìm ra đường dây chung chi này để cơ quan công quyền trong sạch hơn” - bạn đọc Dương Văn Tuấn đề nghị.

Bạn đọc có địa chỉ email hq_uy@... cho rằng vụ việc như báo Tuổi Trẻ phản ánh là nghiêm trọng nên đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý những cán bộ sai phạm làm gương. “Bao nhiêu người dân xây nhà bị những cán bộ biến chất hành hạ khổ sở lắm. Tôi cũng là nạn nhân, tức cay tức đắng mà không làm gì được nên chỉ biết kêu trời!” - bạn đọc này bức xúc.

Nhiều bạn đọc cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì đã phản ánh được nỗi bức xúc của nhiều người. “Cảm ơn báo Tuổi Trẻ. Vấn đề này tôi cũng muốn phản ảnh từ lâu lắm rồi, nhưng không dám vì mình còn làm trong ngành thì không thể làm ăn được nếu dám đứng lên đấu tranh. Chúng tôi là công ty thiết kế xây dựng nhưng chưa bao giờ nộp bản vẽ xin phép xây dựng mà được duyệt vì muôn vàn lý do...

Trong khi đó, nhiều công ty chuyên xin phép xây dựng, họ chỉ cần “biết điều” là được cấp phép ngay” - bạn đọc có địa chỉ email men008@... kể.

Còn bạn đọc Nguyễn Đăng Phúc, bạn đọc Minh Hoàng cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì cần phải có những bài báo như trên để giảm bớt tình trạng vòi vĩnh đòi chung chi của nhiều cán bộ biến chất...

Q.TR.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn:

Ông Trần Trọng Tuấn - Ảnh: T.T.D.
Ông Trần Trọng Tuấn - Ảnh: T.T.D.

Có một “khoảng hở” của pháp luật

Sau vụ việc “Đòi 15.000 USD mới có giấy phép” lại đến vụ việc “Xin phép xây dựng, bị đòi 5.000 USD”. Tại sao lại cứ diễn ra chuyện công chức, nhân viên cơ quan nhà nước nhũng nhiễu? Theo tôi, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Qua hai vụ việc này, tôi chỉ đề cập đến nguyên nhân liên quan tới quy định pháp luật và áp dụng pháp luật. Một trong những điểm giống nhau giữa hai vụ việc này là quy định của pháp luật chưa rõ ràng, phải xin ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thì mới giải quyết được hồ sơ hành chính. Đó là “khoảng hở” trong quy định pháp luật, là “điểm mù” trong áp dụng pháp luật. Lợi dụng “khoảng hở” và “điểm mù” này, công chức và nhân viên đã vi phạm công vụ, nhũng nhiễu với người dân.

Tất nhiên, cơ quan quản lý công chức, nhân viên vi phạm sẽ kiểm điểm và xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan theo quy định. Nhưng từ những vụ việc này, theo tôi, phải tiếp tục tập trung rà soát các quy định pháp luật để lấp “khoảng hở” và xóa “điểm mù” tương tự, nhằm ngăn ngừa sai phạm của công chức và nhân viên. Quy định pháp luật phải rõ ràng, cụ thể và phải công khai, minh bạch để công dân được biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật, đồng thời để công chức và nhân viên áp dụng pháp luật phù hợp, không trái với quy định.

D.NGỌC HÀ - G.MINH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp