* Sợ bị ăn vạ
Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn quê, ở đó một khi xảy ra chuyện này chuyện kia, cả hai bên đều rối rít xin lỗi nhau, ai cũng lựa những từ ngữ nhẹ nhàng giành phần lỗi về phía mình và xin phía bên kia bỏ qua. Ở đó, hiếm khi nào xảy ra các cuộc cãi vã nơi công cộng. Năm 1995, tôi tới thành phố học đại học và lập nghiệp. Một lần nọ khi vào hẻm nhỏ, xe đạp của tôi và một xe máy đi ngược chiều va quẹt tay lái rất nhẹ. Tôi với bản chất nhà quê quay sang xin lỗi anh, thì anh chàng thành phố ấy dừng lại bắt tôi phải bồi thường.
Sau một hồi phân bua rằng chẳng có gì thiệt hại để bồi thường, và lỗi do cả hai chứ không phải do cá nhân tôi gây ra, thì anh chàng thành phố ấy dẫn chứng “rất đúng”: “Mày không có lỗi tại sao hồi nãy mày lại xin lỗi tao?”. Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên tôi học được khi sống ở một thành phố văn minh. Sau nhiều lần va chạm trong cuộc sống ở đô thị, dần dần không biết tự bao giờ, thói quen “xin lỗi”, “cảm ơn” của tôi bị biến mất. Và hiện nay, khi con tôi đang lớn, tôi đang dạy con tôi thói quen “đi thưa về trình, lời xin lỗi, cảm ơn luôn nằm ở đầu môi”, thì bản thân tôi cũng phải tự thực tập lại thói quen đó. Nhưng tôi vẫn sợ, sợ có ngày nào đó lại bị ăn vạ như thuở nào...
Thiên Phú Ngộ (thienphungo@...)
* Làm ngơ giáo dục lòng tự trọng
Tôi xin kể câu chuyện về một người tôi quen đang xây nhà. Mặc dù bạn tôi đã xin phép hàng xóm đàng hoàng nhưng có một người sát bên nhà suốt ngày cứ chửi rủa bạn tôi. Có chút gạch vụn hay vôi rơi vãi thì người đó chửi bới rồi bắt hai vợ chồng bạn tôi phải qua quét dọn sạch sẽ cho dù bạn tôi đã lớn tuổi. Mặc dù bạn tôi nhận lỗi đàng hoàng mà người đó vẫn không hài lòng, đêm khuya vẫn hay gọi điện dựng vợ chồng người bạn dậy rồi chửi đủ thứ. Người bạn chịu hết nổi dù đã nhẫn nhịn, cùng đường nên gọi điện cho một người quen trong ngành công an xin can thiệp. Người đó cử cán bộ đến nhà xem xét sự tình. Chỉ cần thấy sự xuất hiện của công quyền thì gã kia đã mặt mày xanh lét không dám nói gì nữa mà còn xin lỗi trối chết. Sau đó ông ta còn nói với bạn tôi: “Sao anh quen biết to thế mà ngay từ đầu anh không nói sớm?”.
Nói như thế để thấy nhiều khi người ta cũng biết sai quấy nhưng cái thói làm càn đã ăn sâu vào tính cách. Có thể chúng ta từ lâu đã làm ngơ giáo dục lòng tự trọng nên khó mà có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Chỉ mong bạn Allison gặp được nhiều người biết điều, cư xử với bạn tốt không chỗ nào chê được.
Nhã Chân (wakamori.jp@...)
* Gia đình và xã hội cần xem lại mình
Có chuyện gì không tốt người ta nghĩ ngay là “tại trường không dạy”. Tôi là một giáo viên tiểu học và xin thưa là chúng tôi dạy các em từ câu “chào cô, dạ, thưa” cho đến mọi thứ khác. Chúng tôi có dạy hết đấy và thường xuyên nhắc nhở: “Kìa, con làm rơi bút của bạn, sao không xin lỗi bạn đi?”, nhưng về nhà gia đình dạy thế nào, ra xã hội thấy thế nào là chuyện khác. Có những em trong lớp hiền lành ít nói, bước ra khỏi trường là chửi thề vì ảnh hưởng gia đình hay môi trường sống (vì trong lớp nếu nói là bị nhắc nhở ngay). Nếu ngay từ nhỏ gia đình đã dạy cách cư xử lễ phép thì vào trường chúng tôi chỉ cần nhắc lại.
Trong gia đình ngay từ khi con tôi còn nhỏ xíu chưa nói sõi, tôi vẫn dạy: “Bà cho con bánh kìa, khoanh tay ạ đi con”, nghĩa là hình thức cảm ơn. Câu xin lỗi, cảm ơn phải là câu đầu môi, thuộc lòng từ nhỏ, đã lớn rồi thì còn dạy gì nữa. Xin đừng trút hết tội lỗi lên đầu ngành giáo dục. Nếu trong gia đình và xã hội, người lớn làm đúng như những điều chúng tôi vẫn dạy để làm gương cho các em thì tất cả đã tốt đẹp hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận