Bình yên Pêtapoóc - Ảnh: TẤN LỰC |
“Muốn Pêtapoóc phát triển phải có điện - đường - trường - trạm, nhưng đầu tư được những cái đó thì quá khó!”.
Lời nhắn gửi của thiếu tá Nguyễn Trí Tài - chính trị viên Đồn biên phòng Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) - trước lúc chia tay làm suốt đường về xuôi chúng tôi miên man suy nghĩ về cuộc sống cư dân miền biên viễn này.
“Các anh biên phòng lên đây dựng lán ở lại. Họ chặt cây rừng xẻ ván đóng nhà, chở ximăng tráng sàn rồi lấy tôn lợp thành nóc. Nhờ vậy mà cả 9 hộ trong làng từ đó mới có cái nhà trú nắng mưa |
Bà Bring Thị Ngớ |
Gian nan đường đến Pêtapoóc
Nằm biệt lập dưới một thung lũng nơi giáp địa giới tỉnh Kon Tum và biên giới Việt - Lào, Pêtapoóc thực sự là một bản làng khó tiếp cận với bất kỳ ai.
Tôi được hai cán bộ đồn là trung úy Bling Hoài và thượng úy Trần Ting Hiệp thay phiên chở bằng xe máy vào làng với hi vọng được tận mắt nhìn thấy Pêtapoóc.
Trước khi đi, thiếu tá Tài đã “quảng cáo” về những khó nhọc của chuyến đi và trang bị sao cho an toàn trước lũ vắt và những nhát cứa của lá rừng mọc dày đặc trên đường.
Từ đồn vào Pêtapoóc chưa đầy 18km nhưng chiếc xe máy bò ì ạch hơn hai giờ đồng hồ mới tới nơi.
Dọc đường đi, hết những dốc dựng đứng lại đến suối sâu, có những chỗ sạt lở nặng, con đường chỉ còn như sợi dây mảnh mai vắt ngang giữa sườn núi và vực thẳm, mỗi lúc xe chạy qua tôi chỉ biết nín thở nhắm mắt cầu trời.
Dù hai cán bộ là tay lái lụa, thuộc làu đường vào Pêtapoóc và khá giỏi chèo chống nhưng chúng tôi cũng phải “đo đường” hai lần trong lúc về.
Con đường đất được mở ra để tuần tra biên giới hơn chục năm trước và cũng nhờ vậy mà Pêtapoóc được biết đến với thế giới bên ngoài.
Thiếu tá Tài nhớ lại ngày mới phát hiện, cả làng với gần 40 nhân khẩu dân tộc Giẻ Triêng sống tạm bợ trong những ngôi nhà vách đan phên nứa và mái lợp lồ ô.
Không điện - đường - trường - trạm, từ trẻ con tới người già không ai biết mặt chữ, họ sống nguyên thủy nhờ săn bắn hái lượm như những đứa con của núi rừng.
Cuộc sống những ngày ấy bữa được bữa chăng, hôm nào bẫy được con thú thì bữa ăn có miếng thịt, bằng không thì sống nhờ măng và rau rừng. Hình dung về cuộc sống tương lai hầu như không xuất hiện trong suy nghĩ dân làng.
Trong căn nhà gỗ kiên cố, bà Bring Thị Ngớ (60 tuổi) lần hồi kể lại những thay đổi của Pêtapoóc: “Các anh biên phòng lên đây dựng lán ở lại. Họ chặt cây rừng xẻ ván đóng nhà, chở ximăng tráng sàn rồi lấy tôn lợp thành nóc.
Nhờ vậy mà cả 9 hộ trong làng từ đó mới có cái nhà trú nắng mưa. Các anh mở lớp dạy cái chữ rồi dạy làng cách trồng lúa nước, kéo ống nước về tới bếp mỗi nhà, nếp ăn nếp ở của làng từ đó mới tốt lên nhiều” - bà Ngớ nói.
Từng tham gia những ngày thay đổi bộ mặt Pêtapoóc, trung úy Bling Hoài nhớ rõ những tháng ngày vất vả hì hục cưa xẻ, đục đẽo dựng nhà, kéo điện cho bà con.
“Suốt cả mấy tháng anh em ở tại chỗ làm cùng dân không bước chân về đồn, muốn liên lạc ra ngoài chỉ có cách viết giấy nhờ người đi rừng chuyển về để đồn tiếp tế nhu yếu phẩm”.
Nhà dựng xong, lính biên phòng lao ngay xuống suối đặt máng, lắp tuốcbin kéo điện về cho bà con rồi lên rẫy bày họ trồng tỉa. “Thời gian ấy cơ cực lắm nhưng anh em ai cũng vui khi thấy cuộc sống đồng bào thay đổi” - trung úy Hoài nói.
Khiêng xe vượt suối vào Pêtapoóc - Ảnh: TẤN LỰC |
Trấn ải vùng biên viễn
Giữa nắng chiều biên giới, Pêtapoóc nằm nép mình lặng lẽ giữa bạt ngàn rừng xanh thật yên bình. Trưởng cụm dân cư Pêtapoóc - bà Y Kiêng (46 tuổi) bảo rằng cuộc sống bây giờ đã đỡ vất vả hơn ngày xưa nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Chỉ lên chiếc tivi được một cơ quan dưới xuôi tặng mấy năm trước nằm lặng lẽ trên góc nhà, bà Kiêng bảo vì nguồn điện tuốcbin không ổn định nên đã cháy mất. Những chiếc tuốcbin cũng từ lâu không còn phát điện bởi hư hỏng mà không có phụ tùng thay thế.
Vì đường sá biệt lập, đời sống dân làng lạc lõng với thế giới bên ngoài. Trẻ con trong làng muốn tìm kiếm cái chữ phải rời nhà xuống xã học nội trú, cả năm mới về thăm nhà được vài lần.
“Ở đây không đường, không trạm, mưa xuống là chia cắt, người dân đau ốm dễ chết lắm. Mong sao Nhà nước giúp cho một con đường để dân Pêtapoóc được yên tâm làm ăn, giao lưu với bên ngoài” - bà Y Kiêng nói.
Bộ đội Đồn biên phòng Đắc Pring phơi lúa cùng người dân - Ảnh: TẤN LỰC |
Sẽ không có gì đáng nói nếu đưa những cư dân Pêtapoóc rời núi rừng về sống dưới xã. Nhưng sự hiện diện của một ngôi làng ở vùng biên có giá trị khẳng định cương vực lãnh thổ, là những cột mốc sống trấn ải biên giới Tổ quốc.
“Bằng mọi giá, dân làng Pêtapoóc phải sống được và sống tốt trên chính mảnh đất Pêtapoóc. Chúng tôi dựng nhà địa bàn trong làng, cử cán bộ đồn thường xuyên lên giám sát, hỗ trợ. Mọi ưu đãi có được đều ưu tiên cho Pêtapoóc” - thiếu tá Nguyễn Trí Tài nói.
Thiếu tá Tài cũng cho biết trước đây đồn kêu gọi nhiều đoàn từ thiện đến giúp đỡ, trao quần áo, gạo dầu thực phẩm cho bà con nhưng không phải là giải pháp căn cơ. Bây giờ những quan tâm của cộng đồng cũng dần vơi đi, mọi chuyện trở lại như cũ.
“Muốn Pêtapoóc phát triển phải có điện - đường - trường - trạm, nhưng đầu tư được những cái đó thì quá khó!” - thiếu tá Tài trăn trở.
Cần công nhận đơn vị hành chính Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết trước đây chỉ có lực lượng biên phòng hỗ trợ, đầu tư công sức và kêu gọi các tổ chức cá nhân đến giúp đỡ Pêtapoóc. Dù vậy, việc đầu tư phát triển khu vực này rất khó khăn do Pêtapoóc chưa được công nhận đơn vị hành chính. “Chúng tôi cùng với huyện Nam Giang từng đứng ra đề nghị với HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Pêtapoóc là đơn vị hành chính cấp thôn nhưng bất thành với lý do là không đủ tiêu chí về dân số theo quy định. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vị trí quan trọng bảo vệ chủ quyền biên giới mà người dân Pêtapoóc là người sống ở tuyến đầu. Cần công nhận và đối xử với Pêtapoóc như là một đơn vị hành chính để người dân được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, đó cũng chính là nguyện vọng bấy lâu nay của người dân Pêtapoóc” - thượng tá Mẫn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận