01/03/2017 10:19 GMT+7

Xin đừng đầu độc đầu óc trẻ thơ!

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TTO - Những ngày gần đây, khi đi trong sân trường, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng gọi “Mập đ...”, rồi tiếng học sinh cười rộ lên. Chỉ nghe loáng thoáng nên tôi cũng không tìm xem học sinh nào nói.

Sáng nay, học sinh lớp tôi dạy đang làm toán. Tôi nghe P., một học sinh nam ngồi bàn thứ nhì, gọi nho nhỏ T. - một nữ sinh có dáng người mập mạp ngồi bàn đầu: “Mập đ..., cho mình mượn cây thước”, sau đó là tiếng cười rúc rích của những em ngồi gần đó vang lên.

Tôi gọi P. đứng dậy và trách em tại sao gọi bạn bằng từ ngữ thô thiển, mất lịch sự như vậy, thì cả lớp nhao nhao: “Nó muốn được 150 triệu đó thầy!”... Tôi nhanh chóng ổn định lớp và hỏi các em về điều vừa nghe, thật sự tôi không hiểu các em đang nói về điều gì.

Sau đó, qua những gì các em kể, tôi cũng chưa rõ lắm nên để hiểu thêm, về nhà tôi phải xem lại một số chương trình hài trên truyền hình qua mạng Internet, và thật sự sốc. Hóa ra, những từ ngữ mất lịch sự mà các em học sinh của tôi dùng nói với bạn bè là được “học” từ những chương trình hài!

Theo lời chỉ dẫn của các em học sinh, tôi vào mạng, chỉ cần gõ cụm từ “hot boy trà sữa” thì hàng loạt trang web xuất hiện. Xem xong về “hot boy” này, tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu vì sao thí sinh L. trong chương trình Thách thức danh hài, gala mùa 3 lại lãnh 150 triệu đồng và trước đó là 100 triệu đồng.

Cả nhà tôi không ai cười được, nhất là câu cuối cùng với nội dung thật dung tục, vô văn hóa khi nói với người vợ sắp cưới của mình.

Tôi càng ngạc nhiên hơn, thắc mắc hơn vì theo tôi biết, một tiết mục diễn ngoài sân khấu cho vài trăm khán giả xem cũng phải được duyệt qua mới cấp phép biểu diễn.

Vậy thì Thách thức danh hài là một chương trình truyền hình, phát sóng cho hàng triệu khán giả xem, trong đó có rất nhiều trẻ em, chẳng lẽ không hề được duyệt? Đài truyền hình là một cơ quan truyền thông của Nhà nước, sao lại có thể phát sóng một chương trình phản cảm như thế?

Trong trường học, thầy cô giáo chúng tôi luôn dạy các em học sinh phải nói lời hay - ý đẹp, phải có hành vi văn hóa, lịch sự với người xung quanh. Chúng tôi đã bỏ biết bao công sức uốn nắn, nhắc nhở các em từng từ, từng câu nói để thể hiện mình là người văn minh, có học thức. Nhưng giờ đây, những điều chúng tôi làm có vẻ đã vô ích!

Các chương trình truyền hình được phát sóng rầm rộ lại đang hướng, khuyến khích học sinh ăn nói dung tục, thiếu văn hóa, và các em đã tiếp thu rất nhanh! Bởi ở lứa tuổi tiểu học, các em chỉ hiểu đơn giản đó là những từ ngữ, những câu nói hay, vui nhộn đã đoạt giải với số tiền thưởng thật lớn, tức là được số đông công nhận. Và các em đã vô tư bắt chước theo...

Xin đừng đầu độc đầu óc trẻ thơ! Đó là lời yêu cầu tha thiết của chúng tôi với những người làm chương trình truyền hình.

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp