Theo các chuyên gia lún ở TP.HCM xảy ra từ nhiều năm nay, nhiều khu vực có độ lún đến 0,5m - Ảnh: T.Trung
Theo TS Ngô Minh Thiện, bản đồ địa chất và hồ sơ kèm theo bản đồ là nguồn thông tin quý giá cho công tác đánh giá nguy cơ, diễn biến lún. Nguồn thông tin này đã bị lãng phí lâu nay.
Lãng phí nguồn thông tin từ bản đồ
TP.HCM là khu vực trọng điểm được thực hiện các điều tra khảo sát về các điều kiện địa chất, địa chất công trình và địa chất thủy văn từ trước năm 1975 và liên tục đến nay nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Cả nước cũng đã được các đoàn địa chất tiến hành điều tra, báo cáo và sản phẩm là các bản đồ địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, tỉ lệ 1/50.000.
Năm 2010, các dữ liệu và bản đồ đã được tổng hợp, cập nhật và số hóa hoàn chỉnh trong báo cáo đề án "Biên hội bản đồ địa chất, địa chất thủy văn và địa chất công trình TP.HCM, tỉ lệ 1/50.000" do Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM chủ trì.
Các bản đồ và thông tin kèm theo là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích đối với các sở ngành và các bên có liên quan về việc quy hoạch, định hướng, dự báo cũng như xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, các tài liệu bản đồ này lâu nay chỉ mới được sử dụng chủ yếu trong giới địa chất. Đó chính là sự lãng phí.
Bộ bản đồ này rất hữu ích cho Quy hoạch xây dựng và phòng chống lún mặt đất vì ở đó có các thông tin về cao độ địa hình bề mặt, diện phân bố và chiều dày các tầng đất đá, đặc biệt là tầng đất yếu dễ sụt lún khi xây dựng, cho biết điều kiện nguồn nước ngầm bên dưới và kèm theo đó là báo cáo thuyết minh, cơ sở số liệu.
Từ đó, chúng ta có thể đánh giá được vùng nào thuận lợi và vùng nào không thuận lợi cho xây dựng công trình, có thể tham khảo trong Quy hoạch xây dựng và phòng chống lún đất.
Đánh giá lún: còn ở giai đoạn đầu
Các dữ liệu bản đồ tỉ lệ 1/50.000 hoàn toàn đáp ứng yêu cầu là nguồn cơ sở tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho các sở ngành, thậm chí các nhà đầu tư đều có thể khai thác các thông tin cần thiết có trên các bản đồ này của thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề chuyên sâu và cụ thể về khai thác gây hạ thấp mực nước ngầm và sụt lún đất của thành phố, các bản đồ này cần cập nhật mới thêm các dữ liệu cao độ địa hình, các dữ liệu quan trắc mực nước ngầm và các tài liệu khoan khảo sát.
Theo tôi, việc cập nhật các tài liệu quan trắc mực nước và tài liệu khoan khảo sát hoàn toàn không khó vì các nguồn tài liệu này đang có sẵn và được lưu trữ.
TP.HCM có mạng lưới quan trắc nước ngầm tương đối nhiều (hơn 20 trạm) và hoàn thiện so với các vùng khác trong cả nước.
Đáng tiếc là kết quả này chưa được khai thác phục vụ cho việc đánh giá nguy cơ lún đất liên quan đến khai thác nước dưới đất tại TP.HCM.
Công việc điều tra đánh giá lún đất ở thành phố vẫn ở giai đoạn đầu, cơ sở tài liệu còn chưa đủ.
Do đó, để đánh giá một cách toàn diện về nguyên nhân lún đất liên quan đến khai thác nước ngầm, thành phố cần thêm các trạm quan trắc mực nước và quan trắc lún để thu thập thêm dữ liệu đầu vào, đặc biệt tại các vùng có tốc độ sụt lún nhanh.
Từ đó, chúng ta mới có cơ sở chắc chắn để đánh giá và đề xuất giải pháp phòng chống sụt lún đất phù hợp với thực tế tại TP.HCM.
Thực tế đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này nhưng làm đơn lẻ, chưa ra kết quả tổng thể về mức độ lún từng khu vực. TP.HCM cần có dự án lớn tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, mọi kết quả nghiên cứu, đánh giá nguy cơ diễn biến lún.
Từ đó mới có thể đưa ra giải pháp cụ thể được. 10 năm trước, nhiều khu vực ở TP.HCM đã có dấu hiệu lún, cảnh báo lún ngày càng nhiều hơn đã từ lâu rồi.
Giờ chúng ta bắt đầu tìm hiểu thực trạng, theo tôi, là đã chậm. Vậy nên không thể chậm hơn nữa. Cần rút ngắn thời gian nghiên cứu báo cáo đánh giá lún, tốt nhất không nên kéo dài hơn một năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận