27/11/2013 07:00 GMT+7

Xin cô "nới lỏng dây cương"

HÙNG THOA (Thanh Xuân, Hà Nội)
HÙNG THOA (Thanh Xuân, Hà Nội)

TT - Con gái tôi đang học lớp 5 tuổi để chuẩn bị bước vào lớp 1. Tuần trước, con học về mặt mếu máo, nước mắt giàn giụa. An ủi mãi con mới kể rằng trên lớp bị cô chê là hát không hay.

Dạo này trời lạnh nên giọng con bị khàn, mất tiếng. Thế nên khi hát, dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể theo các bạn được. Cô giáo không hiểu và thông cảm lại còn chê cháu hư vì ở nhà không luyện giọng. Con gái tôi rất buồn vì biết rằng trong tuần nếu bị cô chê dù chỉ một lần cũng sẽ không được nhận phiếu bé ngoan vào cuối tuần nữa.

Con còn kể rằng ngày nào cô cũng bắt cả lớp cùng đi vệ sinh một giờ nhất định để không làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Kể cả bé nào dù chưa muốn vẫn phải đi, bởi nếu không đi thì sau đó nếu mắc tè sẽ bị cô giáo mắng là không ngoan.

Con gái tôi ở nhà thường ăn hai bát cơm. Thế nhưng trong buổi ăn trưa trên lớp, dù thấy đói hay thấy thèm cũng chẳng dám xin thêm ít cơm, ít cháo hay thêm miếng thịt. Bởi vì cô giáo nói xin nhiều tức là ăn tham, ăn hết phần của bạn khác, như vậy là hư. Con kể có nhiều bữa không muốn ăn, mệt nên không ăn hết phần cơm của mình, nhưng nếu bỏ thừa thức ăn cũng bị cô chê là hư. Thế nên bất cứ lúc khỏe lúc ốm, lúc thích hay không thích thì các bé trong lớp vẫn phải cố nhồi nhét cho xong để không bị cô chê trước lớp.

Buổi trưa, cô sắp xếp chỗ ngủ cho cả lớp, dù không buồn ngủ cũng phải ngủ. Nếu mở mắt ra mà cô giáo bắt được là hư. Nói chung, bất cứ điều gì trái ý cô thì cô đều bảo là hư hết. Thế nên con tôi cũng như các bé khác cứ phải phục tùng răm rắp.

Đó là chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, đôi khi cô nghiêm khắc còn có thể hiểu và chấp nhận được. Thế nhưng bé hát không hay, không theo nhịp điệu cũng bị cô chê hư là điều hết sức vô lý. Không thể có chuyện một lớp 20 cháu thì cháu nào cũng hát hay, cũng múa dẻo. Nhất là những giờ học, nếu cháu nào nắn nót viết chữ cái A B C mà không đều, không đẹp là cô lại dùng “mánh” hư ra để dọa khiến các cháu rất buồn và hoang mang.

Tôi biết rằng cho trẻ vào khuôn khổ là tốt. Thế nhưng quá rập khuôn, áp đặt theo kiểu 100 như 1 là không nên chút nào. Cô giáo không thể đòi hỏi cả lớp đều hát hay, đều viết chữ đẹp, đều đi vệ sinh đúng giờ hay ăn khẩu phần như nhau, bởi vì bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài. Vậy nên cô giáo chỉ có thể là người khôn khéo uốn nắn các cháu chứ không phải dùng từ hư để “phán” mỗi khi không vừa lòng các bé điều gì đó.

Xin các cô hãy “nới lỏng dây cương” để trẻ phát triển năng khiếu, thế mạnh riêng một cách tự do, thay vì tất cả đều rập khuôn máy móc theo ý cô giáo. Các cháu không thể cứ răm rắp làm theo điều gì đó mà bản thân không muốn hoặc quá sức mình chỉ để nhận lời khen của cô và để cuối tuần nhận phiếu bé ngoan.

HÙNG THOA (Thanh Xuân, Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp