23/04/2015 14:02 GMT+7

​“Xin chào châu Á, xin chào châu Phi”

V.V.THÀNH (từ Jakarta)
V.V.THÀNH (từ Jakarta)

TTO - Đó là câu chào thường vang lên ở Trung tâm Hội nghị thượng đỉnh quốc tế Jakarta (Indonesia), nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Á - Phi trong hai ngày 22 và 23-4.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Indonesia và phu nhân trước tiệc chiêu đãi của chủ nhà - Ảnh: Ban tổ chức hội nghị cung cấp

Hội nghị chào đón các nhà lãnh đạo và đại biểu từ 105 quốc gia châu Á và châu Phi - hai châu lục chiếm 73% dân số và 30% GDP thế giới, cùng 15 nước quan sát viên và 17 tổ chức quốc tế.

Một chi tiết nhỏ cho thấy nước chủ nhà đã chuẩn bị chu đáo cho hội nghị đặc biệt quan trọng này, đó là việc ban tổ chức hội nghị bố trí 511 điểm truy cập WiFi tại các địa điểm xung quanh nơi diễn ra các phiên họp để đại biểu và giới báo chí có thể truy cấp Internet chất lượng cao bất cứ nơi nào và hoàn toàn miễn phí.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong ngày đầu tiên của hội nghị bất ngờ xuất hiện tại trung tâm báo chí (Media Center - sức chứa khoảng 1.000 phóng viên trong và ngoài nước) với phong cách thật giản dị và câu hỏi dành cho các nhà báo: "Có ai phàn nàn gì không?".

Từ trái qua: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống nước chủ nhà và Thủ tướng Nhật Bản Abe tại phiên khai mạc Hội nghị - Ảnh: Ban tổ chức hội nghị cung cấp

Ngay sau lễ bế mạc hội nghị vào chiều nay 23-4, các nhà lãnh đạo và đại biểu di chuyển đến thành phố Bandung (Indonesia) để tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung (Hội nghị cấp cao Á - Phi lần đầu tiên vào năm 1955) diễn ra trong ngày mai 24-6.

Một cuộc diễu hành quy mô lớn với sự tham gia của các nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức nhân lễ kỷ niệm quan trọng này.

Đội danh dự của Indonesia với khoảng 4.200 quân nhân sẽ tháp tùng các nhà lãnh đạo. Quốc kỳ các nước châu Á và châu Phi tung bay trên đường phố Bandung trong tiếng quân nhạc.

An ninh được thắt chặt xung quanh hội nghị - Ảnh: Ban tổ chức hội nghị cung cấp
Đội kỵ binh Indonesia tập luyện chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955 - Ảnh: Ban tổ chức hội nghị cung cấp

Theo tài liệu của ban tổ chức hội nghị, Hội nghị cấp cao Á - Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung có sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á - Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác Á - Phi.

Tại hội nghị này, Tổng thống Indonesia Sukarno trong diễn văn khai mạc đã nói đây là hội nghị đầu tiên từng có trong lịch sử người da màu.

“Dù cho hoàn cảnh xã hội, lối sống, tập quán dân tộc, màu da, ngôn ngữ của các nước đang có mặt tại đây không giống nhau, nhưng điều đó có sao đâu…

Chúng ta liên kết với nhau vì căm ghét tệ phân biệt chủng tộc, chúng ta liên kết với nhau vì căm ghét chủ nghĩa thực dân, chúng ta liên kết với nhau vì cùng quyết tâm bảo vệ hòa bình thế giới” - ông Sukarno nói.

Hội nghị Bandung 1955 đưa ra mười nguyên tắc Bandung làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục. Tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á - Phi 2015 lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Chúng ta cần tuyệt đối tuân thủ 10 nguyên tắc Bandung mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “không xâm lược, đe dọa xâm lược và sử dụng vũ lực”, “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, “thúc đẩy các lợi ích chung”...

Chủ tịch nước Việt Nam cũng kêu gọi toàn thể Hội nghị “tăng cường kết nối Á - Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.

60 năm trôi qua, theo thị trưởng Ridwan Kamil, thành phố Bandung xinh đẹp ngày nào đã và đang vươn lên mạnh mẽ để trở thành một đô thị thông minh, dựa trên chính quyền điện tử và phát triển công nghệ cao để cung cấp các dịch vụ một cách tiện lợi cho công dân.

Sự vươn lên của Bandung cũng được hi vọng góp phần cho thấy khuôn mặt mới của châu Á và châu Phi ngày nay.

Tổng thống Indonesia thăm trung tâm báo chí của hội nghị - Ảnh: Ban tổ chức hội nghị cung cấp
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: Ban tổ chức hội nghị cung cấp

Phát biểu của các nhà lãnh đạo tại hội nghị trong hay ngày 22 và 23-4 cho thấy những năm qua, các nước Á - Phi đều ưu tiên vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực.

Tuy nhiên, hợp tác Á - Phi chưa được phát huy hết tiềm năng, chưa đem lại được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho các nước Á và Phi.

Trong bối cảnh đó, Indonesia mà trực tiếp là Jakarta và Bandung một lần nữa trở thành nơi để các nước Á - Phi, các thành viên Phong trào không liên kết tập hợp lực lượng để bảo vệ những nguyên tắc Bandung, từ đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, đầu tư, thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa... nhằm tranh thủ thế mạnh của nhau, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, mỗi khu vực.

 

 

V.V.THÀNH (từ Jakarta)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp