Phóng to |
Trời vẫn còn rét, các cháu nhỏ trường mầm non Kẽo Cơn (Keng Đu)sưởi ấm bằng bằng bếp lửa giữa sân trường, nơi nghèo nhất nước... |
Những câu thơ ấy của Nguyễn Duy viết từ 30 năm trước trong bài Đánh thức tiềm lực chợt hiện về khi đọc bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 5-5 viết rằng 24 vạn người dân Thanh Hóa đang đói ăn. Thanh Hóa cũng là quê hương của nhà thơ Nguyễn Duy nên hơn ai hết, ông đã đồng cảm với khát vọng cơm no áo ấm của người nông dân từ trong máu thịt. Cho dù đang sống ở xứ sở được đánh giá là “lạc quan nhất thế giới“ thì nhìn tấm hình người phụ nữ đang gỡ những bắp ngô làm giống trên giàn xuống để ăn không khỏi khiến chúng ta quặn thắt lòng.
Bởi thế khi nhắc đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp (nghĩa là chỉ còn chưa đầy chín năm nữa) thì câu chuyện về những người dân đang đói ở một tỉnh nghèo miền Trung những ngày này càng khiến nhiều người giật mình không tin.
Khó tin chuyện dân đang đói bởi bây giờ Việt Nam đã là cường quốc xuất khẩu gạo, thu nhập bình quân đầu người đã vượt qua con số ngàn đôla, những đô thị đã chật chội cao ốc cao cấp, hiện đại.
Khó tin được vì ở Việt Nam đã là bình thường chuyện đại gia đi xe triệu đô. Đã không còn lạ chuyện có nhiều người ăn bát phở bò Kobe ở Hà Nội với giá cao hơn cả tháng lương cơ bản vừa được tăng (850.000 đồng/830.000 đồng). Thành phố mọc lên nhiều trung tâm thương mại với những nhãn hàng mà có những cái túi xách bé tí lại bằng giá tiền của vài chục con trâu!
Cũng trên báo Tuổi Trẻ hôm qua (8-5), tại xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - nơi thuộc loại nghèo nhất nước, câu chuyện đến trường học chữ của những em bé rẻo cao cũng khiến chúng ta xúc động không kém hình ảnh người dân huyện Mường Lát phải dùng đến ngô giống để ăn cầm cự qua ngày.
Hai hình ảnh ấy đều có một mẫu số chung, đó là sự nghèo khó: một câu chuyện về khát vọng cơm no của dân Mường Lát (Thanh Hóa) và câu chuyện của những em bé Keng Đu (Nghệ An) là áo ấm đến trường.
Hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, đất nước đã có những bước tiến thần kỳ về kinh tế - xã hội, nhưng rõ ràng câu chuyện về những người dân thiếu ăn, những em học sinh mẫu giáo tự kiếm củi sưởi cho ấm lớp để có thể ngồi học... những ngày này khiến ta không thể không băn khoăn về hai điều khát vọng xưa cũ: cơm no và áo ấm trước khi nói đến cơm ngon và áo đẹp.
Có quá nhiều câu chuyện về những sân golf mọc lên, nhưng không biết những nguồn thu từ sân golf kia có giúp chút gì cho số phận những người dân mất ruộng hay không? Những bãi biển được quy hoạch cho resort năm sao, nhưng có người dân sở tại nào đã được khá lên từ nguồn tiền thu ở các resort năm sao kia?
Có thể dẫn ra hàng ngàn câu chuyện từ rừng xuống biển như thế, và hình như phần thua thiệt trong câu chuyện phát triển luôn là những người nông dân.
Câu chuyện nạn đói ở rẻo cao Thanh Hóa hay chuyện các em thơ còn phong phanh áo mỏng đến trường trong giá rét thật ra không phải là hình ảnh khó thấy ở những vùng sâu heo hút hay rẻo cao sơn cước trên đất nước này. Đó cũng là một nan đề của bài toán phát triển mà đừng tưởng rằng chúng ta đã giải nó dễ dàng.
Có lẽ bài toán với đất nước hôm nay cũng giản dị như câu thơ của Nguyễn Duy trong bài thơ mấy chục năm trước, rằng: “Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm/Rồi đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận