05/05/2024 06:40 GMT+7

Xin ăn kiếm được nhiều hơn đi làm, người lớn càng đẩy trẻ ra đường bất chấp

Dưới bài viết về chủ đề hảo tâm với trẻ đường phố, phần đông ý kiến bạn đọc cho rằng hảo tâm với các em chính là tiếp tay cho những kẻ lợi dụng các em khi "càng xin ăn có tiền thì các cháu càng bị gắn chặt với công việc ấy".

Thay vì tìm kiếm các cơ sở bảo trợ cho con đi học, học nghề, nhiều cha mẹ để con cái đi lang thang xin ăn, bán vé số, hàng rong - Ảnh minh họa: VŨ THỦY

Thay vì tìm kiếm các cơ sở bảo trợ cho con đi học, học nghề, nhiều cha mẹ để con cái đi lang thang xin ăn, bán vé số, hàng rong - Ảnh minh họa: VŨ THỦY

Tiếp tay cho những kẻ lợi dụng trẻ em

Bạn đọc Lê Tiên Sinh bình luận: "Cái này nói lâu rồi mà nhiều người vẫn vậy, càng cho tiền thì các em càng bị đẩy vào con đường ăn xin, tương lai càng tăm tối hơn thôi. Hiện nay trẻ em xin tiền ở TP.HCM đều có người kiểm soát, các em đội nắng đi xin rồi tiền về tay ai?

Càng xin có tiền thì các cháu càng bị gắn chặt với công việc ấy. Trong khi cha mẹ đẩy con cái ra đường, hủy tương lai của bọn trẻ thì chúng ta lại tiếp tay".

Tuy nhiên, với cái nhìn thương cảm, nhiều bạn đọc cho rằng không ai muốn làm nghề ăn xin hay cho con mình ra đường ăn xin.

- Đâu phải ai cũng muốn vậy. Nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn. Cha mẹ không lo nổi cho con thì tất cả ra đường thôi. Thay vì trách người lớn, các bạn hãy nhìn rộng xem nguyên nhân từ đâu mà như vậy.

- Hãy ở vào hoàn cảnh của họ để biết cụ thể như thế nào. Vì họ cũng không phải là người muốn chọn cách sống đó.

Bạn đọc Binhvt cho rằng một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên các em nhỏ phải kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình, một số vô gia cư bị người lớn lợi dụng. Nhiều gia đình cũng không biết các chính sách hỗ trợ các em nhỏ có gia đình khó khăn.

Theo bạn đọc này, việc hỗ trợ các em nhỏ này phải có sự hoạt động đồng bộ của nhiều ban ngành, mời đại diện gia đình các em tới giải thích để họ hiểu để đưa các em vào các cơ sở dạy nghề...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại chỉ ra một thực tế khó khăn và phức tạp hơn, khi đi xin, đi bán hàng rong trở thành một lựa chọn "dễ dàng hơn và có tiền ngay" thay vì cho con cái vào cơ sở bảo trợ học hành hay học nghề nhiều năm trời.

- Khi đi xin kiếm được nhiều tiền hơn đi làm và không phải lao động nặng thì nhiều người thích ra đường xin tiền hơn. Giá trị bị đảo lộn nên rất khó thay đổi những người này.

- Do người lớn làm biếng không lao động, sống dựa vào những đứa trẻ đã quen rồi, đẩy các em vào cuộc sống lây lất ngoài đường nắng nóng không lối thoát, trong khi họ theo dõi kìm kẹp các em từ xa. Họ sống dựa vào các em để không phải lao động.

Giúp đỡ trẻ em gặp khó khăn, tìm đến đâu?

Tương tự như những lần tranh luận trước đây về việc có nên cho tiền người xin ăn hay không, nhiều ý kiến vẫn cho rằng trách nhiệm để không có trẻ xin ăn, bán hàng rong ngoài đường là của Nhà nước.

"Tôi thấy việc này đã tốn khá nhiều giấy mực rồi nhưng giải pháp thì toàn đẩy cho người dân. Thiết nghĩ Nhà nước nên công bố đường dây nóng hoặc các địa chỉ liên hệ cụ thể trong trường hợp trẻ em hoặc người già cơ nhỡ cần sự giúp đỡ. 

Trẻ em hay người già bị đẩy ra đường là trách nhiệm của Nhà nước, không phải do lòng trắc ẩn của người dân", bạn đọc Tín bình luận.

Đồng tình với ý kiến đó, bạn đọc Khai Phong nói rằng trước hết các cơ quan chức năng nên chủ động tìm kiếm giải pháp có hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

"Nếu cơ quan chức năng làm triệt để với tinh thần quyết liệt như thổi nồng độ cồn thì hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này. Có thể xây dựng các khu tập trung, hễ thấy có người ăn xin là cho xe đến mời về nơi tập trung, phân loại và xử lý với các giải pháp phù hợp, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm luật hình sự thì xử lý hình sự kẻ chăn dắt. 

 Các cháu thì gửi vào nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà giáo dưỡng. Huy động nguồn lực xã hội cùng Nhà nước, NGO... để duy trì hoạt động những nơi này.

Tóm lại, nếu các cơ quan chức năng chủ động thì sẽ tìm ra giải pháp thôi, còn lòng trắc ẩn xã hội thì hãy để mọi người tự nhiên thể hiện. Đừng nên để lòng tốt bị nghi ngờ và sự nghi ngại ngày càng lớn lên trong giao tiếp giữa người với người trong xã hội hiện nay", bạn đọc này nói thêm.

Bà Trần Thị Kim Thanh - trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) - cho biết sở đã phối hợp với các đơn vị khác để xây dựng một cẩm nang về các cơ sở cung cấp dịch vụ an sinh cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hiện nay TP.HCM có một hệ thống khoảng 90 cơ sở cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trải đều khắp các quận, huyện mà người dân hoàn toàn có thể tiếp cận để tìm kiếm, yêu cầu giúp đỡ.

Trong đó cấp thành phố gồm có Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM), Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM).

Cấp quận, huyện là các phòng lao động - thương binh và xã hội quận, huyện, các mái ấm, cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm nuôi dưỡng, trung tâm bảo trợ trẻ em, các làng trẻ, các lớp, trường chuyên biệt, trường cho trẻ khuyết tật…

Mỗi cơ sở sẽ hỗ trợ các nhu cầu khác nhau cho các nhóm trẻ em khác nhau, từ hỗ trợ nơi ở, bữa ăn, chăm sóc y tế cho đến hỗ trợ học văn hóa, giáo dục kiỹ năng sống, học nghề, hỗ trợ tiếp cận việc làm...

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp có thể là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật. Hoặc một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác như trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, trẻ có cha mẹ đang thi hành án…

Đồng thời, chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng tại TP.HCM cũng bao phủ các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với mức từ 720.000 - 1.200.000 đồng/tháng.

Càng hảo tâm với trẻ đường phố, càng khiến các em bị đẩy ra đường?Càng hảo tâm với trẻ đường phố, càng khiến các em bị đẩy ra đường?

TP.HCM có không ít thiết chế, tổ chức hỗ trợ trẻ em, nhưng vẫn khó ngăn chặn trẻ em đường phố. Chừng nào các em vẫn có thể dễ dàng xin tiền, bán hàng rong nhờ sự hảo tâm của mọi người thì vẫn sẽ có trẻ bị chính người thân đẩy ra đường kiếm sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp