17/06/2009 11:33 GMT+7

Xiêng Khoảng và bí ẩn cánh đồng chum

TRANG THU
TRANG THU

TTO - Những chiếc chum đá vẫn lặng lẽ nhẫn nại chôn chân trên cánh đồng. Bí ẩn và hiện hữu cùng tồn tại nơi đây. Thuở nào xa xưa, cánh đồng đã chứng kiến sự ra đời và tồn tại của những chiếc chum đá? Đá ngàn đời vẫn lặng lẽ ôm giấu sự thật và chẳng thể cất lời. Thấy cuộc đời chỉ là một thoáng ngắn ngủi, chỉ có đất trời là mãi mãi trường tồn…

33VmOrbS.jpgPhóng to

Mặc mưa nắng và bom đạn chiến tranh, cánh đồng chum vẫn trầm mặc cùng thời gian

Anh bạn tôi, giám đốc một công ty du lịch đang làm ăn ở Campuchia muốn sang Lào khảo sát để chuyển hướng mở tour qua đó. Anh rủ tôi đi Xiêng Khoảng (Xieng Khuoang) thăm cánh đồng chum, tôi nhận lời ngay vì cũng đã nghe nhiều về nơi này và mong muốn có dịp tới thăm. Đoàn chúng tôi gồm năm người: ba người Việt, một người Campuchia và anh lái xe người Lào. Thế là đủ đại diện ba nước khu vực Đông Dương.

bahHqNKT.jpgPhóng to
Ngã ba Núi Kun
A8PVVTpx.jpgPhóng to
Sản vật địa phương ở chợ Núi Kun

Từ Viêng Chăn đi về phía bắc theo quốc lộ 13 khoảng 225km đến ngã ba Phou Kuod (Núi Kun), từ đó đi thẳng đến Luang Prabang. Chúng tôi rẽ phải sang đường đi Xiêng Khoảng. Xiêng Khoảng nằm ở hướng đông bắc xứ Lào, địa thế núi non trùng điệp, độ cao từ 1.500 đến 2.000m, do đó khí hậu mát mẻ quanh năm.

Phôn-xa-vẳn (Mương Phonesavanh) - thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng - cách Viêng Chăn 435km về phía đông bắc. Xiêng Khoảng có diện tích 15.880 km2 với dân số khoảng 23.000 người. Dân trên địa bàn Xiêng Khoảng gồm: Thai Đăm (Thái đen), Mông (Lào Sủng), Lào Lùm và người Việt. Ngã ba Phou Koud có chợ của người Lào Sủng, bán các sản phẩm họ tự làm ra như dao, cuốc, xẻng... và sản phẩm từ trồng trọt như phắc kạt (rau cải), no mạy (măng), mặc xu ( ngọn su su)…

Xiêng Khoảng có đỉnh Phu Bia cao 2.820m so với mực nước biển. Đây là đỉnh cao nhất của đất nước Lào. Đường đi quanh co hiểm trở qua núi đồi, thung lũng. Hai bên rừng cây ngút ngàn, nước từ núi cao đổ xuống tạo nên phong cảnh hùng vĩ thơ mộng. Hầu hết thị xã, thị trấn của Xiêng Khoảng đã bị phá hủy hoàn toàn bởi bom Mỹ trong thời gian chiến tranh. Tỉnh lỵ của Xiêng Khoảng được xây dựng lại sau năm 1975.

Chúng tôi đến tỉnh lỵ vào lúc ngả chiều, nắng vàng đã đổ dài trên các triền đồi. Phôn-xa-vẳn nằm dưới thung lũng, có diện tích 4.500km2 với những đồi thông mơ mộng, những cánh đồng lúa nước, lúa nương và từng đàn gia súc thong thả gặm cỏ trên những đồng cỏ mênh mông. Buổi chiều từ trên cao nhìn xuống nắng vàng xuyên qua hàng thông. Từng cột khói trắng thong thả bay lên, cảm giác thật yên ả, thanh bình.

Xiêng Khoảng nổi tiếng với cánh đồng chum (tiếng Lào là Thồng Hảy Hín, tiếng Anh là Plains of Jars). Chum rải rác khắp địa phận Xiêng Khoảng, tập trung ở ba địa điểm chính xung quanh Phôn-xa-vẳn. Địa điểm 1: Bạn Ang. Địa điểm 2: Lắt Sén. Địa điểm 3: Bạn Sua, theo thứ tự cách Phôn-Xa-Vẳn 10km, 23km và 28km.

CERi8QWb.jpgPhóng to
Phôn-sa-vẳn thanh bình trong thung lũng

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, cánh đồng chum là nơi chịu nhiều bom đạn và nóng bỏng nhất nước Lào. 10 năm không quân Mỹ liên tục oanh tạc Xiêng Khoảng, hòng tiêu diệt Pathet Lào và ngăn chặn hậu cần của miền Bắc tiếp tế vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Với con số 580.344 phi vụ, trung bình 8 phút/phi vụ, 24/24 giờ trong ngày, từ 1964-1973, khối lượng bom Mỹ rải xuống nơi này đủ để mỗi người dân chịu 350 tấn bom.

Bề mặt cao nguyên như trên mặt trăng, chi chít ao hồ nhân tạo to nhỏ khác nhau. Ngày nay, mỗi năm vẫn còn khoảng 50 người dân Lào thiệt mạng hay trở thành thương tật bởi những quả bom chưa nổ này.

FMXCTaeX.jpgPhóng to
Bãi bom chưa nổ

Vì vậy, bom đạn đã trở thành một “sản vật” quen thuộc đối với người dân nơi đây. Trong khách sạn chúng tôi nghỉ lại điềm nhiên có mặt những chiếc gạt tàn thuốc làm bằng vỏ bom bi: hình quả ổi, quả dứa… màu vàng, màu bạc… Thậm chí vỏ bom tấn, bom B52 còn được dùng như vật liệu xây dựng, vật trang trí trong mỗi ngôi nhà, khu vườn nơi đây.

ZRkFQ4t4.jpgPhóng to
Vỏ bom như một vật trang trí

Bạn Ang cách Phôn-Xa-Vẳn khoảng 10km về phía tây nam là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất. Địa điểm này nằm trên một ngọn đồi có độ cao khoảng 1.000m, cây cối thưa thớt. Một khoảng đất trống làm chỗ đậu xe đồng thời là nơi bán vé và đồ lưu niệm. Lối lên là những bậc thang làm bằng đá núi và bêtông. Leo qua bậc thang cuối cùng: cả một cánh đồng chum hiện ra trước mắt. Tôi bước gấp gáp, thế là đã được tận mắt nhìn, tận tay sờ được những chiếc chum bằng đá huyền thoại!

5U4js8j1.jpgPhóng to

Bãi chum ở địa điểm 1: Bạn Ang

Chum đứng rải rác từng nhóm, đủ loại to nhỏ cao thấp, hình dạng khác nhau. Nhóm đứng phơi giữa trời, nhóm ẩn mình trong vòm cây xanh. Cái đứng, cái nghiêng, cái chìm xuống một nửa. Ở địa điểm này có 250 chum và duy nhất 1 cái có nắp.

e6YLm2aA.jpgPhóng to
Chỉ còn một chiếc chum có nắp

Ngày nay trên cao nguyên cánh đồng chum cỏ xanh mênh mông, yên tĩnh thanh bình. Trên vùng đất phẳng xen một vài ngọn núi đồi nằm rải rác là khoảng hơn 650 chiếc chum đá khổng lồ có độ cao từ 1-3,5m và đường kính trên dưới 1m. Chiếc lớn nặng tới hơn 14 tấn với niên đại khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm.

Một điều bí ẩn là những ngọn núi ở cách đây ít nhất mấy chục cây số, vậy người cổ xưa đã chế tác những chiếc chum này từ các khối đá trong thiên nhiên từ nơi nào và chuyển đến đây bằng cách nào?

Một bí ẩn nữa cũng chưa có lời giải đáp: những chiếc chum này được làm ra để làm gì? Cũng đã có những giả thiết:

1. Những chiếc chum khổng lồ này được làm trong thời gian trị vì của thủ lĩnh Khun Chương và dùng để đựng thức ăn, ủ rượu cho quân lính.

2. Những chiếc chum này dùng để làm mộ táng các vua quan, tù trưởng trong giai đoạn đó. Vị trí trong xã hội càng cao thì chum càng lớn. Cùng với thời gian, số chum này một nhiều tạo nên cánh đồng chum huyền thoại ngày nay.

VrsxG64E.jpgPhóng to
Cánh đồng chum giữa bạt ngàn nắng gió cao nguyên

Hiện nay các nhà khảo cổ, nghiên cứu về cánh đồng chum nghiêng về giả thiết thứ 2 nhiều hơn. Theo một nhà sử học Pháp, bà Madeleinen Colani, người đã đến cánh đồng chum từ năm 1930 dày công nghiên cứu, những chiếc chum khổng lồ này không phải là những chum ủ rượu. Chẳng lẽ lại mất công đục đá tảng làm những cái chum chỉ để ủ rượu ăn mừng vì để làm một cái chum mất không ít thời gian và công sức?

Bà đưa ra giả thuyết mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết khi phát hiện những mảnh xương, răng người trong những chiếc chum khổng lồ này và rải rác xung quanh. Hơn thế nữa, trong một núi đá vôi gần Bạn Ang, bà phát hiện một hang động xuyên thẳng lên đỉnh đồi như ống khói, vách động còn dấu vết ám khói đen và cho đó là một lò hỏa thiêu.

nXyBNOER.jpgPhóng to
Hang thông thiên

Có điều khi nghiên cứu, phân tích carbon những xương tìm được, các nhà khoa học thấy rằng tuổi xương vào khoảng 3.000 năm còn tuổi chum thì ít hơn thế! Và bí ẩn vẫn là bí ẩn! Các nhà khảo cổ và sử học của Lào đang đề nghị UNESCO đưa cánh đồng chum vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Giờ đây, cánh đồng chum là nơi thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

a9wMJppe.jpgPhóng to
Khách du lịch tham quan cánh đồng chum

Đến thăm động có hang thông lên trời, anh bạn Lào đi cùng cho biết: đây từng là nơi trú ẩn của bộ đội Pathet Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Do thời gian có hạn và đường đi còn khó khăn nên chúng tôi không đến được 2 địa điểm còn lại.

Về phía nam, cách Xiêng Khoảng 1km, trên một ngọn đồi có hai tượng đài kỷ niệm được xây dựng theo phong cách truyền thống của Lào: “Ghi công các anh hùng liệt sĩ” và “Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam”. Người dân địa phương kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm keo sơn, đặc biệt của bộ đội Pathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam cùng chung vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc Lào - Việt.

p4b4NNls.jpgPhóng to
Hang có đường thông lên trời, là nơi trú bom của bộ đội Việt - Lào

Cách Phôn-Xa-Vẳn 52km về phía bắc thuộc huyện Mường Khăm gần giáp tỉnh Hủa Phăn có hai suối nước nóng Ban Nọi (suối nhỏ) và Ban Nhầy (suối lớn) nhiệt độ lên tới 60oC. Một điểm khác biệt của Xiêng Khoảng so với các nơi khác trên đất Lào là ít chùa hơn. Chùa Phiawt được xây dựng từ năm 1564 nhưng chiến tranh đã phá hủy gần như toàn bộ. Xiêng Khoảng hấp dẫn khách du lịch bốn phương bởi cảnh quan hoang sơ, thiên nhiên trong lành, nguyên thủy.

… Chúng tôi rời cánh đồng chum khi bóng chiều đã bảng lảng, khách du lịch đã vãn. Sương lạnh bắt đầu len lỏi tràn về. Ngoái cổ nhìn lại, những chiếc chum đá vẫn lặng lẽ nhẫn nại chôn chân trên cánh đồng. Nghe gió về hiu hắt, lòng bỗng thấy bâng khuâng. Bí ẩn và hiện hữu cùng tồn tại nơi đây. Thuở nào xa xưa, cánh đồng đã chứng kiến sự ra đời và tồn tại của những chiếc chum đá. Nghe như tiếng gươm giáo và vó ngựa, tiếng reo hò thoảng trong gió chiều, trong sương bạc…

Đá ngàn đời vẫn lặng lẽ ôm giấu sự thật và chẳng thể cất lời. Thấy cuộc đời chỉ là một thoáng ngắn ngủi, chỉ có đất trời là mãi mãi trường tồn…

TRANG THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp