Bộ Nội vụ cũng đã lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ, quy trình bổ nhiệm giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo - Ảnh: T.L |
Tương tự, vụ việc “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng xì xào không kém, nhất là khi ông trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng chuyện nhiều thân thích họ hàng của ông bí thư huyện Mỹ Đức cùng “làm quan” ở huyện này là “hết sức ngẫu nhiên”.
Có thể sự bố trí công tác cho những người thân thích nhà ông bí thư huyện ủy đều được “thực hiện đúng quy trình”.
Và như cách nói của người phụ trách công tác tổ chức Thành ủy Hà Nội: “Con em cán bộ ở địa phương nào họ lại muốn gắn bó với nơi ấy. Trong một xã, huyện thì quan hệ họ hàng là khó tránh khỏi”.
Người xưa đã nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Câu nói ấy thật thâm sâu, nó vừa như đúc kết một thực trạng của xã hội, lại vừa như nhắn nhủ những người “làm quan” sống sao cho liêm chính - chí công vô tư, lại vừa như nhắc nhở những người làm công tác tổ chức ở bất kỳ thời đại nào là phải có phương pháp quản trị khoa học để tránh hệ lụy không tốt.
Bởi vậy nên từ thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã đặt ra “Luật hồi tỵ” trong tổ chức chính quyền quan lại.
Theo đó, không cho phép những người có quan hệ thân tộc, thầy trò, bạn hữu, đồng hương làm việc trong cùng một cửa quan. Trường hợp phạm vào những quan hệ trên thì phải luân chuyển đến địa phương khác để công tác.
Gần nhất là thời vua Minh Mạng, ông cũng đặt ra “Luật hồi tỵ” ở mức độ nghiêm khắc hơn, không cho phép những người làm quan được về công tác tại quê cha, quê mẹ, quê vợ, ở nơi đã thường trú lâu dài.
Cách thức tổ chức này vừa đem lại tác dụng phòng ngừa tham nhũng, lại vừa tránh được “bia miệng thế gian”.
Chắc hẳn không ít người vẫn nhớ cựu ngoại trưởng nổi tiếng Hàn Quốc Yu Myung Hwan, vào năm 2010 đã phải đệ đơn từ chức khi dư luận nước này dậy sóng về chuyện con gái ông được tuyển dụng vào làm việc tại Bộ Ngoại giao.
Nhà chức trách Hàn Quốc khi ấy cũng kiểm tra và khẳng định việc bổ nhiệm con gái ông ngoại trưởng là đúng quy trình. Thời điểm đó, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp ở nước này vào khoảng 8,5%.
Có những ý kiến lập luận rằng không ít con cái hoặc thân thích của quan chức có quá trình học tập tốt, bằng cấp cao thì “hoàn toàn xứng đáng” được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy. Lập luận này không sai, nhưng chưa đủ.
Lịch sử và kinh nghiệm quốc tế nêu trên cho thấy cho dù có những trường hợp “hoàn toàn xứng đáng” nhưng lại “hoàn toàn không nên”. Lịch sử đồng thời cũng đã cung cấp cho ngày nay giải pháp để những người xứng đáng được cống hiến mà lại tránh được sự nghi kỵ, tị hiềm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận