Như đã phản ánh: Nói chuyện ồn ào nơi công cộng đang trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Ở bệnh viện, thang máy, xe buýt, máy bay, cứ chỗ nào có mạng miễn phí là có người mở loa điện thoại "tám".
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài viết của bạn đọc Nhất Nguyên, nhiều bạn đọc tiếp tục chia sẻ vấn nạn nhức nhối này.
Dưới đây là ý kiến bạn đọc là "nạn nhân" của loa điện thoại.
Bị ép nghe nhạc, cải lương, truyện ma suốt đêm
Có lần tôi vào bệnh viện mổ. Những ngày đầu vết thương đau thấu trời không ngủ được. Phòng chỉ có hai người nhưng người còn lại cứ mở hết nhạc rồi đến cải lương, đọc truyện ma… suốt đêm.
Đêm đầu không dám nhắc vì ngại và ban ngày cố gắng ngủ bù. Nhưng đến hôm sau thì chịu không nổi nữa nên nhắc khéo: Anh mở nhạc vậy mà ngủ được sao?
Vậy mà bệnh nhân cùng phòng vẫn vô tư trả lời: Tôi phải nghe lớn vậy mới ngủ được.
Bệnh nhân thứ nhất xuất viện, lại gặp bệnh nhân thứ hai còn đặc biệt hơn: anh này không mở nhạc nhưng lại gọi người thân suốt ngày!
Tôi thật sự quá mệt mỏi!
Bạn đọc Hung
Tôi đang nằm viện để phẫu thuật. Phòng tôi có 5 giường thì 3 giường mở review phim. Thêm ông chồng đi chăm vợ, gọi điện thoại thông báo khắp làng xóm, mà cứ 1 câu là chửi tục 1 câu. Tôi không đau vì vết mổ mà đau đầu, mất ngủ vì sự ồn ào của người cùng phòng.
Bạn đọc tài khoản Ha Ha
Những ồn ào đó chưa thấm vào đâu so với mấy người bán hàng rong rao loa suốt ngày suốt đêm ở TP.HCM nói chung và tại con hẻm nhà tôi nói riêng.
Một con hẻm, một đầu ở đường Nguyễn Thị Tần, đầu kia là Dương Bá Trạc, phường 2, quận 8, TP.HCM, họ rao “hột vịt lộn, bắp xào…” đến 1, 2h sáng vẫn còn rao với tiếng loa thật lớn.
Hy vọng ngày nào đó cơ quan chức năng có giải pháp để trả lại sự bình yên cho người dân.
Bạn đọc Mỹ Toàn
Tôi thường đi xe khách những chuyến đường dài. Lên xe hầu như lúc nào cũng có một vài phụ nữ lớn tuổi nói chuyện với nhau to tiếng suốt mấy tiếng đồng hồ.
Nếu các cô không đi theo nhóm thì gọi điện thoại mở loa ngoài nói chuyện. Nói từ trên trời xuống dưới đất. Nguyên xe mấy chục người mà chỉ có duy nhất cô đó nói chuyện để cho cả xe nghe.
Bạn đọc Nhan
Tôi thường xuyên đi ăn quán cơm gần công ty và luôn gặp một vị khách đặc biệt: cứ vào quán cơm là mở phim hoặc bóng đá vừa xem vừa ăn.
Mở loa thật to và rất ồn ào, ngồi ăn rất lâu. Những người đi ăn cùng nhau muốn nói với nhau cũng khó vì bị át bởi tiếng ồn của vị khách này. Vì vậy ai cũng tranh thủ ăn nhanh rồi đi ra ngoài!
Bạn đọc Tuan
Cần phải học cách ứng xử văn minh
Học sử dụng những thiết bị, máy móc hiện đại thì không khó, nhưng học cách ứng xử văn minh đi liền với các thiết bị, máy móc đó mới khó. Thay đổi nhận thức của con người thật cam go. Cơ bản vẫn phải là giáo dục.
Bạn đọc LH
Đưa văn hóa không làm phiền người khác vào tất cả các cấp học mới mong trong tương lai xã hội văn minh hơn.
Bạn đọc Duy Hùng
Không thể dùng biện pháp ngăn chặn trong thời đại bùng nổ mạng thông tin đâu! Vấn đề giáo dục ý thức của người sử dụng thôi.
Thậm chí trong phiên họp quan trọng, điện thoại còn reo inh ỏi. Một số lãnh đạo nói thì nói, ở dưới nghe thì nghe, nói điện thoại thì cứ nói! Không thấy lãnh đạo nhắc nhở.
Giáo dục phải kèm theo ý thức. Mệt lắm! Giải pháp chỉ khi nào nằm trong hoàn cảnh thôi. Như trong bệnh viện, lớp học, trên máy bay...
Bạn đọc Nguyen Sanh
Bạn từng là nạn nhân của những ứng xử ồn ào nơi công cộng? Theo bạn, giải pháp nào để hạn chế thói xấu này?
Mời bạn kể lại những điều mắt thấy tai nghe, cũng như giải pháp thông qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận