Bị cáo Phạm Công Danh bị dẫn giải sau phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Trong phiên xét xử chiều 26-7, HĐXX đã xét hỏi đối với nhóm bị cáo là giám đốc của 12 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, những người đã ký khống hợp đồng vay tiền của VNCB để rút tiền của VNCB cho Phạm Công Danh sử dụng.
Nghề làm giám đốc bù nhìn
Tại phiên xét xử cho thấy 12 bị cáo được HĐXX xét hỏi đều xác nhận người đang làm bảo vệ, người làm thư ký, người làm nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh thì được Phạm Công Danh (tổng giám đốc của Tập đoàn Thiên Thanh) nhờ làm giám đốc các doanh nghiệp nên đồng ý.
Những người này hoặc là đã có công việc khác, hoặc là có người quen ở Tập đoàn Thiên Thanh, người là đồng hương của bị cáo Phạm Công Danh nên khi được nhờ làm giám đốc đều vui vẻ nhận lời để được hưởng mức lương lên đến 10 triệu đồng.
Thậm chí, có những người biết có công việc “giám đốc bù nhìn” tại Tập đoàn Thiên Thanh nên nhờ người quen giới thiệu vào làm giám đốc.
Những người này được nhận lương từ 5 đến 10 triệu đồng, nhưng cũng có người làm 6 tháng không nhận được đồng nào từ tập đoàn.
Lại có người không ở TP.HCM mà ở tận một tỉnh miền Trung nhưng vẫn nhận lời làm giám đốc bù nhìn cho Phạm Công Danh, khi có việc cần, giám đốc này bắt ôtô vào Tập đoàn Thiên Thanh để ký khống vào các tờ giấy trắng và không biết mục đích ký để làm gì.
Tại tòa, các bị cáo cũng thừa nhận dù nhận tiền lương giám đốc nhưng các bị cáo cũng biết công ty không có hoạt động kinh doanh gì, toàn bộ giấy tờ, con dấu, hồ sơ đều do công ty nắm giữ. Khi giám đốc cần thì gọi lên để ký vào giấy tờ thì ký chứ có người không nắm rõ việc ký này là những loại giấy tờ gì và để làm gì.
Thậm chí, tại tòa có bị cáo còn khai rằng thấy Tập đoàn Thiên Thanh có nghề làm giám đốc đã tìm cách “xin” được làm giám đốc bù nhìn để được hưởng lương.
Khi cả hai vợ chồng cùng làm giám đốc
Đặc biệt, trong số 12 người nhận lời làm giám đốc các công ty con cho Tập đoàn Thiên Thanh thì có đến 2 cặp vợ chồng cùng tham gia làm giám đốc “bù nhìn” và bây giờ ra tòa làm bị cáo thật.
Đó là vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh (giám đốc Công ty Thịnh Quốc) và Hồ Thị Đi (28 tuổi, ngụ Quảng Ngãi; giám đốc Công ty TNHH MTV TMDVXD Hương Việt). Hai bị cáo này liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền bị thất thoát khỏi VNCB là 720 tỉ đồng (trong đó bị cáo Thịnh ký hồ sơ vay 370 tỉ đồng; Hồ Thị Đi ký hợp đồng vay của VNCB số tiền là 350 tỉ đồng).
Tại tòa, Thịnh khai dù mình không phải là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng được vợ giới thiệu nên Nguyễn Thị Quỳnh Trang, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, liên hệ với Thịnh đề nghị Thịnh làm giám đốc để vay tiền. Thịnh nói rằng thấy vợ làm ở tập đoàn nên tin tưởng tham gia làm.
Ngoài vợ chồng Nguyễn Quốc Thịnh và Hồ Thị Đi, còn có 1 cặp vợ chồng nữa cùng làm giám đốc bù nhìn và cùng xuất hiện tại tòa với vai trò bị cáo trong vụ án này đó là Nguyễn An Vinh (45 tuổi ngụ, P. Bình Trưng Đông, Q. 2, TP.HCM, GĐ Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh) và Bùi Thị Hà Thu (46 tuổi ngụ P. Bình Trưng Đông, Q. 2, TP.HCM, GĐ Công ty TNHH MTV TMDV Đại Hoàng Phương).
Hai vợ chồng bị cáo này chịu trách nhiệm việc giúp Phạm Công Danh rút của VNCB 700 tỷ đồng (trong đó An Vinh ký hợp đồng vay tiền của VNCB là 420 tỷ; Hà Thu làm hợp đồng vay để rút 280 tỉ đồng).
Tại tòa, bị cáo Vinh nói vốn không có quan hệ gì với bị cáo Danh, và cũng không phải là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Bản thân Vinh là họa sĩ, nên khi được nhờ làm giám đốc thì cứ vô tư nhận giúp chứ không nghĩ gì đến quyền lợi của mình được hưởng.
Tiếp tục yêu cầu nhóm Trần Ngọc Bích có mặt tại phiên tòa Trước đó, trong phần thẩm vấn của đại diện VKS đối với nhóm của bà Trần Ngọc Bích thì nhóm này cử người đại diện đến tòa. Khi VKS hỏi một số nội dung thì người đại diện không trả lời được. Do đó, HĐXX tiếp tục yêu cầu ngày mai, 27-7, nhóm bà Bích buộc phải có mặt tại phiên tòa để cho VKS thẩm vấn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận