Hai bị cáo Phan Thế Thượng và Trần Văn Giang (phải) tại phiên toà sơ thẩm - Ảnh: A LỘC
Lái tàu chính Phan Thế Thượng (64 tuổi, ngụ ở Đồng Nai) bị xét xử về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Còn phụ lái Trần Văn Giang (37 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị xét xử tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.
Theo cáo trạng, bị cáo Thượng biết rõ tàu kéo số hiệu SG-3745 không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không bố trí định biên thuyền viên theo quy định và cũng biết bị cáo Giang không có bằng thuyền trưởng nhưng vẫn giao cho Giang điều khiển tàu kéo để kéo sà lan chở cát từ sông Cổ Chiên (tỉnh Trà Vinh) đến sông Đồng Nai.
Ngày 20-3-2016, Giang đẩy sà lan chở cát đến khu vực cầu Ghềnh (TP Biên Hòa), gặp thủy triều đang lên, nước đang chảy xoáy nên đã để thành sà lan bên trái va vào mặt ngoài trụ cầu số 2. Hậu quả làm cầu Ghềnh bị sập, gây thiệt hại tổng cộng về tài sản tổng trị giá trên 21,7 tỉ đồng.
Luật sư bào chữa cho rằng việc định giá tài sản chưa đúng quy định - Ảnh: A LỘC
Tại phiên toà, đại diện hội đồng định giá tài sản tỉnh Đồng Nai cho rằng kết luận định giá tài sản bị thiệt hại năm 2016 đúng quy định và không cần thẩm định lại.
Tuy nhiên, khi luật sư bào chữa cho bị cáo hỏi dựa vào đâu để có con số chính xác đến từng đồng, vị đại diện hội đồng định giá tài sản cho biết dựa vào hồ sơ sổ sách của Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, do cơ quan điều tra cung cấp.
Tuy nhiên, đại diện hội đồng định giá thừa nhận có sự "nhầm lẫn" trong kết luận định giá giữa "mức giá thị trường" trong kết luận với mức giá từ sổ sách.
Sau phần xét hỏi, Hội đồng xét xử thông báo cần thời gian để xem xét biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo và vấn đề định giá tài sản nên phiên tòa tạm nghỉ, đến 8h sáng mai sẽ tiếp tục xét xử.
Đại diện hội đồng định giá tài sản tỉnh Đồng Nai thừa nhận có sự nhầm lẫn trong kết luận giám định tài sản - Ảnh: A LỘC
Đây là lần thứ 3 vụ án này được đưa ra xét xử.
Trước đó, ngày 14-11-2017, TAND TP Biên Hòa mở phiên tòa xét xử nhưng đã trả hồ sơ để làm rõ giá trị thiệt hại của cầu Ghềnh và mối quan hệ tài sản của các đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, sau đó Viện kiểm sát đã có văn bản trả lời tòa không cần điều tra bổ sung, vẫn giữ nguyên mức thiệt hại hơn 21,7 tỉ đồng như giám định để làm cơ sở cáo buộc trách nhiệm hai bị cáo.
Đến ngày 28-2-2018, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 nhưng tiếp tục hoãn vì giám định viên đã giám định giá trị thiệt hại vụ sập cầu Ghềnh vắng mặt và các công ty được xác định bị thiệt hại trong vụ việc này cấp giấy ủy quyền cho người tham gia phiên tòa chưa đúng pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận