Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng 15-8. Ảnh - Hồng Nguyên |
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rất dễ bắt gặp hình ảnh phụ huynh và thí sinh cùng ngồi xuống cân nhắc và trò chuyện rất lâu trước khi quyết định nộp, rút hay đi về. Thí sinh Lê Thị Thanh (Bình Chuẩn, Bình Dương) cùng cha ngồi chần chừ trước cửa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tay cầm bộ hồ sơ với điểm 31.75 khối A (đã nhân hệ số) và nguyện vọng vào ngành sư phạm hóa, Thanh lưỡng lự không dám nộp.
Xóa bớt nguyện vọng vì sợ... trúng tuyển
Ngày 1-8 hai cha con đã cùng nhau đi lên TP.HCM dạo quanh các trường dạy sư phạm rồi lại trở về vì còn lo ngại. Hai tuần ở nhà, Thanh đều thất vọng vì theo số lượng hồ sơ lớn, điểm xét tuyển tăng vọt từng ngày.
“Em muốn được học ngành mình yêu thích trong ngôi trường mình yêu thích. Em đã cố gắng rất nhiều trong kì thi để theo đuổi đam mê của mình. Nhưng bây giờ em chỉ cảm thấy hoang mang. Em không muốn học ngành mà em không hứng thú, trường mà em không yêu thích”, Thanh chia sẻ.
Chạy lòng vòng xét tuyển Sáng 14-8, khá đông thí sinh đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng để nộp hồ sơ xét tuyển. Một phụ huynh và con gái (quê Bình Định) ra Đà Nẵng rút hồ sơ rồi bắt xe vào TP.HCM để nộp. Đến nơi, hai cha con phải thuê nhà nghỉ ở mấy hôm, rồi mượn xe máy của người quen để đưa thí sinh đi nộp hồ sơ. Lúc đầu, thí sinh tính nộp hồ sơ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) nhưng sau khi nghe ngóng điểm, thí sinh chuyển qua nộp tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. “Tôi đi cực lắm, hồi ra Đà Nẵng, xe ôm không biết đường thì chở đi lung tung, ăn uống thì gặp chỗ nào ăn chỗ đó. Cực cũng đành chịu thôi, nó là đứa con đầu nên tôi phải lo được đâu thì hay tới đó, phụ thuộc con bé chứ tôi thì không biết gì về mạng hay nộp hồ sơ” – phụ huynh này nói. |
Sau một buổi băn khoăn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hai cha con lại lên xe máy dạo quanh các trường đại học ở TP.HCM, chưa ai quyết định điều gì chắc chắn.
Thí sinh Trần Thanh Bảo lại đến Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM đăng ký thêm nguyện vọng với hy vọng được học trường này. “Rút thì tiếc vì em rất thích học Ngoại thương, nhưng điểm này không thể đậu ngành kinh tế đối ngoại được nên em bổ sung thêm hai nguyện vọng còn lại của trường vào nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Hy vọng em đậu”, Bảo cho biết.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, rất nhiều thí sinh nằm ở nhóm dưới cân nhắc đến đam mê của mình khi đưa ra quyết định. Thí sinh Lê Thị Ngọc Hân (Bến Tre) đến Trường ĐH Sài Gòn lặng lẽ rút hồ sơ rồi qua ở nhờ nhà người quen để suy nghĩ thêm. Hân cho biết mình không đủ điểm vượt qua điểm xét tuyển dự kiến của trường.
“Một số trường tư chỉ xét học bạ, một số trường công có điểm xét tuyển rất thấp, em hoàn toàn có thể đậu vào những trường đó. Nhưng chẳng lẽ em bằng mọi giá phải vào được đại học? Em sẽ nộp vào hệ cao đẳng hoặc trường cao đẳng, còn hơn là học đại học nhưng không được học ngành sư phạm. Chỉ còn 5 ngày nữa, đây là bước đường cùng rồi” – Hân quả quyết nói.
Trong khi đó, vì sợ trúng tuyển nhầm ngành, thí sinh Phạm Thị Hương (Gò Vấp) đến trường với dự định chỉnh sửa hồ sơ, xóa đi nguyện vọng 3 và 4. Hương cho biết mình cầu nguyện mỗi ngày với hy vọng trúng tuyển vào nguyện vọng 1 là quản trị kinh doanh. Thời gian trôi qua, hy vọng dần chuyển qua nỗi sợ rằng mình sẽ trúng tuyển nguyện vọng 3 và 4.
Hương nói: “Đó là hai ngành em không hề muốn học. Đáng ra em không nên ghi chúng vào. Nhưng giờ lỡ bỏ đi em lại rớt đại học thì sao? Em sẽ chờ thêm hai ngày để quyết định lại việc chỉnh sửa nguyện vọng”.
Cân não tính toán
Theo cập nhật mới nhất, điểm xét tuyển tạm thời một số ngành như cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm đã tăng so với hôm trước. PGS-TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cho biết điểm các ngành này tăng là do số thí sinh điểm cao nhưng hết cơ hội bên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) chuyển qua.
Sự dịch chuyển thí sinh ở các trường tốp đầu đang khiến cho thí sinh có mức điểm vừa phải, thậm chí là điểm cao đang rất lo lắng. Anh Nguyễn Đăng Lý co cháu thu được 27 điểm, dự tính xét tuyển vào ngành y đa khoa của Khoa Y (ĐHQG TP.HCM). “Cũng phải chờ theo dõi thêm chứ thấy điểm xét tuyển tạm thời ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM quá cao. Số thí sinh không trúng tuyển này mà nộp hết vào khoa y thì không biết điểm sẽ tăng tới mức nào” – anh Lý nói thêm.
Thí sinh đến rút hồ tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sáng 15-8. Ảnh - Hải Quân |
Theo ông Nguyễn Dũng Tuấn, trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tính đến sáng 15-8, đã có gần 2000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Phổ điểm xét tuyển tạm thời của các ngành từ 19,5 đến 24 điểm. Trong đó, cao nhất là ngành răng hàm mặt lấy 24 điểm, ngành y đa khoa 23,75 điểm, thấp nhất là xét hệ cao đẳng hộ sinh 19,5 điểm.
“Điểm xét tuyển sẽ còn nhiều biến động trong những ngày tới vì nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn còn “ém hồ sơ” đợi tới những ngày cuối mới nộp. Chiều nay trường sẽ cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển tính đến ngày 15-8 trên trang thông tin của trường”, ông Tuấn nói.
Hiện nay, điểm xét tuyển dự kiến của nhiều ngành tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, Kinh tế, Ngoại thương… rất cao. Thí sinh cần lưu ý, cùng một ngành nhưng điểm xét tuyển ở các trường rất khác nhau. Theo các chuyên gia tuyển sinh, nếu chỉ muốn học ngành mình thích, thí sinh không nên đăng ký cả bốn nguyện vọng.
Nếu không còn cơ hội vào ngành đó ở trường đầu tiên, thí sinh rút hồ sơ nộp vào trường có điểm thấp hơn. Trong trường hợp đăng ký cả bốn nguyện vọng, rất có thể thí sinh sẽ trúng tuyển vào một ngành mà mình không thích. “Bài toán hướng nghiệp không khéo bị phá sản. Thí sinh giờ chạy lung tung, chỉ lo đậu ĐH trước, nhiều khi nộp đại vào ngành nào mình có cơ hội trúng tuyển nhiều nhất “ – một phụ huynh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận