11/02/2023 10:52 GMT+7

Xét tuyển đại học 2023: Điểm học bạ 'lên hương'

Phần lớn các trường đại học đều xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT. Thậm chí chỉ tiêu cho phương thức này chiếm tỉ lệ áp đảo so với các phương thức khác.

Thí sinh trúng tuyển phương thức xét học bạ làm thủ thủ tục nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm năm 2020 - Ảnh: N.V.

Thí sinh trúng tuyển phương thức xét học bạ làm thủ thủ tục nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm năm 2020 - Ảnh: N.V.

Sau nhiều năm bỏ xét tuyển học bạ, năm nay Trường đại học Nha Trang lại quay về xét tuyển bằng phương thức này.

Trường vẫn xét tuyển bốn phương thức nhưng có điểm đáng chú ý là thay thế phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT bằng phương thức xét học bạ cho tất cả các ngành, chương trình đào tạo của trường.

Chỉ tiêu của phương thức này chiếm 40% tổng chỉ tiêu.

Chỉ tiêu xét học bạ tăng 12 lần

Như vậy, năm nay Trường ĐH Nha Trang đã quay lại phương thức tuyển sinh mà trường đã từng loại bỏ bốn năm trước. Năm 2018, trường tuyển sinh phương thức học bạ THPT với chỉ tiêu chiếm 30%.

Tuy nhiên, năm 2019 trường loại phương thức này trong đề án tuyển sinh. Phương thức này tiếp tục không được sử dụng trong các năm tiếp theo. Đến năm nay, trường đã quay lại xét tuyển bằng phương thức này và chỉ tiêu chiếm đến 40% tổng chỉ tiêu của trường.

Nhiều trường đại học khác cũng không đứng ngoài xu hướng chung khi bổ sung phương thức xét học bạ, thậm chí tăng mạnh chỉ tiêu cho phương thức này. Năm 2019, Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) xét tuyển theo bốn phương thức.

Lần đầu tiên trường này xét tuyển học bạ THPT. Trong đó, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 65%, học bạ THPT chiếm 5% tổng chỉ tiêu.

Đến năm 2020, mỗi phương thức có chỉ tiêu 35% tổng chỉ tiêu. Đến năm 2021, chỉ tiêu của hai phương thức được điều chỉnh đáng kể. Trong đó, xét điểm thi tốt nghiệp chỉ còn 20%, trong khi xét học bạ tăng lên 60%.

Như vậy, so với lần đầu tiên xét học bạ, chỉ tiêu xét học bạ của trường này tăng đến 12 lần. Tỉ lệ chỉ tiêu này được giữ nguyên cho kỳ tuyển sinh năm 2022.

Nhiều trường đại học khác cũng bổ sung phương thức xét học bạ với chỉ tiêu xét tuyển lớn. Đến năm 2019, Trường ĐH Cần Thơ chỉ xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, năm 2020 trường bổ sung phương thức xét điểm học bạ, và ngay trong năm đầu tiên, chỉ tiêu tối đa của phương thức này được ấn định ở mức 40%. Tỉ lệ này được tiếp tục trong các năm 2021 và 2022.

Năm 2019, Trường ĐH Khánh Hòa lần đầu tiên xét tuyển học bạ với 25% tổng chỉ tiêu. Năm 2020, chỉ tiêu phương thức này tăng lên 50%. Đến năm 2022, chỉ tiêu của phương thức này tăng lên 65% tổng chỉ tiêu.

Tương tự, học bạ dần trở thành phương thức xét tyển chủ đạo của Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Năm nay, trường dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Để tuyển đủ chỉ tiêu

Nhiều trường cho rằng phương thức xét tuyển học bạ tạo thêm một kênh lựa chọn cho thí sinh, đa dạng phương thức tuyển sinh của trường. Không chỉ các trường đại học, ngay cả các đại học vùng như Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế cũng đẩy mạnh xét tuyển theo phương thức này.

Các trường thành viên ĐH Đà Nẵng xét tuyển học bạ nhiều năm nay và số ngành, chỉ tiêu xét học bạ tăng từng năm. Năm 2016, ĐH Huế lần đầu tiên sử dụng phương thức xét học bạ. Từ đó đến năm 2019, phương thức này chỉ được sử dụng cho một số ngành, trường chứ không xét đại trà.

Tuy nhiên từ năm 2020, chỉ tiêu xét học bạ THPT được đại học này áp dụng cho hầu hết các ngành (trừ khối y dược và một số ngành kinh tế). Năm 2022, chỉ tiêu xét học bạ các ngành dao động từ 30 đến 60% chỉ tiêu ngành.

Trong khi đó, phương xét tuyển học bạ kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều trường sử dụng với chỉ tiêu chiếm đến 60 - 70% tổng chỉ tiêu.

Lý giải về việc tăng chỉ tiêu xét học bạ những năm qua, ông Phan Phiến - hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa - cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề, chung đáp án sẽ cho ra kết quả công bằng nhất.

Trong khi đó, học bạ mỗi trường đánh giá khác nhau, không có thang đo chung. Tuy nhiên, trong điều kiện trường mới thành lập, mức độ cạnh tranh với các trường lớn thực sự khá khó khăn, trường buộc phải sử dụng phương thức xét học bạ để có thể tuyển đủ chỉ tiêu".

Tương tự, ông Ngô Hồng Điệp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một - cho rằng việc tăng xét tuyển học bạ do đặc điểm của trường.

"Trường chúng tôi chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các trường thuộc đại học quốc gia hay các trường đại học lớn trong việc thu hút thí sinh. Hơn nữa, tâm lý học sinh vẫn thích về học tại TP.HCM hơn ở tỉnh.

Do đó, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không tăng, nếu không đa dạng phương thức sẽ khó tuyển sinh. Học bạ là phương thức giúp học sinh an tâm. Khi không trúng tuyển ở các trường đại học lớn khác, thí sinh sẽ quay về nhập học" - ông Điệp nói.

Không công bằng

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng - chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT - nhận định phương thức xét tuyển học bạ là không công bằng với các thí sinh.

"Việc xét tuyển dựa vào học bạ sẽ không công bằng khi mỗi trường đánh giá khác nhau. Nhiều trường xét học bạ học sinh trong top 200, 300 trường phổ thông có điểm thi tốt nghiệp cao nhất.

Điều này cũng không công bằng, bởi có những thí sinh giỏi nhưng lại không học ở các trường nói trên" - ông Tùng nói.

Một số trường giảm chỉ tiêu học bạ

Theo đề án tuyển sinh 2023 của nhiều trường đại học, chỉ tiêu xét học bạ năm nay ở một số trường giảm khoảng 5 đến 30% so với năm trước. Một số trường điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét học bạ như Công nghiệp thực phẩm, Công nghiệp TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Lý giải về việc giảm chỉ tiêu xét học bạ, ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết chỉ tiêu xét học bạ của trường năm nay được điều chỉnh giảm 20 - 30% vì kết quả học bạ ngày càng "ảo".

Theo ông Sơn, vì các trường xét học bạ nhiều nên trường phổ thông cũng "tích cực" nâng điểm học sinh. Có những thí sinh có điểm học bạ 8 nhưng điểm thi tốt nghiệp chỉ 4-5. Năm nay trường tăng gấp ba chỉ tiêu xét điểm đánh giá năng lực, tăng khoảng 20% chỉ tiêu cho xét điểm tốt nghiệp THPT.

Cử tri kiến nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, Bộ nói gì?Cử tri kiến nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, Bộ nói gì?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, các trường THPT phải có trách nhiệm đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp