Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế lấy mẫu máu xét nghiệm nhanh COVID-19 - Ảnh: H.ĐỨC
- Việc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh COVID-19 giúp phát hiện nhanh những trường hợp nghi ngờ, giúp cơ sở y tế dễ dàng kiểm soát và có phương án phòng dịch kịp thời. Kết quả này không mang ý nghĩa khẳng định mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính là mẫu mắc COVID-19 bởi để khẳng định thì cần phải qua nhiều lần xét nghiệm bằng phương pháp PCR (xét nghiệm ARN).
Thông thường, khi virus xâm nhập, cơ thể sẽ tạo ra một loại kháng thể để kháng lại con virus này. Phương pháp xét nghiệm nhanh bằng cách lấy mẫu máu để phân tích xem trong cơ thể người được lấy mẫu có kháng thể chống lại COVID-19 hay không. Nếu kết quả dương tính, người này sẽ được cách ly để tiếp tục lấy mẫu hầu họng đưa đi xét nghiệm bằng phương pháp PCR.
* Vì sao có người xét nghiệm nhanh lần đầu cho kết quả âm tính nhưng vẫn bị cách ly tập trung?
- Hiện nay chúng tôi cho triển khai xét nghiệm nhanh với những người đi từ vùng dịch về hay tiếp xúc với người bị bệnh. Có những trường hợp xét nghiệm nhanh lần đầu cho kết quả âm tính nhưng chúng tôi vẫn cho cách ly tập trung bởi có thể có virus mới xâm nhập, cơ thể người bệnh chưa sinh ra kháng thể nên cho kết quả âm tính. Sau 14 ngày, nếu kết quả xét nghiệm lại cho âm tính, chúng tôi mới cho phép rời khu cách ly.
Ông Hoàng Văn Đức - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế
* Tại sao trường hợp của một nữ sinh viên ở Huế cho kết quả xét nghiệm nhanh 3 lần dương tính nhưng sau khi xét nghiệm bằng PCR lại cho kết quả 2 lần âm tính, thưa ông?
- Xét nghiệm nhanh là phương pháp tìm kháng thể nên có thể trước đó người được xét nghiệm đã từng nhiễm một loại virus nào đó khiến cơ thể sinh ra kháng thể khá tương đồng với kháng thể chống COVID-19. Chính vì vậy đã cho kết quả dương tính (trường hợp này gọi là dương tính giả). Tuy nhiên tỉ lệ này rất thấp. Vì vậy xét nghiệm nhanh chỉ là phương pháp phân loại người có nguy cơ nhiễm chứ không phải khẳng định.
Độ chính xác của kỹ thuật xét nghiệm nhanh còn phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng mẫu bệnh phẩm và kỹ thuật của xét nghiệm viên. Vậy nên dù có thông tin kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 cho dương tính mọi người cũng đừng hoang mang bởi vì còn phải qua nhiều khâu xét nghiệm khẳng định tiếp sau đó nữa.
Thừa Thiên Huế chưa ghi nhận ca nào nhiễm COVID-19. Nhưng dư luận đã lo lắng trước những thông tin có nhiều ca xét nghiệm nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính. Trong khi đó, Quảng Nam đã yêu cầu ngưng xét nghiệm nhanh vì phương pháp này không phù hợp với thực tế dịch bệnh địa phương.
Thừa Thiên Huế: thêm một hệ thống máy xét nghiệm PCR
Theo ông Hoàng Văn Đức, toàn tỉnh có 23 đội phản ứng nhanh, túc trực 24/24 giờ để thực hiện việc lấy mẫu, khử khuẩn, truy vết các F... trên địa bàn. Trung tâm cũng đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm nhanh cho các trung tâm y tế, bệnh viện.
Trung tâm vừa được một doanh nghiệp trên địa bàn cho mượn một hệ thống máy xét nghiệm PCR nhằm "chia lửa" với Bệnh viện Trung ương Huế trong việc xét nghiệm COVID-19.
Quảng Nam ngưng test nhanh
Ngày 4-8, Sở Y tế Quảng Nam có công văn gửi ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc không sử dụng test nhanh phát hiện COVID-19 trong cộng đồng.
Theo ông Mai Văn Mười - phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, căn cứ kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam ngày 3-8, việc triển khai test nhanh tìm kháng thể với virus corona trong sàng lọc phát hiện COVID-19 chưa phù hợp với thực tế dịch bệnh ở tỉnh này, do kết quả xét nghiệm có trường hợp âm tính giả, dương tính giả.
Trước đó ngày 3-8, Sở Y tế Hà Nội cũng báo cáo các quận huyện đã test nhanh COVID-19 cho 70.689 trường hợp, ghi nhận 12 trường hợp dương tính qua test nhanh, sau đó xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, cả 12 trường hợp đều âm tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận