13/03/2019 09:14 GMT+7

Xét lại tốt nghiệp THPT, kết quả tuyển sinh các thí sinh vụ gian lận điểm

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả điểm chấm thẩm định, coi kết quả này là điểm chính thức của kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT.

Xét lại tốt nghiệp THPT, kết quả tuyển sinh các thí sinh vụ gian lận điểm - Ảnh 1.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can thơi điểm khởi tố vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình - Ảnh: THÂN HOÀNG

Ngay sau khi thông tin điều tra về vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình được công bố, ngày 12-3 ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đã có buổi trao đổi với báo chí một số vấn đề dư luận quan tâm.

Ông Mai Văn Trinh cho biết: 140 bài thi của 64 thí sinh đã được xác nhận có can thiệp sửa điểm, cụ thể là sửa tăng điểm. Bài thi tăng nhiều nhất là 9,25 điểm. Bài thi có tổng điểm ba môn thi được sửa tăng nhiều nhất là 26,45 điểm. Điều này cho thấy việc vi phạm rất nghiêm trọng.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả điểm chấm thẩm định, coi kết quả này là điểm chính thức của kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các trường đại học xem xét lại kết quả tuyển sinh đối với những thí sinh có liên quan.

Tuyển bổ sung là việc của các trường

Ông Trinh cho biết Sở GD-ĐT Hòa Bình sau khi cập nhật, dựa vào dữ liệu điểm mới để xét tốt nghiệp THPT thì có trách nhiệm chuyển dữ liệu lên hệ thống thi quốc gia. Bộ GD-ĐT cũng có công văn gửi đến Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở đào tạo để nắm thông tin, rà soát và xử lý theo đúng quy định. 

Về 64 thí sinh đã đăng ký dự tuyển sinh vào các trường, ông Trinh cho biết hiện tại Bộ GD-ĐT không cập nhật chi tiết mà chỉ thông tin xử lý về mặt nguyên tắc. Nhưng chắc chắn Sở GD-ĐT Hòa Bình sau khi xử lý sẽ phải báo cáo cụ thể về bộ.

Ông Trinh khẳng định số thí sinh được nâng điểm để đậu đại học xem như những người "ngồi nhầm chỗ", chiếm chỗ của những thí sinh khác. Trong thời gian qua Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an để nỗ lực làm sáng tỏ, cũng là để trả lại công bằng cho thí sinh cả nước. Còn việc có tuyển bổ sung sau khi những người "ngồi nhầm chỗ" phải dừng học lại là quyền tự chủ trong tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo.

Bài học để "lấp kẽ hở"

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhưng sau khi có kết luận của công an từ Hòa Bình, tường minh hơn về các thủ đoạn gian lận, theo ông Trinh, sẽ giúp Bộ GD-ĐT đánh giá lại một lần nữa toàn bộ các khâu tổ chức kỳ thi. 

Năm 2019, bộ sẽ tăng cường các giải pháp chống gian lận ở tất cả các khâu. Việc túi đựng bài thi mở bằng dao rọc giấy ở Hòa Bình, ông Trinh nói năm nay bộ sẽ sử dụng một loại tem niêm phong rất mỏng, chỉ dán một lần, nếu bóc ra sẽ rách. Trên tem có chữ ký của những người có trách nhiệm và sau cùng phủ lớp keo trong lên. Vì thế sẽ khó có thể bóc tem mà không phát hiện được.

Cùng với các biện pháp kỹ thuật, năm nay phần mềm chấm thi đã được điều chỉnh, cải tiến. Tất cả file dữ liệu đều được mã hóa, tiến hành làm phách điện tử cho các bài thi trắc nghiệm. Việc can thiệp trong quá trình chấm đều để lại dấu vết. 

Việc chấm tự luận cũng chặt chẽ hơn ở khâu làm phách, phải cách ly hoàn toàn, tăng cường chấm kiểm tra, ngoài chấm 5% bài thi ngẫu nhiên sẽ chấm các bài thi điểm cao trong mỗi hội đồng.

"Tôi có thể khẳng định với giải pháp kỹ thuật thì hoàn toàn có thể kiểm soát tiêu cực. Tuy nhiên nó không có nghĩa là sẽ không có tiêu cực xảy ra nếu con người tham gia quy trình này cố tình vi phạm. Vì thế, phải đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương. Họ là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực trong kỳ thi" - ông Trinh nhận định.

Thiệt thòi nhất lại là những thí sinh được nâng điểm

"Tôi cho rằng đối tượng bị thiệt thòi nhất trong vụ gian lận thi cử năm qua chính là những thí sinh được can thiệp nâng điểm. Vì những sai phạm cuối cùng cũng được làm rõ, các thí sinh này không chỉ bị dừng học mà phải chịu những tổn thất tinh thần nặng nề. Việc công bố xử lý gian lận ở Hòa Bình trước mùa thi mới cũng là một thông điệp gửi đến các bậc phụ huynh, những người tham gia kỳ thi sắp tới để phải cân nhắc, dừng lại nếu xuất hiện ý định vi phạm" - ông Trinh bày tỏ quan điểm của mình.

"Dư âm của tiêu cực thi cử năm 2018 có thể tác động đến tâm lý của thí sinh sắp bước vào kỳ thi năm nay, ông có chia sẻ gì với các thí sinh?". Trả lời câu hỏi này, ông Trinh cho biết năm nay Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ hết mức bằng cách công bố đề thi minh họa sớm hơn so với các năm trước. Các trường, học sinh căn cứ vào đó để ôn tập và tốt nhất là nỗ lực bằng thực lực của mình. Năm nay Bộ GD-ĐT cũng kết hợp với Bộ Công an tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia kỳ thi để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Vụ gian lận thi THPT quốc gia: sẽ trả về điểm thi thật

TTO - Một cán bộ có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cho biết trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia vừa qua, sẽ phải làm rõ điểm gốc bài thi và điểm sửa để trả về điểm thi thật cho thí sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp