05/04/2018 11:17 GMT+7

Xét GS, PGS: Sẽ kiểm điểm trường xác nhận sai giờ giảng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, dự kiến Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường ĐH xác nhận sai giờ giảng cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải chấn chỉnh, kiểm điểm nghiêm túc và báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT.

Xét giáo sư, phó giáo sư:  Sẽ kiểm điểm trường xác nhận sai giờ giảng - Ảnh 1.

Một buổi trao chứng nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư - Ảnh: Nguyễn Khánh

Mặt khác, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng sẽ có văn bản gửi đến các hội đồng chức danh giáo sư cơ sở yêu cầu rút kinh nghiệm sau "lùm xùm" của đợt xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

"Nhắm mắt ký bừa"

Nhiều ứng viên bị loại có xác nhận giờ giảng. Nhưng khi thanh tra Bộ GD-ĐT đến tận nơi truy xuất thì không đủ, hoặc thậm chí không có "dấu vết" nào của việc giảng dạy. GS Đinh Văn Sơn - chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế - cho rằng hội đồng cơ sở là nơi hiểu ứng viên nhất, cũng là nơi ký giấy tờ minh chứng giờ giảng cho ứng viên phải đảm bảo sự trung thực trong hồ sơ của từng ứng viên.

Có hiệu trưởng cho rằng mình ở cấp quản lý cao nhất nên khó kiểm soát được cụ thể toàn bộ giảng viên thỉnh giảng của bao nhiêu bộ môn, xem họ có dạy không, dạy cho lớp nào, môn nào, giai đoạn nào, thời khóa biểu ra sao... Chia sẻ về điều này, ông Sơn cho rằng hiệu trưởng có thể không biết tường tận từng giờ giảng. Nhưng trước khi đặt bút ký xác nhận thì phải yêu cầu đủ minh chứng của việc giảng dạy, chứ không thể nhắm mắt ký bừa. "Khi đã ký thì phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình" - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng cho biết quy định đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư phải có tối thiểu 50% giờ giảng lý thuyết trên lớp. Còn 50% có thể quy đổi từ các công việc chuyên môn khác. Do đó, cơ sở đào tạo không thể nói ứng viên dù không giảng dạy trên lớp, nhưng tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh nên cơ sở xác nhận đó là giờ giảng được. Kể cả ứng viên có là trưởng khoa, hiệu trưởng tại một cơ sở đào tạo mà không trực tiếp tham gia giảng dạy thì cũng không đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng - cho biết thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đã về trường để thẩm tra hồ sơ giảng dạy của một số ứng viên ngành y. Tuy nhiên, nhà trường đã lưu được đầy đủ minh chứng cho các ứng viên có xác nhận giờ giảng tại trường.

"Tại trường, mỗi giảng viên kiêm chức chỉ giảng 10-20 giờ giảng/năm. Người nào nhiều cũng chỉ giảng 30-40 giờ giảng/năm. Vì vậy, tiền thanh toán thù lao không nhiều. Ví dụ 50 giờ giảng mới được 2 triệu đồng nên trường ủy quyền cho khoa thanh toán. Tuy nhiên, qua rà soát lần này các trường phải thực hiện nghiêm quy định về hợp đồng, thanh lý hợp đồng, đã giảng dạy là phải có thanh toán nghiêm túc" - ông Khải nói.

Xét giáo sư, phó giáo sư:  Sẽ kiểm điểm trường xác nhận sai giờ giảng - Ảnh 2.

Ảnh: TT

Cơ sở đào tạo "nhận lỗi"

Trong danh sách 41 ứng viên bị loại, có một số trường hợp khi bị xác minh giờ giảng tại một viện đã gặp "sự cố" vì thiếu các minh chứng thực giảng về hợp đồng, thanh lý hợp đồng giảng dạy.

Theo quy định, trong hồ sơ của ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc đối tượng thỉnh giảng phải có "hợp đồng thỉnh giảng, bản nhận xét của thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH về kết quả đào tạo hoặc bản thanh lý hợp đồng thỉnh giảng". Vậy lý do nào khiến ứng viên khai có giờ giảng tại viện này nhưng lại không có những minh chứng đi kèm theo quy định để chứng minh thực giảng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo viện cho biết dù có chức năng đào tạo nhưng viện có nhiều điểm đặc thù khác biệt so với trường ĐH. Theo đó, viện không đào tạo bậc ĐH mà chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ. Số nghiên cứu sinh hằng năm không nhiều, số giờ giảng trên lớp cũng rất ít.

Với ứng viên là giảng viên thỉnh giảng tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, viện có quyết định giao nhiệm vụ hướng dẫn. Tuy nhiên, công việc hướng dẫn nghiên cứu sinh không giảng dạy trực tiếp trên lớp nên viện không làm hợp đồng với giảng viên thỉnh giảng. Do đó, cũng không có thanh lý hợp đồng.

"Điều này không chỉ xảy ra tại viện mà còn diễn ra ở các cơ sở đào tạo khác. Bản thân tôi cũng đi hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trường ĐH khác, nhưng cũng không có hợp đồng giảng dạy. Điều đáng nói là bất cập này không phải chỉ phát sinh ở năm nay. Các năm trước, những ứng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh tại viện cũng không có hợp đồng giảng dạy, nhưng vẫn được hội đồng tính đủ thâm niên, số giờ giảng bởi đã có quyết định hướng dẫn nghiên cứu sinh và xác nhận giờ giảng" - vị này nói.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận cơ sở đào tạo "có lỗi" và cần rút kinh nghiệm trong việc này, đảm bảo quyền lợi cho giảng viên thỉnh giảng. Đồng thời tuân thủ đúng các nguyên tắc trong ký hợp đồng, thanh lý hợp đồng, cũng như việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên...

Sẽ công khai hồ sơ ứng viên trên mạng

ga

GS Bùi Văn Ga - Ảnh: Nam Trần

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Bùi Văn Ga - phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - cho biết trong quyết định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sửa đổi sắp tới sẽ có nhiều thay đổi nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng nơi nếu để xảy ra sai sót.

Quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu ứng viên chịu trách nhiệm về hồ sơ của mình mà chưa rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo nếu xác nhận sai về giờ giảng. Còn quy định sắp ban hành sẽ quy rõ trách nhiệm, nếu cơ sở giáo dục cố tình xác nhận sai sẽ chịu chế tài cụ thể, nghiêm khắc.

Đặc biệt, từ đợt xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tới đây, lần đầu tiên hồ sơ các ứng viên sẽ bắt buộc phải được các hội đồng cơ sở công khai trên mạng. Sau đó, khi hội đồng ngành xét duyệt xong cũng sẽ phải công khai kết quả trên mạng trong 15 ngày trước khi trình kết quả lên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước họp để xét duyệt.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp