24/10/2023 10:54 GMT+7

Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư: Cần xây dựng văn hóa liêm chính

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT).

Một buổi trao chứng nhận đạt chuẩn GS, PGS - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một buổi trao chứng nhận đạt chuẩn GS, PGS - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Vấn đề được dư luận, đặc biệt trong cộng đồng giáo dục đại học quan tâm và tạo nên những luồng ý kiến tranh luận là việc ai nên có thẩm quyền xác thực, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS).

Ý kiến đầu tiên cho rằng nên giảm bớt vai trò của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cũng như các hội đồng ngành, liên ngành để giao lại nhiệm vụ xác thực và công nhận ứng viên GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học. 

Còn ý kiến thứ hai là vẫn nên để tổ chức quá trình xét duyệt và công nhận những chức danh này như cũ nhưng cần có cải thiện những điểm chưa hợp lý trong các quy định liên quan.

Cấp nào xét duyệt và công nhận chức danh GS, PGS thì điều cần thiết là trong mỗi ứng viên, thành viên các hội đồng, các cơ sở giáo dục đại học phải tôn trọng nguyên tắc liêm chính và hình thành cho được văn hóa liêm chính học thuật bền vững liên tục.

Hai luồng ý kiến xét công nhận giáo sư

Nhóm ý kiến đầu tiên cho rằng cách làm của Việt Nam không phù hợp với cách làm của thế giới về công nhận chức danh GS, PGS trong bối cảnh tự chủ của giáo dục đại học Việt Nam đã được Luật Giáo dục đại học cho phép.

Đồng thời, ý kiến này cũng cho rằng nếu để các cơ sở giáo dục đại học tự chủ xét duyệt chức danh theo tiêu chuẩn chung do Nhà nước ban hành, thì những cơ sở này sẽ chịu trách nhiệm cao hơn và đáp ứng nhu cầu của cơ sở hơn. 

Một số ứng viên GS, PGS tỏ ra lo ngại sợ phải "chạy chọt", "đi đêm" hội đồng các cấp nên động lực để đăng ký xét tuyển chức danh có phần giảm bớt. Nhưng nếu chỉ tập trung vào xét duyệt chức danh ở hội đồng cơ sở mọi việc sẽ an tâm hơn. Tất nhiên điều này mang yếu tố tâm lý của những lời đồn đại, thiếu cơ sở kiểm chứng.

Nhóm thứ hai lại cho rằng cơ sở giáo dục đại học nói chung vẫn chưa thực sự có lòng tin của công chúng vào sự liêm chính thuật. Hoạt động xác nhận tại hội đồng cơ sở không đủ tin cậy vì qua nhiều năm số ứng viên bị gạt lại ở các hội đồng cấp trên còn khá cao liên quan liêm chính trong khai báo các công trình, thành tích hoặc đạo văn... Vì thế việc duy trì cơ cấu tổ chức xét duyệt và công nhận là cần thiết.

Về mặt tâm lý, nhiều ứng viên nhận thấy họ hoàn toàn có đủ năng lực và phẩm chất để được công nhận GS, PGS nên muốn tham gia "thi đấu" nhiều vòng ở "sân đấu" cấp quốc gia sẽ vinh dự và tự hào hơn. Một điều đáng chú ý là lo ngại ứng viên là quan chức hoặc "người nhà" quan chức can thiệp vào quá trình này nếu cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ, ngành và hội đồng cơ sở, hội đồng ngành dám làm thẳng tay theo quy định.

Xây dựng văn hóa liêm chính

Dù là ở cấp nào xét duyệt và công nhận chức danh GS, PGS thì điều cần thiết là trong mỗi ứng viên, những thành viên các hội đồng và các cơ sở giáo dục đại học phải tôn trọng nguyên tắc liêm chính và hình thành cho được văn hóa liêm chính học thuật bền vững liên tục.

Văn hóa liêm chính học thuật phản ánh các giá trị (đạo đức học thuật), chuẩn mực, ý thức, hành vi... trong một cơ sở giáo dục đại học. Đây là nền tảng hình thành sự trung thực, công bằng và hành vi đạo đức trong mọi khía cạnh của đời sống học tập và nghiên cứu khoa học. 

Văn hóa này cần cam kết việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao, duy trì sự tin cậy và ngăn chặn các hành vi sai trái như gian lận, đạo văn hoặc bất kỳ hình thức không trung thực nào trong tất cả hoạt động dạy, học, nghiên cứu.

Hiện tại khá nhiều trường đại học ở nước ta, khái niệm văn hóa liêm chính trong hoạt động dạy, học và nghiên cứu khoa học còn "xa xỉ'. Điều này gây ra sự mất lòng tin của công chúng vào văn bằng, chứng chỉ, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Việc tham khảo kinh nghiệm các nước khác hoặc các chuyên gia là cần thiết, song không ai hiểu mình bằng chính mình từ ứng viên đến cơ sở giáo dục đại học.

Do vậy điều kiện cần thiết và tất yếu là cơ sở giáo dục đại học cần tạo dựng, phát triển văn hóa liêm chính học thuật liên tục bền vững để có thể tự chủ nhiều hơn trong mọi hoạt động, kể cả việc xét duyệt công nhận chức danh GS, PGS. 

Thiếu nền tảng văn hóa này nó sẽ làm cho mọi thể chế dù thiết lập tốt đến mấy cũng bị méo mó, kém hiệu lực vì bên cạnh thể chế chính thức luôn đi kèm một thể chế "phi chính thức" chịu ảnh hưởng vô cùng lớn của văn hóa, đặc biệt là văn hóa tổ chức của cơ sở giáo dục đại học.

Nỗ lực của các bên liên quan

Việc quy định chuyển đổi nhiệm vụ, cơ chế xét duyệt, công nhận chức danh là công việc không khó khăn khi chỉ việc sửa lại các quy định. Nhưng trong thực tế lại rất thách thức và rủi ro, rồi dư luận vẫn có thể ồn ào. Nguyên nhân là do thiếu văn hóa liêm chính học thuật. Văn hóa này đòi hỏi rất nhiều thời gian không "đốt cháy giai đoạn" được, rất cần nỗ lực liên tục của các bên liên quan và của xã hội nói chung.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Loạt bài "Gian dối trong công bố bài báo quốc tế" của ứng viên GS, PGS trên báo Tuổi Trẻ thu hút sự quan tâm, bàn luận của bạn đọc. Mong muốn nhận thêm ý kiến, gợi mở giải pháp xung quanh việc xét duyệt GS, PGS, báo Tuổi Trẻ mở Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?". Bài tham gia diễn đàn gửi về [email protected].

Diễn đàn "Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?": Cần tham khảo thông lệ quốc tếDiễn đàn 'Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên ra sao?': Cần tham khảo thông lệ quốc tế

Thông lệ đều thừa nhận rằng GS (professor) là thứ bậc (rank) cao nhất của giảng viên đại học nói chung và để đạt được thứ bậc cao nhất này cần phải có sự nỗ lực vượt bậc của cá nhân các giảng viên trong thời gian nhất định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp