Từ 8g sáng 7-7 phòng tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã hết số thứ tự cho phụ huynh có nhu cầu tiêm phòng cho trẻ - Ảnh: Việt Dũng |
Văcxin 5 trong 1 dịch vụ mới có lại sau hơn một tháng hết sạch nên phụ huynh đến đây xếp hàng từ 5g sáng.
Ngoài cổng phòng tiêm, ông Nguyễn Mạnh Hùng ở đường Trường Chinh, Hà Nội mệt mỏi cho biết con gái đã lên xếp hàng lấy số thứ tự từ 5g sáng, ai ngờ đã có 47 người đến trước rồi.
Nhưng gia đình ông Hùng vẫn may mắn trong số khoảng 400 gia đình đã đến xếp hàng tiêm chủng ở cơ sở này sáng qua. Chị Lê Thị Minh ở Phố Huế ẵm con trai 8 tháng tuổi đến từ 6g sáng, xếp hàng đến lượt thì hết số thứ tự, 10g chị và con trai quay lại theo hẹn thì lại được hẹn 13g quay lại lần nữa.
Tình cảnh hỗn loạn vì văcxin đã diễn ra từ thứ bảy (5-7) khi các cơ sở tiêm chủng lớn trong TP Hà Nội bắt đầu được cung cấp văcxin 5 trong 1. Trung bình mỗi ngày khoảng 400 gia đình đến xếp hàng chen chúc tại hai phòng tiêm chủng lớn ở Nguyễn Chí Thanh và Lò Đúc, còn cơ sở tiêm chủng của Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 trên phố Nguyễn Khánh Toàn mới bắt đầu tiêm văcxin 5 trong 1 từ 7-7, nhưng đồng loạt chỉ 8g sáng là các phòng tiêm đều hết số thứ tự, có nơi buộc phải đóng cổng sắt để ngăn cha mẹ đang bế trẻ ùn ùn kéo đến.
Bà Đặng Hồng Thúy - giám đốc Công ty TNHH tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy, nhà cung cấp văcxin 5 trong 1 lớn ở khu vực phía Bắc - cho hay lần này dù rất cố gắng, công ty cũng chỉ nhập khẩu được 11.000 liều văcxin 5 trong 1, và nhanh nhất là đầu tháng 8 sẽ có thêm khoảng 10.000 liều 5 trong 1 ra thị trường. “Những cơ sở có chỉ đạo tuyến như cơ sở tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thì được cung cấp nhiều hơn, còn có trung tâm y tế dự phòng có khi chỉ được vài chục ngàn liều. Sau đợt văcxin tháng 8 thì tháng 9 tới cả văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 đều về đủ nhu cầu, lúc đó có thể giảm được áp lực”- bà Thúy cho biết.
Mọi sự khó khăn, bất tiện, khổ sở vì thiếu văcxin do nước đến chân mới nhảy đều có căn nguyên: các trung tâm y tế dự phòng không hề có bất kỳ một dự trù nào về số lượng văcxin cần sử dụng trong năm tới, ngoại trừ những thời điểm cháy hàng như hiện nay. “Nước ngoài họ luôn làm theo kế hoạch, sản xuất - kiểm định văcxin ít nhất phải dự trù trước 6 tháng, nhưng các cơ sở tiêm chủng trong nước không có dự trù. Bình thường chúng tôi cứ ước tính để đặt hàng với nước ngoài năm sau tăng hơn năm trước 20-50%, nhưng năm nay nhu cầu tăng vọt ít nhất phải 100% so với năm trước. Ngành này là ngành phục vụ, không có dự trù từ cơ sở tiêm chủng nên nhiều lúc chúng tôi cũng phải hủy văcxin vì không sử dụng hết, văcxin hết hạn”- bà Thúy cho biết.
Việc dự báo tình hình dịch năm tới chủ yếu là theo kế hoạch và cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, còn văcxin dịch vụ vẫn để thả nổi theo nhu cầu. Quản lý văcxin là việc của Cục Quản lý dược, dự báo dịch là việc của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhưng hai cục này lại chưa triển khai cả dự báo dịch lẫn dự báo nhu cầu văcxin dịch vụ. Tình trạng thả nổi đã khiến nhiều trường hợp dở khóc dở cười. Đã đến lúc ngành y tế phải bao quát quản lý cả văcxin dịch vụ, bởi người dân đã dùng đến cả triệu mũi văcxin dịch vụ/năm!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận