PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Xếp hạng là chuyện nhạy cảm, nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng khi tham gia sân chơi chung thì phải chấp nhận chuyện đó. Nói cách khác, đây cũng là một hình thức tạo áp lực, khiến các ngân hàng phải tự hoàn thiện mình hơn
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Dự thảo thông tư về "xếp hạng ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến mới đây bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và sẽ thực hiện xếp hạng định kỳ hằng năm.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước nêu rõ là chỉ thông báo kết quả xếp hạng cho từng ngân hàng mà không công bố trên website của mình do tính chất nhạy cảm.
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói:
- Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện xếp hạng ngân hàng được nói đến mà việc này đã được xới lên rất nhiều lần trước kia nhưng không đi đến đâu. Trước dự thảo thông tư này, Ngân hàng Nhà nước từng có Quyết định số 06/2008 ban hành quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả xếp loại chính thức đối với các NH thương mại cổ phần trên website của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay việc công bố kết quả xếp hạng trên website của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa được thực hiện.
Một trong những tiêu chí xếp hạng ngân hàng là ngân hàng có quản lý tốt các dịch vụ của mình hay không (ảnh nhỏ). Ảnh lớn: trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Không công khai thì xếp hạng làm gì?
* Trên thế giới, việc xếp hạng ngân hàng có được công khai không, thưa ông?
Trên thế giới, việc xếp hạng tín nhiệm ngân hàng và công khai kết quả là một xu hướng phổ biến, là điều kiện cần thiết để minh bạch hóa thông tin cho thị trường. Kết quả xếp hạng tín nhiệm này được cập nhật thường xuyên và công bố rộng rãi cho công chúng vì qua đó sẽ cho biết nhiều khía cạnh khác nhau về "sức khỏe" của một định chế tài chính, đặc biệt là mức độ rủi ro, điều mà bất cứ người dân nào cũng quan tâm đầu tiên khi nói đến ngân hàng.
Độ rủi ro của ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh, lợi nhuận, niềm tin của công chúng dành cho ngân hàng. Người dân sẽ dựa vào mức độ rủi ro của ngân hàng để đưa ra quyết định nên lựa chọn ngân hàng nào thực hiện các giao dịch, nói nôm na là "chọn mặt gửi vàng".
Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng sẽ có sự tranh cãi mạnh nếu bảng xếp hạng này được công khai. Có thể do e ngại thông tin xếp hạng ngân hàng ảnh hưởng lớn đến thị trường nên Ngân hàng Nhà nước chỉ xếp hạng nội bộ.
Nhưng liệu Ngân hàng Nhà nước có đảm bảo rằng những thông tin này không bị rò rỉ ra bên ngoài và khi đó những tin tức hành lang, đồn đoán xung quanh mức xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng này giảm, ngân hàng kia tăng càng làm dấy lên những tâm lý hoang mang và sự bất ổn không cần thiết cho hệ thống tài chính - ngân hàng. Nếu như vậy thì xếp hạng để làm gì?
* Với tình trạng "sức khỏe" của các ngân hàng không được công khai như hiện nay đưa đến những hệ lụy gì?
- Việc ngân hàng không được xếp hạng công khai hiện nay đưa đến rất nhiều hệ lụy. Sở dĩ bấy lâu nay việc xếp hạng vốn rất cần thiết này bị bỏ quên ở Việt Nam là do tâm lý của mọi người cho rằng "ngân hàng không bao giờ phá sản" bởi có Nhà nước đảm bảo phía sau.
Một khi đã quan niệm như vậy thì xem như mức độ rủi ro của những ngân hàng có vốn điều lệ lớn và bề dày hoạt động cũng ngang với các ngân hàng nhỏ, mới thành lập. Theo đó, người gửi tiền cứ xem ngân hàng nào có lãi suất cao thì gửi với một niềm tin là nếu có việc gì xảy ra sẽ có Ngân hàng Nhà nước can thiệp và đảm bảo nên không cân nhắc giữa mức độ rủi ro với lãi suất.
Trong khi đó, có thể có tình trạng ngân hàng huy động tiền với lãi suất cao sau đó đi đầu tư vô tội vạ, cho vay các công ty sân sau... rồi khi xảy ra chuyện thì Ngân hàng Nhà nước phải ra tay can thiệp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình nợ xấu tăng cao.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Giúp các ngân hàng hoàn thiện mình
Nhu cầu của người dân muốn biết tình hình "sức khỏe" của Ngân hàng là cần thiết và chính đáng. Vậy theo ông, nên cân nhắc thế nào giữa lý do nhạy cảm và việc chấp nhận công khai để tiến hành công việc mà trước nay chưa làm được này?
- Đúng là nhu cầu của người dân về tình hình "sức khỏe" của Ngân hàng rất bức thiết, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đã trải qua nhiều cú sốc trên thị trường tài chính - ngân hàng và thông tin xếp hạng là cần thiết để họ tự thẩm định tổ chức tín dụng trước khi gửi vốn thay vì chỉ nhìn vào lãi suất huy động như hiện nay.
Ở nhiều nước, các doanh nghiệp và ngân hàng phải tốn tiền để thuê các tổ chức độc lập, có uy tín thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi muốn bán trái phiếu, phát hành cổ phần... Việc xếp hạng thường được thực hiện bởi một tổ chức chuyên về xếp hạng tín nhiệm và độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Trên thế giới có ba hãng định mức tín nhiệm hàng đầu là Standard & Poor’s, Moody’s Investor Service và Fitch Ratings.
Người dân sẽ chọn những ngân hàng, doanh nghiệp nào có thứ hạng cao để mua trái phiếu, thậm chí giá trái phiếu giao dịch trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng của sự xếp hạng.
Điều này cũng tương tự như ngân hàng xếp hạng khách hàng khi xem xét cho vay. Tất nhiên, xếp hạng là chuyện nhạy cảm, nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng khi tham gia sân chơi chung thì phải chấp nhận chuyện đó. Nói cách khác, đây cũng là một hình thức tạo áp lực, khiến các ngân hàng phải tự hoàn thiện mình hơn.
Mặt khác, không phải ngân hàng nào cũng e ngại bị xếp hạng. Những ngân hàng tốt thì việc xếp hạng như một cách củng cố uy tín, vị thế của đơn vị mình và họ muốn công bố cho khách hàng biết để khách hàng thiết lập quan hệ giao dịch.
Xếp hạng ngân hàng tốn kém rất nhiều kinh phí, thời gian, công sức. Do vậy một khi ngân hàng Nhà nước đã làm được việc có ý nghĩa to lớn này mà chỉ để "lưu hành nội bộ" thì sẽ khiến thị trường đặt câu hỏi là xếp hạng để làm gì, vì sao không công bố, có vấn đề gì không?
Theo tôi, một khi đã quyết tâm làm một việc mà từ trước đến nay chưa từng làm là xếp hạng ngân hàng thì nên công bố công khai cho công chúng, nhà đầu tư biết để họ có thể lựa chọn và an tâm khi gửi tiền của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận