
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trả lời báo chí ngày 1-4 - Ảnh: C.TUỆ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết như vậy khi thông tin tới báo chí về tình hình sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản ngày 1-4.
Mỹ, Nhật tăng nhập khẩu nông sản Việt Nam
Theo ông Tiến, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3 ước đạt 6,14 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,7 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.
Dù xuất khẩu gạo, rau quả giảm nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn đạt 8,5 tỉ USD (tăng 12%), đối với các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi đạt 131 triệu USD (tăng 18%), thủy sản đạt 2,3 tỉ USD (tăng 18%), lâm sản đạt 4,2 tỉ USD (tăng 11%)...
Theo ông Tiến, so với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang khu vực châu Á tăng 2%, châu Mỹ tăng gần 16%, châu Âu tăng 38%, châu Phi tăng 2 lần và châu Đại Dương tăng gần 1%.
Ước giá trị xuất khẩu nông lâm của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 13,5%, Trung Quốc tăng 3,6% và Nhật Bản tăng 26%.
"Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64 - 65 tỉ USD, phấn đấu 70 tỉ USD như Thủ tướng giao. Kết quả 3 tháng đầu năm cho thấy chúng ta đã có một tiền đề tương đối yên tâm", ông Tiến nói.
Dù vậy, ông Tiến cũng lưu ý rằng Mỹ đang điều chỉnh chính sách thuế và áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu.
"Trước tình hình này, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị chủ động, đặc biệt nông sản chúng ta có kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu tác động. Đó là một số mặt hàng nông sản của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam sẽ giảm thuế để xử lý một cách hài hòa cả hai chiều", ông Tiến cho biết thêm.

Táo Mỹ là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại Việt Nam - Ảnh: C.TUỆ
Giá cà phê xuất khẩu tăng hơn 70%
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 3 ước đạt 200.000 tấn với giá trị đạt 1,16 tỉ USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2025 đạt 509.000 tấn và thu về gần 2,9 tỉ USD.
Dù khối lượng xuất khẩu giảm 13% nhưng giá trị thu về lại tăng tới 50% do giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm 2024.
Đức, Ý và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 16,2%, 9,9% và 7,4%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Đức tăng 79%, thị trường Ý tăng 32%, thị trường Nhật Bản tăng 56%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở thị trường Ba Lan với mức tăng hơn 3 lần, trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm 37%.
Đối với xuất khẩu thủy sản, trong tháng 3 cũng đạt 860 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 3 tháng đầu năm nay đạt gần 2,3 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Trung Quốc tăng 76%, thị trường Nhật Bản tăng 13%, thị trường Mỹ tăng 15%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu gạo và rau quả đều giảm khi chỉ cùng đạt 1,14 tỉ USD, giảm lần lượt 20% và 11% so với cùng kỳ năm trước.
Giá gạo xuất khẩu bình quân giảm (522 USD/tấn, giảm 20%) và Trung Quốc giảm nhập rau quả (giảm 39%) là nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu hai mặt hàng này giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận