Woman in gold (đạo diễn Simon Curtis) có kinh phí 11 triệu USD và thu về 50 triệu USD, là một trong những bộ phim độc lập thành công của năm 2015 |
Sau 68 năm, bức họa nổi tiếng Portrait of Adele Bloch-Bauer I của danh họa người Áo Gustav Klimt bị Đức quốc xã đánh cắp trong Thế chiến thứ hai được trả lại cho người phụ nữ Do Thái 87 tuổi sau một cuộc chiến pháp lý dai dẳng. Đó là chủ đề của Woman in gold.
Quá khứ trả lại công bằng cho hiện tại
Bộ phim mở đầu với cảnh ra đời bức tranh chỉ trong hơn một phút, danh họa người Áo Gustav Klimt đang vẽ bức chân dung Adele Bloch-Bauer vào năm 1907, một bức tranh nạm bằng vàng lá về người phụ nữ vương giả quyền quý Adele nhưng đôi mắt không giấu được vẻ bồn chồn, lo lắng. Khi Klimt hỏi lý do, Adele đáp: “Ông biết mà. Tương lai”.
Nhanh chóng, bộ phim chuyển cảnh sang thời tương lai năm 1998 ở Los Angeles, bà Maria Altman (Helen Mirren đóng), một phụ nữ Do Thái, đang phát biểu trong đám tang người chị gái - người thân duy nhất từng chạy trốn cùng bà khỏi Đức quốc xã tại Áo trong những năm Thế chiến thứ hai.
Trong những tài sản mà người chị gái để lại, Maria phát hiện nhiều tài liệu về nỗ lực đòi lại năm bức tranh quý của Klimt, tài sản của gia đình bà trước kia bị Đức quốc xã đánh cắp và nay đang trưng bày tại Bảo tàng Belvedere ở Vienna.
Maria lúc đó đã 81 tuổi, sống một cuộc đời giản dị và vẫn tiếp tục làm việc trong một cửa hàng nhỏ do bà làm chủ, quyết định nhờ sự tư vấn của luật sư trẻ tuổi Randy Schoenberg (Ryan Reynolds đóng) về việc hoàn trả lại các tác phẩm nghệ thuật.
Điều thú vị Randy là cháu nội của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo Arnold Schoenberg, người cũng chạy trốn Đức quốc xã trong những năm nước này bị phát xít Đức chiếm đóng.
Một bà lão có một quá khứ nhiều tổn thương mất mát và một chàng luật sư trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng có thừa sự nhiệt huyết đã cùng nhau thực hiện một cuộc chiến pháp lý dai dẳng với chính quyền nước Áo trong nhiều năm liền để đòi lại những bức tranh quý, trong đó có bức Portrait of Adele Bloch-Bauer I, thời điểm đó đang trưng bày trong Bảo tàng Belvedere với tên gọi Woman in gold, được xem là “Mona Lisa của nước Áo” và được nước này coi là “báu vật quốc gia”...
Một trong những cảnh ấn tượng nhất của bộ phim là bài phát biểu của Randy trước giờ phán quyết của tòa án:
“Đây là thời khắc quá khứ phải trả lại công bằng cho hiện tại. Nhiều năm trước ở đất nước này đã xảy ra nhiều sự việc khủng khiếp, con người bị làm nhục, bị áp bức, bị giết, thậm chí cả gia đình bị tàn sát và trấn lột tài sản, việc làm cùng những thứ quý giá. Trong số đó có gia đình Bloch-Bauer. Và lúc này đây, với tư cách một người Áo, là con người, tôi đề nghị quý vị nhận ra sai lầm và sửa sai, không chỉ cho Maria mà cả cho nước Áo”.
Bộ phim 3,5 / 4 sao
Xen kẽ những chi tiết hấp dẫn về cuộc chiến pháp lý với chính quyền nước Áo là những ký ức mà Maria muốn chôn vùi bỗng sống dậy về người dì yêu quý Adele, về những năm tháng tuổi thơ yên bình và hạnh phúc trong một gia đình quyền quý và sang trọng ở Vienna, về cuộc hôn nhân với một chàng nghệ sĩ opera...
Tất cả đều sụp đổ tan tành khi Đức quốc xã chiếm đóng nước Áo và cả gia đình của Maria, như hàng triệu người Do Thái khác, phải chịu chung một số phận bi thảm không lối thoát. Qua những thước phim Maria dẫn dắt khán giả đi ngược về quá khứ để chứng kiến lại những thời khắc của lịch sử. Cuộc chiến của bà ở tuổi 81 cuối cùng cũng chỉ vì “giữ cho ký ức được sống mãi”.
Nếu ai từng theo dõi "cuộc chiến" giữa Maria và chính quyền nước Áo để đòi lại những bức tranh quý của Klimt, từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí khoảng chục năm trước, thì kịch bản của Woman in gold hơi thiếu thuyết phục vì mang tính minh họa và thậm chí một số chi tiết không đúng sự thật. Nhưng nếu bạn hoàn toàn không biết đến sự kiện này thì đây thật sự là một bộ phim lôi cuốn, đặc biệt là diễn xuất tài tình của Helen Mirren.
Tài năng làm chủ màn ảnh, sự thanh lịch và cả quyền lực của bà (dù đóng vai một bà già Do Thái 81 tuổi bình dị) trong nhiều cảnh quay khiến người xem nhớ lại vai diễn kinh điển - nữ hoàng Elizabeth trong bộ phim The queen (2006) từng mang về cho bà giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Nhà phê bình Rex Reed của tờ New York Observer, người chấm bộ phim 3,5 / 4 sao, nhận xét: “Một bộ phim cảm động, có tính giải trí pha trộn giữa sự ấm áp và hài hước trong khi vẫn dạy chúng ta đôi điều về lịch sử, luật pháp và công lý với diễn xuất tỏa sáng và kịch bản khéo léo. Có điều gì mà Helen Mirren không thể làm được?”.
Xem trailer Woman in gold |
Trên thực tế, bức tranh Portrait of Adele Bloch-Bauer sau khi được tòa án tối cao quyết định trả lại cho Maria Altman vào năm 2006, bà đã bán nó cho nhà sưu tập tranh Ronald Lauder với giá 135 triệu USD - mức giá kỷ lục cho một bức tranh và hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Neue Galerie ở New York. Số tiền đó Maria tài trợ cho một số tổ chức từ thiện và nghệ thuật, trong đó có nhà hát opera ở Los Angeles. Maria vẫn tiếp tục sống trong căn nhà nhỏ của bà và tiếp tục làm việc cho đến khi qua đời vào năm 2011, thọ 94 tuổi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận