17/09/2022 05:29 GMT+7

Xem triển lãm Baekje và Jeju, học được gì từ kinh nghiệm quảng bá di sản của Hàn Quốc

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tại Hàn Quốc, các di sản không chỉ được quảng bá như dấu tích vàng son của quá khứ mà còn được hiện diện trong đời sống hiện tại và tương lai thông qua những bộ phim, kịch, nhạc kịch, opera…

Xem triển lãm Baekje và Jeju, học được gì từ kinh nghiệm quảng bá di sản của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Trưng bày thu hút nhiều người trẻ - Ảnh: T.ĐIỂU

Hai di sản thế giới của Hàn Quốc được UNESCO vinh danh là Đảo núi lửa - hang dung nham Jeju và Quần thể di tích lịch sử Baekje đang được Trung tâm Di sản thế giới Baekje, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và tỉnh tự quản đặc biệt Jeju phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam giới thiệu tới du khách tại bảo tàng này từ nay tới 16-10.

Mang chủ đề Baekje và Jeju: Từ di sản Hàn Quốc đến di sản thế giới, sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992 - 22-12-2022).

Khu di sản Baekje có niên đại 1.400 năm với các di tích tường thành, tôn giáo tín ngưỡng Phật giáo, khu lăng mộ hoàng gia hay đảo Jeju tươi đẹp với những bằng chứng lịch sử cho thấy sự hình thành Trái đất đều được giới thiệu khá kỹ tới người xem không chỉ qua hình ảnh 2D, các thông tin cơ bản ở triển lãm.

Người xem còn được tìm hiểu thông tin sâu qua mã QR, các hiện vật được phục chế, các di tích được phục dựng 3D chiếu trên màn hình, thậm chí cả những thước phim mô phỏng việc xây dựng các lăng mộ từ hàng ngàn năm trước.

Xem triển lãm Baekje và Jeju, học được gì từ kinh nghiệm quảng bá di sản của Hàn Quốc - Ảnh 2.

Lư hương đồng mạ vàng Baekje được phục chế, trưng bày tại Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Ban tổ chức không chỉ giới thiệu sinh động về hai di sản này mà còn tổ chức nhiều hoạt động trong nhiều ngày diễn ra trưng bày nhằm quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc tới người Việt như: mặc thử trang phục truyền thống Hàn Quốc và chụp hình, làm đèn lồng hình hoa sen, thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc và xem phim của quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh và phim truyền hình rất phát triển này.

Người xem được trầm trồ trước những hiện vật phục chế tinh xảo như: lư hương đồng mạ vàng Baekje được phát hiện ở di tích chùa Neungsanri (Lăng Sơn Lý tự) ở Buyeo, giữa khu lăng mộ hoàng gia. Đây là một kiệt tác thể hiện nghệ thuật, tư tưởng và văn hóa của Baekje.

Không chỉ được tìm hiểu về hai di sản thế giới của Hàn Quốc, về văn hóa của đất nước này được giới thiệu khá sinh động, người xem còn nhận ra Hàn Quốc đầu tư thế nào cho việc quảng bá di sản, văn hóa truyền thống của mình tới bè bạn quốc tế.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Bình - trưởng Phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, các triển lãm giới thiệu di sản Việt Nam của bảo tàng này ở nước ngoài hầu hết được thực hiện bằng kinh phí tài trợ từ các nước bạn. Ngân sách trong nước dành cho các hoạt động này rất hạn chế.

Xem triển lãm Baekje và Jeju, học được gì từ kinh nghiệm quảng bá di sản của Hàn Quốc - Ảnh 3.

Trải nghiệm làm đèn lồng Hàn Quốc tại trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Tại buổi họp báo trước khai mạc trưng bày vào chiều 16-9, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, ông Gwiyoung Lee - giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Baekje Hàn Quốc - cho biết mỗi di sản thế giới ở Hàn Quốc đều có các cơ quan riêng làm nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản, tuyên truyền giá trị về di sản và đều trực thuộc Cục Di sản.

Ngoài việc quản lý các cơ quan này, Cục Di sản có nhiệm vụ xây dựng các chính sách tốt để bảo vệ và phát huy di sản. Ở cấp độ địa phương thì cũng có các cơ quan bảo vệ phát huy giá trị di sản.

Ông Gwiyoung Lee lấy ví dụ, Trung tâm Di sản thế giới Baekje là pháp nhân được thành lập bởi 5 địa phương có di sản này. Nhiệm vụ của trung tâm là tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, quảng bá về di sản như tổ chức lễ hội quảng bá để thu hút mọi người đến với di sản.

Các di sản này không chỉ được quảng bá như dấu tích vàng son của quá khứ mà còn được hiện diện trong đời sống hiện tại và tương lai. Cách của Hàn Quốc là xây dựng những bộ phim, vở kịch, tác phẩm opera, nhạc kịch để lan tỏa di sản đến gần hơn với mọi người.

20 năm giải mã Hoàng thành Thăng Long: từ ‘đống gạch vỡ’ tới di sản thế giới 20 năm giải mã Hoàng thành Thăng Long: từ ‘đống gạch vỡ’ tới di sản thế giới

TTO - Các nhà khoa học còn nhớ, những cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long, một số người đã cho rằng nó là ‘đống gạch vỡ’. Gần 10 năm sau nó được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp