Mẹ khéo léo kiểm tra điện thoại, tin nhắn của con bằng nhiều cách như kết bạn Facebook, cùng trao đổi về một bái hát, một món ăn... - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là vấn đề tranh cãi trong những ngày qua, sau khi xảy ra vụ việc các em học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa bị cô giáo chủ nhiệm đọc được nội dung nói xấu về trường, về thầy cô trong nhóm trên Facebook.
* Bà TÔ THỊ DIỄM QUYÊN (chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft):
Đừng đổ thêm dầu vào lửa
Việc học sinh nói xấu thầy cô trên trang cá nhân nên suy xét thêm vấn đề liên quan là thầy cô có như thế nào đó, trong lòng các em mới thể hiện sự không hài lòng. Tâm lý học sinh khi bị áp bức xảy ra một trong hai trường hợp: đủ dũng khí sẽ phản kháng hoặc rút lui rồi ấm ức, đem uất ức này chia sẻ với bạn bè để giải tỏa.
Cách ứng xử với học trò trên Facebook là đừng đổ thêm dầu vào lửa. Như vậy, quản lý cách ứng xử của học sinh trên mạng xã hội có thêm một cách là theo tâm lý yêu thích của các em, bởi con người làm bất cứ điều gì cũng từ 3 hình thức: ép buộc, hoặc hiểu, hoặc yêu thích.
Các em thích dùng mạng xã hội, tại sao người lớn không chọn cách như là ủng hộ sự yêu thích này của học sinh, như tổ chức cho các em những dự án, quảng cáo sản phẩm nhóm bạn trên Facebook. Nhà trường, phụ huynh không cấm, mà nên vẽ đường cho "hươu chạy", có như vậy học sinh mới dùng mạng xã hội theo hướng có lợi và văn minh.
* ThS, luật gia PHẠM VĂN CHUNG (Sở Tư pháp Kon Tum):
Coi thường thầy cô, sau này sẽ coi thường pháp luật
Có thể khẳng định việc nói xấu giáo viên sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự người thầy, tới công tác giáo dục của nhà trường. Do đó, theo tôi, việc nhà trường đuổi học một thời gian đối với các em này là hợp lý, cần thiết. Bởi học sinh đến trường thì phải chấp hành nội quy, quy chế của nhà trường. Ở đây là học sinh THPT, các em đã đủ lớn để nhận thức được hành vi của mình.
Ngược lại, nếu học sinh vi phạm quy chế, nói xấu giáo viên mà không bị xử lý, liệu thầy cô có còn dạy dỗ được chúng nữa hay không? Không bị xử lý thì học sinh khác sẽ cho rằng nói xấu thầy cô là được phép và như vậy vi phạm quy chế sẽ tràn lan.
Nguy hiểm hơn, trong học sinh sẽ hình thành tư tưởng xem thường, thách thức giáo viên, coi thường nội quy, quy chế của nhà trường. Sau này ra trường, các em sẽ coi thường, vi phạm pháp luật, là tội phạm.
Việc học sinh nói xấu thầy cô giáo là trái với truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc. Dù bất luận thế nào, tuyệt đối không nên chấp nhận hành vi đi ngược lại truyền thống đề cao, quý trọng thầy cô giáo của dân tộc ta.
* Luật sư HỨA THỊ THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần tạo thói quen cư xử chuẩn mực
Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm, chăm sóc, giáo dục... và trẻ em cũng có đầy đủ các quyền công dân của mình. Đáng tiếc tình trạng chung là xã hội ta chưa có thói quen hành xử tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân.
Cũng rất đáng tiếc là môi trường giáo dục nói chung cũng như tại các nhà trường, thói quen hành xử tôn trọng quyền riêng tư, bí mật thư tín... từ những nhà giáo cũng chưa đầy đủ, đúng mức. Trong khi đáng lẽ ra nhà trường phải là nơi ứng xử chuẩn mực nhất về tôn trọng quyền công dân của trẻ.
Thời gian qua, chỉ có một số vụ bạo hành, sử dụng bạo lực với trẻ em (có chứng cứ đầy đủ) từ nhà trường hoặc cơ sở nuôi dạy trẻ bị xử lý hình sự, răn đe thích đáng. Ngoài ra, vì nhiều lý do về thi đua, thành tích mà nhà trường còn tạo áp lực học hành, bạo hành tinh thần đối với trẻ rất nhiều nhưng khó xử lý.
Theo dõi, phát hiện trẻ nói xấu giáo viên không thể là lý do chính đáng cho hành vi vi phạm pháp luật của giáo viên. Luật chỉ cho phép trong một số trường hợp, chỉ có một số cơ quan có thẩm quyền được phép kiểm tra trẻ nhưng phải có sự chứng kiến của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ.
* Luật sư NGUYỄN THỊ BÍCH TRÂM (Đoàn luật sư TP.HCM):
Hài hòa giữa trách nhiệm giáo dục với quyền riêng tư
Nghị định 56 có quy định chặt chẽ việc tiết lộ, công bố hình ảnh thông tin, bí mật... của trẻ phải có sự đồng ý của trẻ đủ 7 tuổi và của cha mẹ, người giám hộ trẻ.
Dự thảo nghị định quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng có quy định phạt đến 50 triệu đồng về hành vi "Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em...". Nhiều hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng bị phạt đến 30 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động.
Ngay cả cha mẹ hay người giám hộ là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cũng không được phép tự ý xem điện thoại, thư tín... của trẻ. Thực tế hiện nay trẻ tiếp xúc với môi trường mạng khá sớm, vì vậy cha mẹ cũng phải có giải pháp về kỹ thuật để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.
Cha mẹ muốn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng riêng tư của trẻ để giúp đỡ, uốn nắn trẻ cũng phải tế nhị, không nên xem trộm, xem lén, mà phải xin phép trẻ cho phép xem. Muốn thế cần yêu thương, thiết lập niềm tin để trẻ cho phép.
* Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ (chi hội trưởng chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM):
Xem điện thoại và đuổi học trẻ đều sai
Quyền bí mật đời tư, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản nhất của mọi công dân, được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Quyền này được quy định trong Hiến pháp của VN. Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự qua các thời kỳ đều có quy định về bảo vệ quyền này. Luật trẻ em 2016 (điều 21) cũng có quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác...
Các học sinh lớp 10, chưa đủ 16 tuổi là trẻ em theo quy định của Luật trẻ em. Việc giáo viên lấy điện thoại xem thông tin của trẻ có hai điểm sai. Thứ nhất: điện thoại là tài sản của trẻ, nếu có quy định cấm mang điện thoại đến trường thì có thể nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng không được thu giữ. Thứ hai: lấy điện thoại để xem nội dung trong đó (hình ảnh, bí mật riêng tư, tin nhắn...) là vi phạm Hiến pháp cũng như pháp luật hình sự.
Cái sai thứ hai là việc kỷ luật đuổi học các em. Chưa cần bàn đến việc trẻ có thực sự nói xấu giáo viên hay không (nói xấu hay nói thật về cái xấu) thì việc áp dụng hình thức đuổi học là trái nguyên tắc Luật trẻ em. Khoản 3, điều 5 Luật trẻ em nêu nguyên tắc: "Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ". Đó là chưa xét đến góc độ giáo dục việc đuổi học các trẻ chỉ vì nói xấu giáo viên là phản giáo dục.
Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng việc tuổi học trò nặng suy nghĩ cảm tính, dễ bị cảm xúc chi phối, hoạt động và phát ngôn theo cảm xúc. Vì vậy, các em sử dụng Facebook cũng trong giới hạn suy nghĩ thiếu chín chắn, muốn vượt lên đám đông bằng sự giật gân, nổi trội là điều dễ hiểu. Việc uốn nắn, ngăn chặn là trách nhiệm của người lớn.
Phụ huynh phải hướng dẫn bằng sự tự nhận thức để con ý thức được đâu là tự do, để phát ngôn không ảnh hưởng, xúc phạm người khác. Nhà trường, thầy cô phải hiểu tâm lý các em, nếu không sẽ dẫn đến tâm lý răn đe hù dọa, dễ dẫn đến bạo lực, dù là bạo lực tâm lý. Từ đó học sinh sẽ tìm cách hạ bệ, bôi xấu người gây căng thẳng cho mình.
Ông Nam nhấn mạnh trên hết phải hiểu được tâm lý lứa tuổi học trò để nắn hành động, suy nghĩ của các em, dù có hàng trăm mạng xã hội đi nữa thì các em vẫn sử dụng đúng mực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận