25/11/2024 09:46 GMT+7

Xem Sân khấu về khuya phiên bản Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp

Trong Giáng Hương - Sân khấu về khuya, người nghệ sĩ buộc phải lựa chọn khi đứng giữa lằn ranh của nghệ thuật và vật chất. Nhưng trái tim hướng về thánh đường sẽ không thể quên một chân lý: Nghệ thuật cần thật và đẹp.

Xem Sân khấu về khuya phiên bản Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp - Ảnh 1.

Lĩnh Nam (Thành Lộc) và Giáng Hương (Lê Khánh) là nhân vật chính trong vở Giáng Hương - Ảnh: HỒ LAM

Sân khấu Thiên Đăng vừa tham dự Liên hoan Sân khấu TP.HCM 2024 với vở diễn Giáng Hương do NSƯT Thành Lộc đạo diễn dựa trên kịch bản Sân khấu về khuya của cố soạn giả Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu).

Giáng Hương là vở khai trương sân khấu kịch Thiên Đăng, đến nay là một trong những tác phẩm có sức sống lâu bền với hơn 50 suất diễn.

Lằn ranh giữa nghệ thuật và vật chất

Vở tuồng Sân khấu về khuya từng được dựng thành nhiều phiên bản khác nhau trong suốt 60 năm qua. Nghệ sĩ Năm Châu có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương khi vừa là kép hát, thầy tuồng giỏi nghề vừa là soạn giả mát tay.

Ông để lại nhiều vở nổi tiếng như: Duyên chị tình em, Anh hùng náo Tam môn giai, Đóa hoa rừng, Tây Thi gái nước Việt, Vợ và tình... Trong đó, Men rượu hương tình, Nợ dâu, Sân khấu về khuya là những tác phẩm kinh điển, được xem như tuyên ngôn về nghệ thuật sân khấu của ông.

Ở vở Giáng Hương, nữ chính là cô đào hát Giáng Hương (Lê Khánh) đại diện cho hình tượng người nghệ sĩ luôn đi tìm chân lý "thật và đẹp". Cô tranh đấu đến cùng để có thể dựng những vở sử Việt dù những tác phẩm này bị đánh giá là không ăn khách vì không chạy theo thời thượng và thị hiếu.

Xem Sân khấu về khuya phiên bản Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp - Ảnh 2.

Nhân vật Ba Hoài (Hữu Châu) là lời nhắc nhở về cái đạo làm nghệ thuật của người nghệ sĩ - Ảnh: HỒ LAM

Giáng Hương cũng luôn dốc lòng để có được một vai diễn sống động và thật nhất trên sân khấu dù cho có bệnh tật, khổ đau đến đâu. Ngược lại, Lĩnh Nam (Thành Lộc), người bạn đời cùng Giáng Hương xây dựng gánh hát lại có quan điểm khác.

Trong vai trò của một người thầy tuồng, khi thấy sân khấu lâm vào cảnh khó khăn, Lĩnh Nam cho rằng điều quan trọng trước nhất là cần làm sao để có lợi nhuận qua việc lôi kéo công chúng bằng những vở diễn có nội dung hợp thị hiếu.

Sự xuất hiện của Mỹ Tiên (Ngô Phương Anh), nhà tài trợ của gánh hát, đẩy mối quan hệ của Lĩnh Nam và Giáng Hương lên đến đỉnh điểm xung đột.

Nhưng Mỹ Tiên cũng chính là phép thử cho "sợi dây kết nối" trong nghệ thuật giữa người thầy tuồng Lĩnh Nam và cô đào hát Giáng Hương.

Xem Sân khấu về khuya phiên bản Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp - Ảnh 3.

Thành Lộc là đạo diễn của vở Giáng Hương - Ảnh: HỒ LAM

Chất nhạc kịch và màu sắc ước lệ

So với kịch bản gốc, vở Giáng Hương được Thành Lộc thêm vào nhiều góc nhìn mới về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng: Liệu đời tư, cuộc sống của nghệ sĩ có thuộc về khán giả, những người yêu mến họ? Nghệ sĩ và khán giả, ai mang ơn ai?...

Tuyến nhân vật phụ gây ấn tượng và xúc động mạnh là vai diễn Giáng Kiều (Trang Tuyền), con gái Giáng Hương và Lĩnh Nam; Ba Hoài (Hữu Châu), người quản gia và cũng từng là kép hát lẫy lừng trong một đại ban.

Đây là hai nhân vật có tác động sâu sắc đến quyết định của Giáng Hương ở gần cuối vở diễn. Giáng Kiều giúp khán giả hiểu hơn về gia đình, cuộc sống của một người nghệ sĩ sân khấu sau khi màn nhung đã hạ, rèm đã khép.

Xem Sân khấu về khuya phiên bản Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp - Ảnh 4.

Giáng Kiều (Trang Tuyền, trái) là nhân vật có sức tác động mạnh mẽ đến quyết định của mẹ Giáng Hương (Lê Khánh, giữa) - Ảnh: HỒ LAM

Còn Ba Hoài là nhân vật nhắc nhở người nghệ sĩ luôn luôn phải coi trọng đạo làm nghề dù cho đã ở trên đỉnh cao của danh vọng.

Vở Giáng Hương mang đậm chất nhạc kịch khi lồng ghép nhiều đoạn diễn, hát, múa cùng nhạc.

Để phù hợp với tiêu chí của liên hoan, vở có làm ngắn lại và điều này cũng khiến cho mạch kịch trở nên gọn ghẽ hơn.

Cảnh trí sân khấu được bài trí tối giản, chủ yếu sử dụng nghệ thuật ước lệ. Ví dụ, xuyên suốt vở kịch, khán giả luôn bắt gặp những cảnh trí như: cổng nhà, cửa tủ...

Các nhân vật sẽ đi xuyên qua khi có một sự xung đột và thay đổi lớn trong nội tâm. Có chăng, chúng cũng chính là những "cánh cửa thánh đường", nơi mà những nghệ sĩ đều phải bước qua.

Lớp chót của vở Giáng Hương gợi ra cho người xem nhiều suy ngẫm và cả tranh cãi về sự hiện hữu của nhân vật.

Đến cuối cùng, nếu chỉ chăm chăm chạy theo đồng tiền và thị hiếu xô bồ thì sẽ có lúc người nghệ sĩ tự đánh mất bản thân mình và rồi lạc ra khỏi thế giới nghệ thuật mà mình đã từng và mãi mãi thuộc về.

Xem Sân khấu về khuya phiên bản Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp - Ảnh 5.

Lớp cuối của vở gợi cho người xem nhiều suy ngẫm - Ảnh: HỒ LAM

Trên website, sân khấu Thiên Đăng đưa ra lý do chọn kịch bản Sân khấu về khuya, dựng lại với tên gọi Giáng Hương là "để tôn vinh, tri ân những tiền nhân trong lĩnh vực nghệ thuật. Những người mà tinh thần, tôn chỉ nghệ thuật của họ chính là ngọn đèn trời soi sáng cho lớp hậu bối ngày nay".

Dù kịch bản Sân khấu về khuya đã ra đời từ lâu và đi qua nhiều bản dựng khác nhau nhưng đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị và hợp với thời đại về đời nghệ sĩ, quan điểm sáng tạo nghệ thuật.

Giáng Hương: Nghệ thuật cần thật và đẹp - Ảnh 3.Sân khấu Thiên Đăng dựng kịch từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

Thông tin Sân khấu Thiên Đăng dựng vở Chuyến đò định mệnh từ kịch bản Đến bờ bên kia của tác giả Nguyễn Huy Thiệp, khiến nhiều người trong giới chú ý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp