10/12/2010 07:39 GMT+7

Xem phim Vượt qua bến Thượng Hải

THU HÀ
THU HÀ

TT - Không bị công luận ầm ĩ ồn ào, không bị báo chí săm soi như các phim kỷ niệm dùng tiền ngân sách khác - dù cũng được đầu tư tới 70% kinh phí làm phim (11 tỉ đồng), Vượt qua bến Thượng Hải đã cập bến.

vkAkBg4C.jpgPhóng to

Diễn viên Minh Hải (ngồi xe) vai Nguyễn Ái Quốc và Quốc Quân (anh Hộ, vệ sĩ) trong phim Vượt qua bến Thượng Hải - Ảnh: Hãng phim Hội Nhà văn cung cấp

Chọn thời điểm khắc họa nhân vật Nguyễn Ái Quốc (diễn viên Minh Hải) vào những năm 1933-1934, tức là sau khi người chiến sĩ cộng sản này vượt khỏi vòng vây của mật thám Pháp ở Hong Kong sau phiên tòa nổi tiếng, các nhà làm phim đã đưa Bác Hồ thời trẻ của chúng ta vào một cuộc phiêu lưu khác: từ Hong Kong đến Thượng Hải. Ðể tránh cái bẫy giăng sẵn của mật thám Pháp và Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Ái Quốc tạm lánh vào tư dinh của một ông chủ người Hoa họ Long ở thành phố Hạ Môn.

Rồi chính khi mật thám săn lùng ráo riết nhất lại từ Hạ Môn về Thượng Hải để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của người Việt ở Thượng Hải, gặp gỡ những bạn bè năm châu cùng chí hướng như bà Tống Khánh Linh, nhà văn Tào Ngu, nhà văn Paul Vaillant Couturier... Sau bến Thượng Hải là hải phận quốc tế, nơi con tàu sẽ đưa Nguyễn Ái Quốc đến với nước Nga Xô viết.

Các sự kiện lịch sử người xem đã biết, tiểu sử các nhân vật chính nổi tiếng đến mức ai cũng thuộc. Việc hư cấu những chi tiết trực tiếp liên quan đến các nhân vật lịch sử trong phim VN luôn luôn là vấn đề tế nhị và không mấy nhà sản xuất dám mạo hiểm. Vì thế kịch tính chỉ còn có thể nằm ở các nhân vật phụ và tuyến hành động phụ.

Sự xuất hiện của bác sĩ Phương Thảo (NSƯT Mỹ Duyên) và người anh trai thất lạc từ thuở nhỏ nay trở thành sát thủ Ngũ Lang (Lê Thái Hòa) chính là tuyến nhân vật nhằm tạo sự hấp dẫn cho phim, cũng là để cho nhân vật chính - chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc - có đất để thể hiện cái uy, cái dũng, khả năng cảm hóa (với sát thủ Ngũ Lang).

Dù các nhà làm phim có hơi quá tay khi dành cho tuyến nhân vật phụ khá nhiều thời lượng - mà một nửa trong số đó lại để hồi tưởng về thời thơ bé ở Hội An, một sự khiên cưỡng về tính địa phương thường thấy trong phim VN - thì cũng phải thừa nhận tuyến nhân vật này đã làm người xem thấy nhân vật chính "đời" hơn.

Vào vai Bác Hồ dù tuổi già hay thời trai trẻ luôn luôn là một thử thách với bất kỳ diễn viên nào. Với Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, diễn viên Trần Lực từng được khen là diễn tốt nhưng cũng bị chê là quá kiểu cách so với Nguyễn Ái Quốc thời trẻ.

Với Minh Hải thì ngược lại, lần đầu tiên lên màn ảnh rộng, ngoại hình không giống lắm, cộng với vẻ khiêm tốn quá mức của anh chưa tạo được cho khán giả cảm giác mến phục tự nhiên với Nguyễn Ái Quốc - người mà chỉ với sự xuất hiện của mình, chưa cần nói nhiều, làm nhiều cũng đã có thể cảm hóa được những tay anh chị sừng sỏ giết người không gớm tay như Ngũ Lang và được bác sĩ Phương Thảo ca ngợi: "Mọi người dân An Nam đều yêu anh ấy".

Không phải là phim hợp tác mà là phim VN bỏ vốn: 70% Nhà nước, 30% xã hội hóa, đội ngũ đạo diễn, kỹ thuật, diễn viên Trung Quốc trong phim do phía VN thuê chứ không phải đối tác chỉ định như các phim trước.

Phim trường Hoành Ðiếm tất nhiên cũng phải thuê. Những yếu tố phải bỏ tiền ra thuê lần này có vẻ đáng đồng tiền bát gạo: bối cảnh rất đẹp, quay phối hợp và dựng phim chuyên nghiệp, diễn viên quần chúng cũng chuyên nghiệp, đạo cụ phục trang nếu không soi quá kỹ thì cũng thấy vừa mắt.

Nhưng tất cả những yếu tố đó, mới chỉ có thể cho ra mắt công chúng một bộ phim chỉn chu. Một bộ phim thật sự hay, theo đúng nghĩa có ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ, có những sáng tạo đột phá và có sức lay động lòng người, về Bác Hồ, do đó vẫn còn phải chờ đợi.

Tôi muốn hình tượng vị lãnh tụ gần gũi hơn

Từ Bắc Kinh, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đạo diễn Phạm Ðông Vũ cho biết:

Khi Hãng phim Hội Nhà văn chọn tôi làm đạo diễn, họ cung cấp nhiều bộ sách về Bác, cứ liệu lịch sử, đặc biệt về những hành động bảo vệ Cụ Hồ của bà Tống Khánh Linh. Câu chuyện Bác Hồ đón bà Tống tới thăm VN năm 1962, để tỏ lòng yêu mến đã tận tay đội mũ cho bà, cũng được truyền tải lên màn ảnh.

Tuy nhiên, chính khi một thành viên phía VN tình cờ gửi tôi đoạn nhạc (sau mới hay là bài dân ca Nghệ Tĩnh Bạn tình ơi), tôi quyết định sẽ xây dựng hình ảnh vị lãnh tụ đi vào đời thường. Tôi chủ đích làm phim về Bác gần gũi tới mức cũng có lúc Bác đã rơi lệ. "Anh Tư" rưng rưng nhìn theo bác sĩ Phương Thảo, hay hồn nhiên chia sẻ miếng khoai ngọt với cô dù đang ốm bệnh...

Dù Minh Hải không có phong thái của Trần Lực, nét giống hoàn hảo của Tiến Hợi nhưng tôi thích chất mộc mạc tạo cảm giác gần gũi toát ra từ thần thái của diễn viên này. Cũng có ý kiến phê rằng hành động, trí tuệ của Bác mờ nhạt so với tuyến nhân vật phụ là những người hoạt động cách mạng đi theo bảo vệ, hậu thuẫn Người. Tôi lại nghĩ tại thời điểm đó Bác Hồ trong tay không một tấc sắt, Bác đã nương vào lòng người. Khán giả có thể cảm nhận được tầm vóc của Bác qua tình yêu và sự trung thành của chính những người dân VN dành cho Bác.

(*) Vượt qua bến Thượng Hải - tên ban đầu là Hành trình qua ba bể - do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất, đạo diễn: Phạm Ðông Vũ (Trung Quốc), Triệu Tuấn (VN); biên kịch: Hà Phạm Phú - nguyên giám đốc hãng, Lê Ngọc Minh - cục phó Cục Ðiện ảnh và Giả Phi (Trung Quốc). Phim vừa được chiếu ra mắt tại Hà Nội vào sáng 9-12 và sẽ công chiếu toàn quốc từ 17-12 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia và cụm rạp Megastar ở TP.HCM và Hà Nội.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp