Những bộ phim Đức này đôi khi khiến ta liên tưởng tới một bộ dao phẫu thuật, từng nhát rạch xuống nhằm thăm dò bên trong ổ bụng của thế giới đều chính xác và khiến khán giả phải rùng mình vì độ chính xác của nó.
Từ lớp học đến hội nghị vật lý
Với thời lượng chỉ khoảng 90 phút, với bối cảnh chỉ tối giản bên trong một ngôi trường cấp II, nhưng The Teacher's Lounge - tác phẩm của nhà làm phim mới tròn 40 tuổi İlker Çatak - được đề cử Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc năm nay và cũng là phim mở màn liên hoan, chứa trong đó cả một xã hội đang vận hành.
Cô giáo Carla Nowak là một người lý tưởng hóa - cô tin vào đúng/sai, sự công chính, trung thực, liêm khiết; cô mẫn cán, vừa nghiêm khắc vừa bao dung với học trò; trong số các học trò có Oskar - "học bá" của lớp, một cậu bé ngoan ngoan và thông minh.
Hai vế câu chuyện được thiết lập hoàn hảo như thế, đăng đối như thế, hẳn ta nghĩ nhất định không gì có thể đi chệch hướng trong lớp học này.
Cho đến khi một vụ trộm cắp trong phòng giáo viên diễn ra: cô Carla mất tiền và bằng chứng đều hướng về phía mẹ của Oskar, một nhân viên giáo vụ.
Mở đầu phim, cô Carla yêu cầu học sinh chứng minh số vô hạn tuần hoàn 0,99999... bằng với 1.
Chỉ có Oskar làm được bằng một vài phép toán gọn gàng. Toán học còn xuất hiện nhiều trong phim: những thuật toán để xoay một khối rubik, những tính toán của các nhà thiên văn nhằm tiên đoán nhật thực...
Toán học là thế, những thuật toán đúng đưa ra kết quả không thể sai; nhưng cuộc sống thì không như vậy. Cô Carla có sai không khi nghi ngờ mẹ Oskar? Oskar có sai không khi một mực tin vào sự vô tội của mẹ mình?
Rất nhiều cái không - sai, khi chồng lên nhau, lại tạo ra một "cuộc đấu" ngày một leo thang giữa cô giáo và các trò. Rốt cuộc làm thế nào để làm đúng là điều ta chỉ có thể kiểm soát khi xoay một chiếc rubik.
Cũng lấy cảm hứng từ những công thức có khả năng làm khung đỡ cho thế giới nhưng The Universal Theory, bộ phim đen trắng của đạo diễn còn chưa đầy 40 tuổi Timm Kröger, tác phẩm tranh giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 2023, lại khuấy động thế giới quan của ta theo cách khác, như một lỗ sâu đục đột ngột hiện ra buộc ta phải nhìn vào những hố sâu không đáy của vũ trụ này.
Một nghiên cứu sinh vật lý lượng tử theo thầy lên núi tuyết tham gia một hội nghị các nhà nghiên cứu vật lý.
Anh có một luận án với những ý tưởng cách mạng về thực tại, giáo sư hướng dẫn nhất quyết cho rằng anh đã tính toán sai ở bước nào đó, một giáo sư đối thủ lại động viên anh.
The Universal Theory không giống như Oppenheimer với bối cảnh chính trị rõ ràng, nơi vật lý có một công năng cụ thể; ở đây, bầu không khí bí ẩn với âm nhạc, với một người phụ nữ không lý lịch, tất cả ngân nga như một câu đố của thời gian và vật lý không còn phải phục vụ mục đích lớn lao nào mà chỉ phục vụ sự thuần khiết của chính nó.
Ấy thế mà sự lao động thuần túy với lý thuyết cũng không ngăn được những án mạng diễn ra như có một bàn tay vô hình muốn ngăn con người thấy được sự thật tối hậu.
Chuyện nhập cư trong phim Đức
Cũng như Liên hoan phim Ý vừa qua, chủ đề nhập cư cũng là chủ đề lớn trong số các tác phẩm đáng chú ý thuộc Liên hoan phim Đức lần này.
Nhưng khác với Io Capitano, tác phẩm mở màn Liên hoan phim Ý, kể câu chuyện nhập cư trong một bối cảnh kỳ vĩ là sa mạc Sahara không bến bờ, là biển Địa Trung Hải mênh mông sóng nước, là những hầm ngục tra tấn, là những khu lao động xơ xác, The Teacher's Lounge kể chuyện nhập cư ngay trong một lớp học bình thường nhất: một cậu học sinh gốc Thổ bị nghi ăn cắp chỉ vì ví có tiền, cô giáo Carla từ chối nói tiếng Ba Lan mẹ đẻ với đồng hương.
Khung hình 4:3 chật chội khiến nhân vật Carla thường xuyên đứng một mình trong khuôn hình, với vẻ bị mất kết nối và gần như cô lập (otherization).
Đến In The Blind Spot của nữ đạo diễn Đức gốc Kurd, Ayşe Polat, chuyện nhập cư lại được lồng vào một cách tâm linh: cô bé 7 tuổi nhìn thấy hồn ma, một mô típ quá quen thuộc với dòng phim kinh dị, chỉ có điều ở đây hồn ma cô bé thấy là một người lính Kurd.
Là một tác phẩm giật gân, nhưng cái giật gân của In The Blind Spot khác với cái giật gân trong những tác phẩm Đức kinh điển của những Fritz Lang hay F.W.Murnau, nó không phải cái giật gân đẩy cảm xúc thăng hoa mà là sự giật gân băng giá, một quá trình làm lạnh từ từ, khiến ta chẳng biết từ bao giờ mình đã tê liệt.
Còn trong The Crossing, bộ phim hoạt hình kỳ công được vẽ bằng sơn dầu trên kính của nhà làm phim Florence Miailhe, câu chuyện phiêu lưu của hai đứa trẻ ly hương vì cuộc thanh trừng sắc tộc ở quê nhà được kể bằng thứ màu sắc rực rỡ nhất, trí tưởng tượng bay bổng nhất.
Tên tiếng Đức của phim nhắc tới Odysseus, nhân vật chính trong sử thi cùng tên của Homer, người đã mất gần chục năm trời sau trận chiến thành Troy để về nhà.
Odysseus cũng có thể coi là một người tị nạn, một người ly hương, một người xa xứ, chàng cũng là một kẻ liên tục rời đi, nhập cư, rồi lại rời đi, liên tục trôi dạt giữa những hòn đảo và vương quốc.
Odysseus cuối cùng cũng về được nhà. Những đứa trẻ trong The Crossing cũng vậy. Nhưng còn biết bao những số phận khác, trôi dạt trong những bộ phim khác, họ có bao giờ tìm được nhà không? Có lẽ chính họ cũng không biết.
Liên hoan phim Đức (KinoFest) 2024 do Viện Goethe tổ chức năm nay diễn ra từ ngày 10-10 đến 30-11 tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và Bình Dương, với chín tác phẩm thuộc nhiều thể loại.
Hiện liên hoan phim đang diễn ra ở Hà Nội với các suất chiếu tại rạp chiếu phim quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận