Cột biểu tượng hữu nghị San Francisco
Các công trình biểu tượng hữu nghị giữa các quốc gia với quốc gia, địa phương với địa phương đã được xây dựng khắp nơi trên thế giới, minh chứng cho sự gắn kết mang tính toàn cầu từ nhiều năm nay.
“Tại quảng trường Hallidie Plaza của thành phố, chỉ cách trạm cáp treo Powell Street vài bước chân, chúng tôi ra mắt một cột biển báo biểu tượng cho các thành phố kết nghĩa với San Francisco”, website của Cơ quan Vận tải San Francisco (SFMTA) đăng thông tin này vào năm 2018.
Theo đó, trên mỗi biển chỉ phương hướng là một thành phố kết nghĩa, như TP.HCM, Osaka, Sydney, Barcelona, Paris…và con số thể hiện khoảng cách đến thành phố đó.
Công trình hữu nghị này ngay lập tức thu hút người dân địa phương và du khách đến tham quan, SFMTA cũng kêu gọi mọi người đừng bỏ lỡ địa điểm này khi đến San Francisco.
Cột biểu tượng hữu nghị Los Angeles
Tương tự như công trình ở San Francisco, công trình Los Angeles Sister Cities Monument gần khu vực Tòa thị chính thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ), cũng có hình dáng như một cột chỉ đường.
Trên các mũi tên phương hướng là tên của các thành phố kết nghĩa với Los Angeles, như St. Petersburg, Vancouver, Berlin, Quảng Châu, Busan, Mumbai, Jakarta…cùng con số biểu thị khoảng cách đến các thành phố đó.
Công trình này được Brigid LaBonge, một nhà thiết kế đồ họa ở Los Angeles, thiết kế vào năm 2002.
Đây cũng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của thành phố này. Trên Tripadvisor, địa điểm này xếp thứ 424 trong số 800 điều nên làm khi đến Los Angeles.
Công trình kỷ niệm Thượng Hải ở Dubai
Công trình Shanghai Monument được khai trương tại Công viên Zabeel, Dubai (UAE), để củng cố một thỏa thuận kết nghĩa giữa Dubai và thành phố Thượng Hải, Gulf News đưa tin vào tháng 5-2009.
Công trình này mô phỏng các địa danh và tòa nhà cao tầng của Thượng Hải như Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông, Tháp Kim Mậu, Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải, Bảo tàng Thượng Hải, Cầu Yangpu…
“Theo Thỏa thuận thành phố kết nghĩa, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Thượng Hải trong nhiều lĩnh vực. Việc dựng cột mốc này tại một trong những công viên quan trọng nhất của Dubai thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai thành phố”, đại diện giới chức địa phương phát biểu trong lễ ra mắt công trình.
Biểu tượng hữu nghị Pháp - Canada
Công trình Amicitia France - Canada, khai trương năm 2022 tại nghĩa trang quốc gia Canada Beechwood ở Ottawa, là tượng đài quốc gia được dựng lên ở Ottawa để ghi nhận những giá trị lịch sử và di sản chung của Pháp và Canada trong hơn bốn thế kỷ, cũng như hơn 90 năm quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.
Amicitia France-Canada là cách diễn đạt bằng tiếng Latinh mang ý nghĩa “tình hữu nghị huynh đệ Pháp-Canada”, trang amicitiafrancecanada.com giải thích.
Tình hữu nghị giữa Yokohama và San Diego
Tháng 5 năm 1958, thành phố Yokohama (Nhật Bản) tặng công trình Chuông Hữu nghị Yokohama cho San Diego (Mỹ), theo trang Yokohama Visitors Guide.
Đây là một phần của Lễ kỷ niệm trăm năm quan hệ chính thức giữa Nhật Bản và Mỹ, đồng thời cũng nhằm đánh dấu việc thiết lập mối quan hệ thành phố kết nghĩa giữa San Diego và Yokohama.
Đến năm 1960, San Diego tặng và đặt bức tượng “Guardian of Water” ở Công viên Yamashita thuộc thành phố Yokohama.
Xung quanh bức tượng này là bốn chiếc chuông "Mission Bells" và một tượng đài "Beautiful San Diego", và toàn bộ khu vực này được gọi là "San Diego Friendship Fountain (Đài phun nước hữu nghị San Diego)".
Trụ đá Three-Country Cairn ở Bắc Âu
Ẩn mình trong khung cảnh tuyệt đẹp của Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, công trình Three-Country Cairn thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa các nước láng giềng Bắc Âu này.
Là một trong những biểu tượng hữu nghị đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng trên thế giới, công trình này đánh dấu điểm giao nhau của biên giới ba nước, tượng trưng cho sự chung sống hòa bình của họ, theo trang Akbar Travels.
Mời bạn đọc dự thi ý tưởng thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM
Để quảng bá và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP.HCM với các thành phố bạn bè trên thế giới, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, bắt kịp xu hướng trong việc tạo điểm nhấn về đối ngoại, giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa cũng như chia sẻ về những vấn đề có tính toàn cầu;
Được sự chấp thuận của UBND TP.HCM, Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Công ty Xi măng INSEE đồng hành, tổ chức cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM.
Cuộc thi là cơ hội để mọi người tham gia đề xuất, nêu ý tưởng, đóng góp sáng kiến, thậm chí phác thảo thiết kế một công trình mang tính biểu tượng "TP.HCM - thành phố hữu nghị toàn cầu".
Đó là biểu tượng mở vì thành phố sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhiều thành phố khác trên thế giới để mở rộng quan hệ, tăng tính kết nối, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp hơn.
Công trình biểu tượng này kỳ vọng là điểm nhấn mỹ quan của thành phố, đồng thời cũng là một điểm đến đặc biệt trong hệ sinh thái du lịch ở trung tâm TP.HCM, dự kiến sẽ được xây dựng tại Công viên Lam Sơn trên trục đường Lê Lợi trước Nhà hát TP.HCM.
Cuộc thi mời gọi các đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam, người nước ngoài ở các địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM, có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm.
Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 27-10 đến hết ngày 27-12-2023. Hình thức dự thi có thể viết bài, làm đồ họa, video, powerpoint, công trình, dự án... để đưa ra các ý tưởng, phác thảo cụ thể về các biểu tượng phù hợp với TP.HCM hiện nay và sau này.
Gửi bài dự thi trực tiếp vào email: [email protected].
Các bản sao giấy tờ liên quan theo quy định khi gửi email phải scan và xuất thành file mềm định dạng JPEG hoặc PDF. Thời gian nhận bài được tính theo thời gian trên thư điện tử.
Cuộc thi có các giải thưởng:
- 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng;
- 1 giải nhì trị giá 25 triệu đồng;
- 1 giải ba trị giá 10 triệu đồng;
- 5 giải khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải.
Kết thúc cuộc thi, lễ trao giải sẽ diễn ra cùng một hội thảo (dự kiến cuối tháng 12-2023) lắng nghe ý kiến lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo các sở ban ngành, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc cùng các bạn đọc đoạt giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận