29/01/2016 16:17 GMT+7

Xem Leonardo DiCaprio diễn trong The Revenant: ​sinh tồn và báo thù

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TTO - The Revenant không chỉ là bộ phim về hành trình từ địa ngục trở về, mà còn là một hành trình của tâm linh và sự mặc khải, với chủ đề đơn giản nhất có thể: “sinh tồn và báo thù”.

Leonardo DiCaprio diễn xuất sắc trong The Revenant

The Revenant với chủ đề đơn giản nhất có thể: “sinh tồn và báo thù”, dễ dàng trở thành một B-movie điển hình kiểu Viễn Tây, nhưng tài năng xuất chúng của 4 cá nhân: đạo diễn Alejandro González Iñárritu, nhà quay phim Emmanuel Lubezki và diễn xuất của bộ đôi Leonardo DiCaprio & Tom Hardy đã biến nó thành một “epic” của chủ nghĩa sinh tồn, chủ nghĩa báo thù, của những gã đàn ông hoang dã chống lại tự nhiên và thuận theo tự nhiên, của những kẻ có đức tin và những kẻ vô đạo.

Tất cả được hòa điệu nhịp nhàng trong bộ phim dài 156 phút kéo thẳng người xem vào tận cùng mọi xúc giác và cảm giác mà nó mang lại.

The Revenant rõ ràng chịu ảnh hưởng của nhiều kiệt tác đi trước của văn hóa đại chúng Mỹ lẫn nhiều tác phẩm nghệ thuật của thế giới. Chất sử thi và phiêu lưu của một gã đàn ông trong thế giới hoang dã gợi nhớ đến nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của Jack London, đặc biệt là Tiếng gọi nơi hoang dã và truyện ngắn Đốt lửa

The Revenant còn gợi nhớ đến Brave New World của Aldoi Huxley, đến A Heart of Darkness của Joseph Conrad mà F.F Coppola lấy cảm hứng để tạo nên Apocalypse Now (1979). Về điện ảnh, đạo diễn Iñárritu cũng thừa hưởng từ nhiều anh tài đi trước. Câu chuyện của một gã đàn ông chống chọi với hoang dã, đặc biệt là thế giới băng giá từng được Akira Kurosawa thể hiện tuyệt vời trong bộ phim từng đoạt Oscar phim nước ngoài hay nhất Dersu Uzala.

Leonardo DiCaprio đánh với gấu khổng lồ trong The Revenant.

Cách kể chuyện pha trộn giữa chất hiện thực vừa bạo tàn với cái đẹp vừa đầy chất thơ vừa chết chóc của thiên nhiên được thực hiện bằng những cú máy lia chóng mặt và ống kính góc rộng mà đôi lúc có cảm giác như thiên đường và địa ngục cùng giao hòa.

Cách chọn bối cảnh thực là vùng thiên nhiên hoang dã mùa đông lạnh giá (âm 40 độ) ở Canada và Argentina và chỉ quay bằng ánh sáng tự nhiên thể hiện rõ phong cách điện ảnh vừa giàu tham vọng vừa khắc kỷ của Iñárritu. Bộ phim bắt đầu với kinh phí 60 triệu USD, đội lên 90 triệu và cuối cùng là 135 triệu.

Giữa thời buổi các đạo diễn chỉ cần greenscreen (phông xanh) và CGI là có thể tạo ra bất cứ thứ gì họ muốn, Iñárritu và George Miller (Mad Max: Fury Road) là hai trong số hiếm các nhà làm phim khước từ sự tiện lợi này để chọn cách làm phim như “địa ngục”.

Thời gian quay bộ phim mà Iñárritu thừa nhận là sống và làm việc trong điều kiện “địa ngục” nhưng với cảm giác của những kẻ ở “thiên đường”. Sau Amores Perros, 21 Grams, Babel, Birdman (Oscar 2015) - những bộ phim đa số mô tả thế giới nội tâm nhiều uẩn khúc hay siêu thực của nhân vật, Iñárritu lái tay nghề đỉnh cao của mình sang một hướng khác, một bộ phim đơn giản được thực hiện với một tham vọng táo bạo và thậm chí điên rồ.

Cảnh hùng vĩ trong The Revenant.

The Revenant đưa người xem quay trở lại với lịch sử nước Mỹ thời mới lập quốc, bối cảnh cụ thể là năm 1823, ở vùng biên giới phía Bắc. Các cuộc chiến giữa người da đỏ và da trắng diễn ra một cách quyết liệt một sống một còn.

Bộ phim mở đầu bằng trận phục kích của bộ tộc da đỏ bản địa Arikara. Hugh Glass (Leonardo) là một nhà thám hiểm da trắng được thuê để dẫn đường cho một công ty Rocky Mountain chuyên săn lông thú, do viên đại úy Andrew Henry dẫn đầu.

Trong đội quân thợ săn thiện xạ này bắt đầu cuộc xung đột giữa Hugh Glass và Fitzgerald (Tom Hardy), bắt đầu cho chuỗi hành trình sinh tồn và báo thù của hai gã đàn ông đại diện cho 2 lối sống, hai đức tin khác nhau.

Thế giới tâm linh của Glass được đạo diễn khai thác tối đa, trong những giấc mơ giữa sự sống và cái chết của Glass và đặc biệt là những hồi ức và ám ảnh của anh ta về người vợ da đỏ.

“Miễn là còn giữ được hơi thở là còn chiến đấu. Hãy thở đi, hãy giữ hơi thở”, những lời nói của người vợ được Glass dùng để dạy con trai và sau này để anh ta vượt qua lằn ranh mong manh của cõi chết để trở về.

“Khi một cơn bão đến. Anh đứng trước một cây lớn. Nếu anh nhìn những cành cây, anh sẽ nghĩ nó đổ. Nhưng nếu anh nhìn vào thân cây, anh sẽ thấy sự vững chãi của nó” lại là một câu nói của người vợ da đỏ Pawnee dẫn dụ và dẫn dắt Glass băng qua hành trình địa ngục này để trở về.

Thế giới tâm linh của Glass được đạo diễn khai thác tối đa

Fitzgerald ngược lại, người xem chỉ biết qua một số khát vọng của anh ta về chuyện rời bỏ thế giới man rợ này để đến Texas sống một cuộc đời hưởng thụ, hay cách anh ta chế nhạo đức tin trong những đoạn về sau.

Hành trình trở về từ cõi chết của Glass để báo thù không chỉ băng qua những cơn bão tuyết dữ dội mà còn là sự tấn công bủa vây của đám thổ dân da đỏ lẫn những kẻ da trắng khác. Đó còn là một hành trình của tâm linh và sự mặc khải, những điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí của anh ta không thể giải thích được.

Nếu những cảnh nói về cuộc chiến sinh tồn của Glass được đạo diễn và nhà quay phim tài ba thể hiện một cách tàn bạo một cách tuyệt đẹp thì với những cảnh giấc mơ, đạo diễn Alejandro González Iñárritu, nhà quay phim Emmanuel Lubezki phát huy những thành công từ Birdman tạo nên một vẻ đẹp siêu thực và huyền ảo, một vẻ đẹp gợi nhớ tới phong cách làm phim của Terence Malick trong The New WorldThe Tree of Life.

Đức tin khiến bản năng sống của Fitz trái ngược với Glass. 

Đức tin khiến bản năng sống của Fitz trái ngược với Glass. Như Glass nói ở gần cuối phim, “tôi chỉ có một đứa con trai để bảo vệ, còn hắn thì có quá nhiều thứ để mất”.

Glass không sợ cái chết dù tìm mọi cách để vượt qua cái chết. Fitz thì luôn sợ hãi cái chết và tìm mọi cách để chạy trốn cái chết.

Glass nói với viên đại úy khi cả hai chuẩn bị đuổi theo Fitz, lúc này đang bỏ trốn ở cuối phim: “Hắn đang sợ hãi. Hắn biết tôi đã đi xa nhường nào vì hắn. Như một con nai sừng tấm khi sợ hãi, chúng sẽ chạy thật sâu vào rừng. Và đó là nơi tôi gài bẫy hắn ta”.

Cuộc chiến của đức tin này còn diễn ra ở đối đầu dữ dội giữa Glass và Fitz ở cuối phim, tất nhiên, khán giả biết được ai là kẻ chiến thắng. Nhưng thực ra, với The Revenant, đức tin là người chiến thắng, như câu nói của người da đỏ Hikuc lúc cứu Glass: “Trái tim ta đang rỉ máu, nhưng báo thù nằm trong tay chúa trời”.

Và đó cũng là câu nói của Glass dành cho Fitz ở cuối phim: “Báo thù nằm trong tay đức chúa trời chứ không phải ta”.

Hành trình trở về từ cõi chết của Glass để báo thù.

 

* Xem loạt bài ĐƯỜNG ĐẾN OSCAR 2016 trên Tuổi Trẻ Online:

"Bạn không thể trao Oscar chỉ vì anh ấy da màu"

Oscar yêu thích những kẻ sống sót

Kate Winslet dự đoán 2016 là “năm của Leonardo DiCaprio”

Phim về cậu bé Việt nhiễm dioxin được đề cử Oscar 2016

Đêm Oscar sẽ vắng bóng hàng loạt nghệ sĩ da màu?

7 điều từ Cô gái Đan Mạch: ám ảnh và hoa mỹ

-​ Giới phê bình Mỹ tôn vinh phim về sức mạnh báo chí

Leonardo DiCaprio: các vai diễn hay nhất và dở nhất

Màu da tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi về Oscar

Danh sách đề cử Oscar 2016

- ​Oscar lần thứ 88: Bản năng sinh tồn có lên ngôi?

LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp