01/08/2022 10:25 GMT+7

Xem 'lát cắt một năm' của Chợ Lớn từ nhà thám hiểm Pháp

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Từ năm 1955, nhà thám hiểm, nhà văn người Pháp là Gontran de Poncins đã dùng cụm từ "ốc đảo văn hóa" để đề cập đời sống người Hoa ở Chợ Lớn.

Xem lát cắt một năm của Chợ Lớn từ nhà thám hiểm Pháp - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Những ghi chép và ký họa của ông trong những ngày lưu trú tại ốc đảo ấy sau gần 70 năm vẫn còn giá trị tham khảo và đầy hấp dẫn.

Năm 1955, Gontran de Poncins lần thứ hai trở lại Sài Gòn và như một cơ duyên, ông được một vị tiền bối khuyên nên vào sống tại Chợ Lớn với lời khuyên mà ngay lúc đó ông còn chưa kịp nhận ra là nó có giá trị quan trọng thế nào cho chuyến phiêu lưu và ghi chép của ông: "Hãy tận dụng Chợ Lớn vẫn còn tồn tại những khuôn khổ truyền thống và công thức cũ xưa của nó".

Quả thật, từ lời khuyên ấy cho đến quyển sách Chợ Lớn 1955 ký và họa mà bạn đọc đang được diện kiến bản Việt dịch sau 67 năm là những trải nghiệm độc đáo khôn tả của tác giả.

Việc một "ông Tây" đến sống dài ngày trong một khách sạn Tàu giữa Chợ Lớn vào thời điểm 1955 đã là chuyện rất lạ cho cộng đồng cư dân ở đây.

Thêm vào đó, những người xung quanh ông - cả bình dân và giới chủ, giới có học - đều không hiểu mục đích cũng như những việc ông làm thường nhật: đi lại, quan sát - dĩ nhiên là có trò chuyện và giữ hòa khí với mọi người xung quanh - rồi quay về ngồi "mổ cò" bên chiếc máy đánh chữ.

Ở ngay trong lòng Chợ Lớn với 650.000 dân và là trung tâm của các dịch vụ ăn chơi, bài bạc nhưng một vị khách Tây hầu như không tham gia bất cứ món ăn chơi nào. Điều cá biệt ấy ít nhiều gây nên những xáo trộn trong thời gian cư trú của ông, chủ yếu là do những người Hoa bản địa không lý giải được cung cách sống kỳ quặc như vậy.

Họ tìm hiểu bằng nhiều cách thông qua nhiều giới: người dọn phòng, đứa hầu bàn, cả viên thư ký và ông chủ khách sạn... để rồi cuối cùng cũng nhận ra mục đích đầy thiện cảm của ông khách Tây.

Ghi chép tất tần tật đời sống sinh hoạt của người dân quả không có gì đáng phàn nàn, chỉ có những nét vẽ ký họa của ông là xa lạ với cách hình dung của người Hoa vốn quen nhìn tranh thủy mặc.

Mặc dù chỉ là một lát cắt vỏn vẹn trong năm 1955, nhưng những nắm bắt của Gontran de Poncins phải nói là cực kỳ đắt giá. Sau độ lùi thời gian gần bảy thập niên, đọc lại những gì ông ghi chép mới biết tác giả quả thực có thiên khiếu về quan sát và nhận định tâm lý con người.

Ông thật tinh tế khi nhận ra thói quen xã giao của người Hoa - một trong những phong cách cố hữu mà nếu không giao tiếp đủ lâu hoặc đủ tinh ý sẽ không nhận ra: "Tôi từng trải nghiệm kiểu lịch thiệp đặc biệt của người Trung Hoa; họ trút những lời tán tụng như mưa lên đầu anh, nhưng càng làm thế họ càng giữ mình xa cách và khó nắm bắt... và rằng anh sẽ phải mất nhiều năm trời để trở thành một phần trong bọn họ".

Ở một chỗ khác, tác giả nhìn được cái sở trường của người Hoa: "Theo quan sát của tôi, mọi người Trung Hoa đều nhúng tay vào nhiều nghề cùng một lúc. Ông chủ tòa báo địa phương là giám đốc một kho gạo và cũng là đồng chủ sở hữu một tiệm ngũ kim... và một nhà đòn. Còn ông hiệu trưởng trường dạy tiếng Quảng Đông thì có cổ phần trong một hiệu giặt là. Mỗi người đều giống một con nhện ba đầu sáu tay".

Và trong thẳm sâu ý thức phân biệt Đông - Tây, Gontran de Poncins đã sớm nhìn ra chỗ nhạy cảm ấy trong tâm thức người Hoa ở Chợ Lớn: "Được mời đi ăn nhà hàng là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu anh muốn thâm nhập vào một gia đình Trung Hoa thì cần... có một người Âu khác giới thiệu anh".

Đây chính là chỗ ẩn khuất không chỉ trong xứ sở Chợ Lớn mà ngay cả trong quan niệm sống của người Hoa. Tập sách vì thế có giá trị vượt thời gian, do lẽ mãi đến ngày nay, nhiều nội dung tác giả ghi chép được vẫn còn mới lạ với nhiều người sống sát cạnh Chợ Lớn.

Gontran de Poncins (1900 - 1962) sinh ra trong gia đình quý tộc Pháp, là nhà văn, nhà thám hiểm và nhà nhân học nổi tiếng.

Ông từng học trường quân sự Saint Cyr và có mối quan tâm đặc biệt đến tâm lý con người và "những điều giúp người vượt lên trên cuộc sống".

Ông từng đi thám hiểm và du hành nhiều nơi, thành danh với quyển sách Kabloona (1938) tường thuật về chuyến du hành đến vùng đất của người Eskimo.

Đọc Tạp bút Ất Hợi, nhớ Sài Gòn một thời chưa xa Đọc Tạp bút Ất Hợi, nhớ Sài Gòn một thời chưa xa

TTO - Đây là tập tạp bút thứ tư xếp theo năm, nằm trong loạt di cảo của cụ Vương Hồng Sển được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành (sau các năm Nhâm Thân, Quý Dậu, Giáp Tuất).

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp