Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19) khai mạc vào ngày 23-9 và bế mạc ngày 8-10 tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á với khoảng 12.000 VĐV.
Asiad 19 tổ chức 40 môn thi với 61 phân môn, 483 nội dung. Đây là kỳ Asiad có đông VĐV tham dự nhất trong lịch sử.
Nguy cơ không được xem đoàn thể thao Việt Nam thi đấu tại Asiad 19
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 với 504 thành viên, trưởng đoàn là ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục Thể dục thể thao.
Trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam có 337 VĐV, 90 huấn luyện viên, 11 chuyên gia... đến từ 31 môn và phân môn, thi đấu ở 202 nội dung. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành 2-5 huy chương vàng tại Asiad 19.
Mặc dù ngày 23-9 lễ khai mạc Asiad 19 mới diễn ra nhưng có một số môn sẽ thi đấu trước ngày khai mạc, trong đó có bóng đá nam.
Môn bóng đá nam tại Asiad 19 có 23 đội tuyển tham dự, được chia vào 6 bảng (5 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội).
Đội tuyển Olympic Việt Nam do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt nằm ở bảng B, lần lượt gặp Mông Cổ (15h, 19-9), Iran (18h30, 21-9), Saudi Arabia (18h30, 24-9).
Chiều mai 19-9, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ ra quân tại Asiad 19 nhưng đến thời điểm này người hâm mộ không biết sẽ theo dõi trận đấu trên kênh nào.
Tính đến sáng 18-9, chưa có bất cứ đơn vị nào công bố mua được bản quyền truyền thông Asiad 19 trên lãnh thổ Việt Nam.
Giá bản quyền cao... "cắt cổ"
Trước đó, ban tổ chức Asiad 19 (Trung Quốc) đã chỉ định Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) làm đài truyền hình chủ nhà. CMG cũng là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối bản quyền Asiad 19 trên toàn thế giới. Thời gian qua, một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hong Kong, Ấn Độ đã công bố bản quyền phát sóng Asiad 19.
Tháng 8-2023, các đơn vị truyền thông của Việt Nam cho biết nhà cung cấp chào bán gói bản quyền truyền thông Asiad 19 trên lãnh thổ Việt Nam lên tới 15 triệu USD (khoảng 360 tỉ đồng). Con số này khiến các đài truyền hình, doanh nghiệp kinh doanh bản quyền thể thao tại Việt Nam choáng váng.
Ngày 18-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bản quyền truyền hình thể thao, đài truyền hình lớn tại Việt Nam như Đài truyền hình Việt Nam (VTV), VTVcab... cho biết chưa có bản quyền truyền hình Asiad 19.
Đại diện một đài truyền hình cho biết: "Giá bản quyền Asiad 19 quá cao, nguồn thu về hạn chế nên chúng tôi không tham gia đàm phán mua bản quyền. Đến thời điểm này cũng không có kế hoạch phát sóng Asiad 19. Đài của tôi chỉ cử một ê kíp sang Hàng Châu tác nghiệp tại đại hội".
Trường hợp đến phút cuối không có đơn vị nào mua được bản quyền Asiad 19, người hâm mộ Việt Nam sẽ không thể xem đội tuyển Olympic Việt Nam cũng như các VĐV hàng đầu quốc gia tranh tài tại đại hội.
Bản quyền truyền hình thể thao tăng theo cấp số nhân
Bản quyền truyền hình Asiad 14, Asiad 15 (2002, 2006) tại Việt Nam chỉ có giá tượng trưng là 10.000 USD. Đến Asiad 16 (2010) tại Quảng Châu giá đã lên mức 50.000 USD.
Năm 2014, tại Asiad 17 (Hàn Quốc), gói bản quyền được rao bán 400.000 USD cho gói độc quyền và 200.000 USD cho gói không độc quyền.
Năm 2018, bản quyền truyền hình Asiad 18 được rao bán với giá lên tới 3 triệu USD cho gói độc quyền. Điều đáng nói, nhà cung cấp KJSMWORLD Corp (đơn vị mua lại bản quyền truyền hình Asiad 18 từ ban tổ chức Asiad 18) nhất quyết chỉ bán độc quyền và không giảm giá.
Đến phút cuối, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với sự tài trợ của hai doanh nghiệp lớn đã mua bản quyền Asiad 18 với giá dưới 1,5 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận