17/11/2013 20:34 GMT+7

Xem câu cá ở Sri Lanka

NGUYỄN CHÍ LINH
NGUYỄN CHÍ LINH

TTCT - Trong ánh nắng chiều lúc hoàng hôn, những người câu cá trên chiếc cà kheo mong manh trước biển cả vẫn kiếm sống theo kiểu cha truyền con nối như 50 năm qua.

VHKTafQD.jpgPhóng to
Hình ảnh những người câu cá trên cà kheo một thời từng là biểu tượng của Sri Lanka - Ảnh: N.C.L

Mặt trời đã lặn nhanh sau cơn mưa bất chợt và lẩn khuất vào những đám mây đen cuối chân trời. Trên những cây cà kheo cắm dọc theo bãi biển, những người câu cá vẫn ngồi liêu xiêu trước những cơn sóng to vỗ bì bạch vào bờ tung bọt trắng xóa.

Hình ảnh đặc trưng Sri Lanka

Khi nguyên liệu sắt khan hiếm, những ngư dân thường sử dụng các loại cây có tính chịu mặn để làm cà kheo thay thế. Những loại cây thường sử dụng để làm cà kheo là mù u (tiếng địa phương là domba), đước (tiếng địa phương là kadol). Cà kheo gỗ giúp họ di chuyển nhẹ nhàng hơn nhưng lại không bền bằng cà kheo sắt.

Người dân dọc theo các thành phố biển phía nam Sri Lanka thường đi câu cá kiếm sống với cách câu khá độc đáo. Tận dụng những thanh sắt còn sót lại sau cuộc chiến tranh trước đây, họ đem đóng vào những mỏm đá san hô, tạo thành những cây cà kheo và ngồi trên đó để câu trong những ngày sóng lớn.

Việc sử dụng những cây cà kheo cũng giúp ngư dân dễ dàng di chuyển và vẫn có chỗ ngồi câu khi mực thủy triều xuống thấp hoặc những ngày mưa to gió lớn.

Trên cây cà kheo cheo leo ở độ cao khoảng 5m, họ chỉ đóng tạm một chỗ ngồi (tiếng địa phương là petta) bằng gỗ cây mớp lá to. Họ cũng chẳng mang theo nước uống hay thức ăn gì ngoại trừ cái cần câu (tiếng địa phương là kitul) được làm từ một loại gỗ rừng thuộc họ cau cùng với một bao đựng thành phẩm có thể chứa khoảng 10kg cá.

Trong một ngày có bốn lần đi câu: bình minh, xế trưa, giữa chiều và hoàng hôn. Vào những ngày may mắn, đặc biệt là tháng 12, cũng là mùa cao điểm cá sinh sôi nảy nở, những ngư dân có thể câu 1.000-2.000 con cá/ngày và mùa thấp điểm tháng 5 khoảng 150-200 con/ngày. Có khi một giỏ cá nặng 10kg được câu đầy trong 30 phút, quả là một kỷ lục. Những loại cá câu được thường là cá trích, cá thu con...

Hình ảnh ngư dân câu cá trên những cây cà kheo (tiếng Sinhala: Hitipanne Deewara Kramaya) trong lúc bình minh hay hoàng hôn được đưa vào tem thư cũng như rất nhiều sản phẩm xuất khẩu khác.

X1sfwPN4.jpgPhóng to
Cá câu được thường là cá trích, cá thu con hay cá thu đốm hoa - Ảnh: N.C.L
Z9yyrfIb.jpgPhóng to
Pháo đài do người Hà Lan xây dựng và Sri Lanka là quốc gia duy nhất ở Nam Á có pháo đài do người châu Âu xây dựng - Ảnh: N.C.L

Giữ truyền thống

Bác Lakshman với mái tóc bạc và nụ cười nồng ấm trên làn da sạm nắng vì gió biển cho biết: “Hầu hết ngư dân câu cá tại đây đến từ làng Gurubuwela và Weligama, nằm cách trung tâm thành phố Galle khoảng 8km”. Lakshman chính là người đã giữ hình ảnh truyền thống của ngư dân nơi đây bởi theo thời gian, nền công nghiệp Sri Lanka đã xóa dần biểu tượng.

Bác chia sẻ: “Ông nội và cha tôi từng là ngư dân ở đây. Hình ảnh ngư dân trên cà kheo đã in đậm vào tâm trí tôi từ thuở bé. Đó là những kỷ niệm khó quên”.

Để giữ lại hình ảnh này, bác khuyến khích ngư dân đi câu cá không sử dụng lưới và bác mua lại từ ngư dân 3 rupee/con, đem số cá đó bán lại cho thương lái 3,5 rupee/con.

Sống bằng nghề câu cá, những ngư dân ở đây phải phụ thuộc vào lượng cá tự nhiên của biển. Trước một chút lo lắng của tôi rằng liệu thiên nhiên có ưu đãi lượng cá để cho 45 con người kia có thể kiếm sống hằng ngày, bác Lakshman cho biết: “Ông trời dường như rất chiều lòng người, lượng cá hằng năm vẫn về đều đặn”.

Điều đặc biệt, hầu hết ngư dân ở đây đều câu cá trên cà kheo như nghề cha truyền con nối. Piyadasa, ngư dân trẻ nhất (16 tuổi), chia sẻ: “Cha tôi từng là ngư dân, trước khi qua bên kia cuộc đời, ông đã chỉ cho tôi phải biết cách câu cá như thế nào. Tôi câu cá trong nắng, trong gió, trong mưa và cả cuộc đời này”.

xQVAPB0N.jpgPhóng to
Một đám cưới của người Sri Lanka - Ảnh: N.C.L
KWHrUqF2.jpgPhóng to
Dệt khăn choàng và vải - một nghề truyền thống của người Galle - Ảnh: N.C.L

Tôi hỏi bác Lakshman: “Câu cá trên cà kheo trong thời gian dài dưới những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên có làm họ tổn thương không?”. Bác không trả lời và mắt hướng về Ấn Độ Dương xa xăm...

Họ không là những con người vĩ đại, cũng không phải là người đương đầu với những con sóng to của đại dương, hay những người giỏi chịu đựng trong điều kiện khác nhau của thời tiết, nhưng cái cần câu thanh mảnh trong tay họ có thể cân bằng cuộc sống cho chính họ.

Hoàng hôn đã buông trên lối về, trong tiếng sóng biển rì rào, tôi cố nhớ ghi lại những hình ảnh đáng yêu đã bắt gặp chiều nay ở thành phố Galle, một thành phố mang nồng nàn hương vị “quế - cinnamon” trong thời cổ đại của người Sri Lanka.

NGUYỄN CHÍ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp