Diễn viên Lê Trung Thảo vào ba vai trong vở Nhật thực - Ảnh: Q.Đ.
Tôi cho rằng nghệ thuật cải lương của mình là mở và động, sẽ tiếp tục thay đổi theo thời đại. Nên với những thể nghiệm trong vở diễn, chúng tôi vẫn mong nhận được nhiều đóng góp để tiếp tục hoàn thiện.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt
Nhật thực là vở hiếm hoi của khu vực phía Nam sẽ tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế lần 3, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10 năm nay.
Vở bắt đầu với khoảnh khắc nhật thực. Mặt trời là ánh sáng, hiện thân của chân lý, nhưng thỉnh thoảng cũng bị bóng tối che phủ. Trong khoảnh khắc u u minh minh đó, người nghệ sĩ đã mất bỗng bật dậy và nhìn lại bản thân, soi rọi khát vọng làm nghề của mình.
Những tâm tư ùa về, như nỗi trăn trở, đau đáu về hiện thực của sân khấu cải lương hôm nay: Nếu không có sân khấu, nghệ sĩ sẽ đi đâu, về đâu? Sân khấu có mấy chục thước vuông mà biến ảo kỳ lạ, nó khiến nghệ sĩ cứ muốn khóc cười, thăng hoa cùng các nhân vật.
Các nhân vật với các tính cách khác nhau, nhưng tất cả tính cách đó có khi có sẵn trong một con người. Lý trí nào, lựa chọn nào để ta phân định nhân cách cho riêng ta?...
Một trích đoạn Nhật thực - Video: QUANG ĐỊNH
Nhật thực được chuyển thể từ tác phẩm Diễn kịch một mình của soạn giả Lê Duy Hạnh đã gây tiếng vang tại sân khấu 5B vào những năm 1990, với sự thể hiện xuất sắc của NSND Bạch Tuyết khi một mình bà thể hiện ba nhân vật xuyên suốt vở diễn.
Ở bản dựng kịch nói chỉ có một nghệ sĩ độc diễn nhưng trong bản cải lương, ngoài Lê Trung Thảo là nhân vật trung tâm còn có Hoàng Quốc Thanh và Thành Tây trong vai trò hỗ trợ. Để vào vai, cả ba diễn viên dành nhiều tháng đi học võ thuật, múa, âm nhạc, ngôn ngữ kịch câm...
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ vở có nhiều thể nghiệm, làm mới, tuy nhiên sẽ không phải là "nồi lẩu thập cẩm", mà cái mới đưa vào sẽ hợp lý, hiện đại nhưng cố gắng không làm mất đi chất truyền thống.
Về phần âm nhạc, anh sử dụng nhạc thu sẵn và mời các danh cầm như danh cầm Út Tỵ, Huỳnh Tuấn, nhạc sĩ Văn Môn, nghệ sĩ Hải Phượng, Văn Sơn, Trọng Trí... tham gia thu âm. Nhạc sĩ Thanh Liêm đảm nhiệm hòa âm tân nhạc.
Vở diễn có đưa cả rock, world music... vào nhưng không tạo sự khó chịu bởi có những bài bản, tiếng mộc của đờn kìm vang lên trên nền nhạc giao hưởng nhẹ nhàng nghe thật lạ. Các bài bản cải lương được xử lý 1, 2 câu phù hợp trong mỗi trường đoạn để tạo điểm nhấn, tránh sự lê thê.
Ở vai trò diễn viên, Lê Trung Thảo không phải là cái tên ngôi sao ở làng cải lương nhưng anh là nghệ sĩ yêu nghề, chịu thương chịu khó, vừa âm thầm bám nghề vừa học thêm đạo diễn, biên đạo múa...
Trong buổi phúc khảo mới đây, 85 phút đứng suốt trên sân khấu, Lê Trung Thảo đã biết điều tiết để không vì quá mệt ở phút cuối mà ca diễn bị... bể, mẻ. Tuy nhiên, ngoài vai trung thần được thể hiện khá tốt, anh cần chứng tỏ tài năng biến hóa đa dạng hơn ở vai vua và gian thần. Sự phối hợp của ba diễn viên cũng cần nhuần nhuyễn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận