Cảnh trong vở cải lương Dâu bể một kiếp tằm - Ảnh: Đ.Triết |
Đoàn cải lương Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vừa tổng duyệt vở cải lương Dâu bể một kiếp tằm (tác giả TS Cát Điền, chuyển thể cải lương Thế Song, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai) tại rạp Hồng Hà, Hà Nội. Đây là tác phẩm sân khấu đầu tiên khắc họa đậm nét hình tượng người mẹ của ông tổ nghề hát bội Đào Duy Từ.
Dựa vào chi tiết trong sử (Đào Duy Từ sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều làm nghề đàn hát và giai thoại về bà Vũ Lan Chi - người mẹ dám hi sinh cả phẩm giá của mình để liều một phen mở ra con đường học vấn cho con...), Dâu bể một kiếp tằm là tiếng nói vừa xót xa, vừa ai oán của những người mang kiếp cầm ca sống dưới thời chúa Trịnh.
NSND Thanh Hương vào vai bà mẹ Vũ Lan Chi với những câu ca xao động lòng người, những lớp diễn như không phải là diễn khi quyết định bỏ nghề đàn hát để đi bán than, hay khi định đập bỏ cây đàn để can con theo nghiệp cầm ca...
Âm nhạc của vở (NSND Hoàng Anh Tú) cũng đầy phức hợp khi không chỉ là những bài bản của cải lương mà còn đan xen với chèo, ca trù. Thật ám ảnh khôn nguôi với nhịp phách khi xa, khi gần, khi thảnh thơi, khi hối thúc lòng người cầm ca phải khoác áo chối từ thân phận...
Và giữa tiếng sầu bi ấy, đôi lúc khán giả bật cười trước lòng dâm dục vô độ của tên quan huyện, hay trước câu chuyện của hai chú hề hầu quan: “quan trường có kém gì gian thương...”, “khi đến trường không tiền, không quyền, thì đừng đi thi...”.
Màu sắc chủ đạo của vở diễn là bi kịch chồng lấn bi kịch, vậy mà vẫn sáng niềm tin vào nghiệp tổ sẽ được chân truyền đời nối đời, Ngũ cung còn vang mãi/ nhị tơ nối hai bờ/ sắc son còn ta đó...
“Đã có nhiều tác phẩm sân khấu về danh nhân Đào Duy Từ nhưng về người mẹ của ông thì chưa. Thế nên khi dàn dựng Dâu bể một kiếp tằm, tôi rất hào hứng với nhân vật đặc biệt này từ những chi tiết có thể gọi là huyền sử nhưng đáng để cho người đời nay cùng suy ngẫm” - đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận