27/07/2017 11:15 GMT+7

Xem ảnh xưa - nay, cảm nhận Sài Gòn hai đầu thế kỷ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tập sách vừa ra mắt của nhóm tác giả Phúc Tiến, Văn Phụng Hiếu Minh và Soh Weng Yew có cách tiếp cận lịch sử phát triển của đô thị Sài Gòn thật thú vị: sự thay đổi thể hiện qua hình ảnh Sài Gòn cách nhau một khoảng trăm năm.

*** Error ***
Ảnh trích từ sách: Tòa nhà trụ sở UBND quận 1 xưa và nay - Ảnh: L.ĐIỀN

Những bức ảnh chụp các công trình tiêu biểu, hạ tầng và khung cảnh sinh hoạt của người dân... đầu thế kỷ 20 được đặt cạnh các bức ảnh chụp ở vị trí tương tự vào thập niên đầu thế kỷ 21 trong tập sách Sài Gòn - Hai đầu thế kỷ mang lại cảm giác hiếu kỳ cho người đọc.

Bởi qua đó, bạn đọc ngày hôm nay có thể nhận ra tòa nhà trụ sở UBND quận 1 chính là tòa nhà Câu lạc bộ sĩ quan Pháp những năm 1920.

Tòa nhà này được hoàn thành vào năm 1876, từ năm 1954 đến 1975 là trụ sở Bộ Tư pháp Việt Nam cộng hòa.

Hay bức ảnh năm 2012 chụp tòa nhà Khoa dược và Đại học KHXH&NV TP.HCM được đặt cạnh “dáng vóc cũ” có từ đầu năm 1900 là cổng chính trại lính thuộc địa.

Sự hiếu kỳ được thôi thúc và thỏa mãn khi trước hình ảnh hai tòa nhà đại học tại ngã tư đường Lê Duẩn và Đinh Tiên Hoàng hiện nay, được nhìn lại ảnh xưa và đọc cả những thông tin kèm theo:

Cổng trại lính này hoàn thành năm 1873, chỗ này lúc bấy giờ là ngã ba đại lộ Norodom và đường Citadelle (Thành trì).

Từ năm 1955 - 1963, khu vực này mang tên thành Cộng Hòa, thuộc Liên binh phòng vệ Phủ tổng thống Việt Nam cộng hòa.

Năm 1901 đường Citadelle đổi tên là Luro (giáo sĩ Pháp) và sau 1955 là đường Cường Để (Cường Để là hoàng thân chống Pháp, đầu thế kỷ 20).

Cứ như thế, hình ảnh Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 được trình bày theo cách đối sánh, tập trung vào sáu khu vực:

- Khu vực Thành xưa - là vị trí của làng Tân Khai và thành Gia Định.

- Khu vực Bờ sông và bến tàu.

- Khu vực Catinat xưa - Đồng Khởi nay.

- Khu vực Charner xưa - Nguyễn Huệ nay.

- Bonard xưa - Lê Lợi nay

- Và khu vực Chợ Lớn.

*** Error ***
Ảnh trích từ sách: Tòa nhà Khoa dược và Đại học KHXH&NV xưa và nay - Ảnh: L.ĐIỀN

Tác giả Phúc Tiến cho biết cùng với sự quan tâm đến lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn, tập sách này với anh khởi đầu từ một cơ duyên: nhà sưu tập Soh Weng Yew người Singapore giữ được một bộ bưu ảnh chụp Sài Gòn xưa từ cách đây ngót trăm năm với chất lượng tốt.

Từ đó, Phúc Tiến và Hiếu Minh ấp ủ một dự án khảo cứu Sài Gòn qua sự biến đổi cụ thể tại “bộ mặt” các điểm mà người xưa đã lưu giữ được trong ảnh.

Tuy nhiên, việc rong ruổi khắp Sài Gòn để nhận diện và chụp lại “nguyên bản” các công trình kiến trúc và cảnh quan trong các bưu ảnh xưa là một kỳ công.

“Suốt hai mùa hè và dịp nghỉ tết 2009 và 2010, Hiếu Minh và tôi cùng rong ruổi nhiều địa điểm trong thành phố để tìm kiếm và chụp ảnh” - Phúc Tiến chia sẻ.

Tập sách còn một phần Dạo qua quy hoạch Sài Gòn với những ghi nhận về các lần quy hoạch Sài Gòn do chính quyền của nhiều thời kỳ từng thực hiện trong lịch sử.

Bằng tình yêu tha thiết với mảnh đất Sài Gòn và mong muốn lưu giữ những gì của Sài Gòn một thời được xem là tiêu biểu cho sự phát triển của đô thị trong khu vực, các tác giả đã tái hiện một Sài Gòn qua bước chuyển mình vắt giữa hai đầu thế kỷ.

Trong đó, còn thật nhiều tâm sự chưa nói hết. Bạn đọc sẽ tự mình cảm nhận qua từng trang sách đẫm mồ hôi và dào dạt cảm tình.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp